Thắng lợi trong trận Ấp Bắc thể hiện đỉnh cao của nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng để đánh thắng Mỹ-ngụy, mở ra Phong trào “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công” trên toàn miền Nam.
Chuẩn bị chu đáo, tổ chức, sử dụng lực lượng phù hợp
Nhận định đúng tình hình, phát hiện ý định địch sẽ tiến công vào Ấp Bắc, xã Tân Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Tân Phú, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), ta nhanh chóng tổ chức huấn luyện bộ đội và du kích, khẩn trương triển khai đội hình, bố trí lực lượng theo các phương án chiến đấu, hình thành thế đứng vững chắc, linh hoạt. Đại đội 1, Tiểu đoàn 261 (Quân khu 8) được triển khai ở xóm Hội Đồng Vàng (từ cầu ông Bồi, đến mộ ông Tiếp) đảm nhiệm hướng chủ yếu, nơi án ngữ trục đường dẫn từ Lộ số 4 vào Ấp Bắc, để chặn đánh hướng tiến công chủ yếu của địch. Trên hướng này, khi thực hành tiến công, địch đã tập trung sức mạnh tiến công nhiều đợt trong ngày, cả đường bộ, đường sông và đổ bộ đường không, cùng hàng chục xe thiết giáp M-113 đột kích vào trận địa của ta. Trung đội bộ đội địa phương Châu Thành bố trí ở khu vực miếu Thầy La, xóm Tràm; trung đội du kích cùng 2 đội công binh được bố trí dọc theo bờ kênh Nguyễn Tấn Thành nhằm tăng cường sức mạnh cho Đại đội 1 (Tiểu đoàn 261), đồng thời sẵn sàng đón đánh địch vu hồi đường sông. Đại đội 1 (Tiểu đoàn 514) bố trí ở ấp Tân Thới (từ mộ ông Tiếp đến Nam ấp Tân Thới), đây là hướng quan trọng mà địch có thể tận dụng để tiến công từ bên sườn vào Ấp Bắc. Với cách bố trí đội hình chặt chẽ, các đợt tiến công của địch đều bị quân và dân ta chặn đứng.
 |
Trực thăng của quân đội Mỹ bị bắn rơi trong trận Ấp Bắc. Ảnh tư liệu |
Điểm nổi bật trong việc triển khai thế trận cho trận đánh ở Ấp Bắc, chính là ta đã kết hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực quân khu, bộ đội địa phương tỉnh, huyện và dân quân du kích để triển khai trên những trọng điểm; có lực lượng phòng ngự giữ trận địa, có lực lượng bố trí sẵn đón đánh quân địch vu hồi, có lực lượng cơ động. Hỏa lực được bố trí ở những vị trí có thế lợi nhất để tiêu diệt xe thiết giáp M-113 và tàu chiến của địch. Đặc biệt, thế trận của ta có thể đánh cả quân địch tiến công đường bộ, đường sông và đổ bộ đường không.
Hiệu quả của thế trận đã được chứng minh bằng chiến công vang dội. Trong một ngày chiến đấu kiên cường, quân và dân Ấp Bắc đã đánh bại 5 đợt tiến công liên tiếp của địch, trong đó có 2 đợt tiến công địch sử dụng cả quân đổ bộ đường không và xe thiết giáp M-113, như: Đợt tiến công thứ 2, địch dùng 10 máy bay trực thăng đổ bộ 2 tiểu đoàn bộ binh tiến công vào trận địa Đại đội 1 (Tiểu đoàn 261); đợt tiến công thứ 5, chúng sử dụng 7 máy bay vận tải C-47 chở Tiểu đoàn dù 8 đổ bộ xuống ấp Tân Hội, đúng vào trận địa mai phục của Đại đội 1 (Tiểu đoàn 514). Cả hai đợt, khi những chiếc trực thăng chở quân vừa hạ độ cao để đổ quân và những tên nhảy dù của địch còn đang lơ lửng trên không thì bộ đội và du kích nổ súng tiêu diệt.
