Những khó khăn của nghề làm chè

Theo chân một người bạn, tôi có dịp về Thành phố Thái Nguyên và được dẫn tới thăm đồi chè xanh ngát nhà chị Hạ. Nếu không được giới thiệu từ trước, thật khó có thể hình dung phụ nữ có dáng người nhỏ nhắn, nụ cười chân chất, thật thà trong bộ trang phục một công nhân hái chè trước mặt tôi lại là chủ một doanh nghiệp sản xuất chè có tiếng ở xã Tân Cương. 

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất được mệnh danh là “Đệ nhất danh trà”, nhiều năm gắn bó với cây chè, thấy được giá trị mà nó đem lại nên chị Bùi Thị Hạ từ một người nông dân nghèo quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đã nuôi trong mình mong ước làm giàu từ sản vật quê hương. Chị Hạ quyết tâm theo nghề truyền thống của gia đình và địa phương là trồng, sản xuất và chế biến chè Tân Cương nổi tiếng. Kể về những ngày đầu lập nghiệp, chị Hạ cho biết: “Tôi cưới chồng sau khi học hết cấp 3, hoàn cảnh hai bên đều rất khó khăn, tài sản duy nhất là mấy trăm mét vuông đất đồi cùng với nghề làm chè do bố mẹ truyền lại. Ngày ngày, tôi đi hái chè thuê chỉ được vài nghìn đồng/kg chè tươi. Thú thực lúc đó tôi chỉ mong kiếm đủ tiền nuôi 2 con ăn học và trang trải cuộc sống gia đình là may mắn lắm rồi”. 

leftcenterrightdel
 Chị Bùi Thị Hạ chủ doanh nghiệp tư nhân Cảnh Hạ.

Bước ngoặt để chị đi đến quyết định mạnh dạn tạo dựng doanh nghiệp sản xuất chè của riêng mình là khi có được kinh phí hỗ trợ vay vốn từ dự án phát triển kinh tế của địa phương cuối năm 2013. Giai đoạn đầu, chị chỉ đầu tư làm trên diện tích 1.500m2 đất trồng chè của nhà, xưởng sản xuất nhỏ với 3 công nhân và sản xuất thủ công, chủ yếu sao bằng củi, vò bằng tay rất tốn công, thường xuyên phải thức đến 2-3 giờ sáng để làm cho kịp giờ đi chợ.

Trước đây công việc dựa vào kinh nghiệm của người đi trước truyền cho người đi sau, sản xuất nhỏ lẻ theo kiểu kinh tế hộ gia đình quy mô nhỏ nên khi gặp phải khó khăn thì việc tháo gỡ cũng đơn giản. Nhưng kể từ khi nâng cấp quy mô hơn, những khó khăn lớn đã dần xuất hiện. Do quy trình chăm bón chưa đúng kỹ thuật, các kỹ năng sao, sấy chưa thành thạo khiến nhiều mẻ chè chị làm ra không đạt yêu cầu. Có thời điểm, chị phải tạm ngừng sản xuất do nguyên liệu khan hiếm, giá cả bấp bênh và nguồn vốn hạn hẹp… 

Trước những khó khăn gặp phải, có lúc tưởng chừng như phải tuyên bố phá sản nhưng chị quyết không nản lòng, lùi bước. Chị đăng ký và dành nhiều thời gian đi học thêm các lớp đào tạo chuyên sâu về nghề chè, tham gia hội thảo, tập huấn để cải thiện chất lượng và kỹ thuật chế biến sản phẩm. Sau đó, chị phải thế chấp tài sản vay thêm 500 triệu đồng từ ngân hàng để đầu tư nâng cấp nhà xưởng và máy móc hiện đại hơn để sản xuất. Nhờ sự chăm chỉ, chịu khó, giữ chữ tín trong kinh doanh mà chất lượng sản phẩm do xưởng của chị sản xuất dần được cải thiện. Khách hàng tìm đến với chị ngày một đông, thị trường tiêu thụ không chỉ bó hẹp trong tỉnh mà đã vươn sang một số tỉnh, thành lân cận. 

leftcenterrightdel
 Đồi chè nhà chị Bùi Thị Hạ ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương (Thái Nguyên).

 “Thời gian đầu, do chưa biết cách chăm sóc, thường xuyên phải hít vào phổi mùi thuốc sâu hóa học, lại làm ngoài đồi chè từ sớm tới khuya,… vừa ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất, vừa ảnh hưởng chất lượng sản phẩm. Để khắc phục tình trạng đó, tôi đã chuyển hướng sang quy trình chăm sóc theo phân bón hữu cơ, hướng tới một nông nghiệp sạch  và hơn một năm sau cây chè mới phát triển đều, đạt chất lượng”, chị Hạ chia sẻ. 