Phân tán lực lượng, chia cắt đội hình và ngăn chặn phản kích của địch là một thành công lớn trong chỉ đạo trận đánh của Tỉnh ủy, Ban Quân sự tỉnh Mỹ Tho. Giữa lúc trận đánh đang diễn ra ác liệt, Tỉnh ủy, Ban Quân sự tỉnh Mỹ Tho đã kịp thời sử dụng Đại đội 2 (Tiểu đoàn 514) tiến công trường bắn Tân Hiệp; trung đội trinh sát khống chế sân bay Thân Cửu Nghĩa; dân quân du kích thị trấn Tân Hiệp, Cai Lậy, Cái Bè tiến công các đồn bốt trong khu vực, làm cho địch bị thiệt hại lớn, số còn lại tinh thần hoang mang.
Lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều
Trận càn quét vào Ấp Bắc của Mỹ-ngụy, ngoài lực lượng được tập trung từ đầu, quá trình chiến đấu, chúng còn tăng viện 1 tiểu đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn dù và 1 đại đội cối 106,7mm. Trong khi đó, lực lượng của ta ít hơn địch nhiều lần cả về quân số và vũ khí, trang bị. Để lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, quân và dân Ấp Bắc dựa vào hệ thống công sự trận địa vững chắc, giữ bí mật để tạo bất ngờ. Bộ đội và du kích đã nêu cao ý chí quyết tâm, giành quyền chủ động đánh địch ở mọi lúc, mọi nơi; tận dụng thế lợi của địa hình, thực hiện bám trụ, áp sát, đánh gần để hạn chế sức mạnh của hỏa lực xe thiết giáp M-113, chặn đứng các đợt tiến công của địch.
Xây dựng làng chiến đấu-một mô hình tác chiến có hiệu quả đã được quân dân Khu 8 phát huy tốt trong suốt quá trình đấu tranh. Khi đánh địch tiến công vào địa bàn, quân và dân Ấp Bắc đã đưa biện pháp tác chiến này thành một điển hình nổi bật. Dựa vào điều kiện tự nhiên của địa hình để xây dựng hệ thống công sự vững chắc, có hầm chiến đấu và hầm phòng, chống bom, đạn pháo của địch, có hào cơ động và hố chiến đấu rộng khắp. Hệ thống hầm hào được ngụy trang kín đáo, kết hợp đặc thù của địa hình đồng bằng để tạo nên một thế trận kín đáo, bí mật. Bộ đội và du kích đã tận dụng, cải tạo theo ý định tác chiến, từng bước củng cố thành thế trận phòng ngự liên hoàn. Hệ thống công sự vững chắc đã tạo điều kiện cho lực lượng của ta bám trụ, đón đánh có hiệu quả các đợt tiến công của địch, các bộ phận chi viện cho nhau kịp thời; hệ thống hào cơ động, các bờ kênh rạch để cơ động linh hoạt, thực hiện các đòn phản kích vào bên sườn, phía sau đội hình địch, tiêu diệt và phá hủy phương tiện chiến tranh của chúng. Tận dụng sự kín đáo địa hình, bố trí đội hình chiến đấu bí mật, làm cho địch bị bất ngờ trước các hoạt động chiến đấu của ta trong suốt trận đánh.
Ngoài ra, trong trận đánh, ta đã kết hợp chặt chẽ lực lượng vũ trang ba thứ quân; thực hiện hiệu quả tác chiến bằng 3 mũi giáp công (chính trị, vũ trang và binh vận)... góp phần làm nên chiến thắng: Đánh bại 5 đợt tiến công của Mỹ-ngụy, tiêu diệt và làm bị thương 450 tên địch (trong đó có 11 cố vấn và nhân viên kỹ thuật Mỹ), bắn rơi 5 máy bay trực thăng, phá hủy 3 xe bọc thép M-113, đánh chìm một tàu chiến.
Thiếu tướng, TS ĐỖ MINH XƯƠNG, Giám đốc Học viện Lục quân