Phấn đấu, vươn lên làm chủ doanh nghiệp

Cuối năm 2015, chị Hạ cùng chồng quyết định thành lập Doanh nghiệp tư nhân Cảnh Hạ chuyên sản xuất chè Tân Cương, được thực hiện 100% theo quy trình VietGAP và tiêu chuẩn UTZ (tiêu chuẩn trong nước và quốc tế về sản phẩm chè sạch, an toàn và không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật). Cây chè được chăm bón bằng phân hữu cơ, bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, doanh nghiệp của chị thành công ký kết hợp đồng dài hạn với Tổng công ty Chè Việt Nam, xuất ra nước ngoài hàng chục tấn chè khô mỗi năm… 

leftcenterrightdel

 Một góc của xưởng sản xuất chế biến chè của Doanh nghiệp.

Nhấp ngụm chè chị pha, tôi cảm nhận rõ hương vị đậm đà, màu nước xanh. Uống vị đầu tiên thấy có vị chát sau đó là dư vị ngọt đọng lại, giữ đúng hương vị đặc trưng của núi rừng. Anh Trần Đức Cảnh (47 tuổi) chồng chị Hạ chia sẻ: "Những ngày đầu thành lập doanh nghiệp chúng tôi còn nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất và thiếu vốn kinh doanh nên sản lượng thấp, chất lượng chè chưa cao. Vợ tôi phải đi đến từng nhà trồng chè ở xã Tân Cương để tìm nguồn nguyên liệu mà đa phần chè ở đây bán giá rất cao. Có người tư vấn chúng tôi nên đi mua nguyên liệu ở chỗ khác rồi về dán mác Tân Cương nhưng chúng tôi không đồng ý và chấp nhận mua chè tươi với giá cao. Thậm chí trong thời gian đầu làm còn không có lãi để bảo đảm uy tín, chất lượng sản phẩm mình làm ra”. 

leftcenterrightdel
 Sản phẩm của doanh nghiệp tư nhân Cảnh Hạ.

Từ cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, sau 10 năm nỗ lực xây dựng, xưởng chè nhà chị Hạ đã thành một doanh nghiệp, có diện tích canh tác được mở rộng lên hơn 3.500m2. Bên cạnh xưởng sản xuất còn có không gian trưng bày rộng, giới thiệu hơn 10 loại chè do doanh nghiệp Cảnh Hà sản xuất, phân phối ra thị trường. Cùng với đó là đội ngũ công nhân tăng gấp 5 lần trước đây, doanh nghiệp đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Chị Hạ cho biết thêm: “Để làm ra một sản phẩm ngon, đắt hàng thì phải kỹ càng từ khâu trồng trọt, tuân thủ bí quyết về thời gian, quy cách thu hái chăm bón phải chuẩn theo quy định VietGAP và tiêu chuẩn UTZ, sử dụng 100% phân bón hữu cơ đảm bảo an toàn vệ thực phẩm, chế biến đóng gói mẫu mã đẹp, đa dạng được người tiêu dùng gần xa ưa chuộng". 

Chị Nguyễn Thị Hà (41 tuổi) tại xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương (Thái Nguyên), công nhân xưởng chè tâm sự: “Từ ngày làm tại xưởng chè nhà chị Hạ tôi có thêm nguồn thu nhập 6-8 triệu đồng/tháng. Ngày trước ai thuê gì tôi làm nấy, công việc không ổn định, kinh tế chủ yếu dựa vào chồng nên gia đình cũng khó khăn. Giờ tôi đã có công việc ổn định, đời sống của gia đình khấm khá hơn rất nhiều”. 

Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, hiện nay, Doanh nghiệp tư nhân Cảnh Hà đã mở rộng thị trường ra các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đắk Lắk…, đạt doanh thu khoảng 12 tỷ đồng/năm. Mục tiêu sắp tới của doanh nghiệp là tiến lên thành hợp tác xã, tạo thêm công việc cho người dân, phát triển thêm hộ gia đình thành viên, ứng dụng công nghệ chế biến hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm. Góp phần làm giàu quê hương, đưa chè Thái Nguyên trở thành sản phẩm tiêu dùng uy tín, chất lượng trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: THU HOÀI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.