QĐND - Trên đỉnh Hấu Chua ở xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, “vua chè” cổ thụ Hạng A Chư chỉ tay vào cánh rừng chè mấy trăm năm tuổi rồi nói: “Rừng chè này có từ lâu lắm rồi, bây giờ người Mông cũng không nhớ nổi cây chè bao nhiêu tuổi. Nhưng người già nói rằng, những cây chè lâu nhất cũng phải hơn tuổi 6 đời người Mông Sín Chải”. Cây chè cổ thụ Shan Tuyết đã trở thành linh hồn, sức sống và đem lại cả mùa ấm no cho đồng bào vùng cao nơi đây.

Lên vùng cao thưởng chè “tiến vua”

Một ngày đầu năm 2015, chúng tôi có mặt trong một đám cưới người Mông ở xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Chủ tịch UBND xã Mùa A Chinh vừa rót những chén chè vàng sánh, nóng ran vừa hồ hởi khoe: “Các anh lên đây phải thử chè cây cao của người Mông chúng tôi xem sao".

Nhấp chén chè được chế biến từ những chồi lá trên cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi trong cái lạnh vùng cao se sắt, chúng tôi cảm nhận được sự đậm đà, có cả vị nồng chát, cả hơi ngọt thơm hương chè như chính sức sống của cộng đồng người Mông cư ngụ bao đời nơi mảnh đất vùng cao Tủa Chùa.

Bản làng người Mông ở Sín Chải xanh ngắt những cây chè Shan Tuyết cổ thụ.

Hạng A Chư ngồi kế bên lại khoe tiếp: “Nhiều năm trước, người Mông còn du canh du cư, chưa thực sự biết quý trọng cây chè. Nhưng bây giờ khác rồi, nhà nào có cây chè cũng đều giữ gìn, học cách chăm sóc, thu hái để phát triển kinh tế. Ngay nhà tôi bây giờ cũng có khoảng 400 cây to, mỗi năm từ tháng 2 đến tháng 9 là thu hái. Lá chè tươi bán đã là 13.000 đồng/kg, còn chè khô thì 200.000 đồng/kg. Nhà nào làm tốt thì mỗi năm cũng thu nhập cả trăm triệu đồng chứ không ít”.

Ông Sùng A Vang, 76 tuổi, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa nói rằng, những cây chè Shan Tuyết cổ thụ đã sống hàng trăm năm trên núi cao ở các xã Sín Chải, Sính Phình, Tả Phình, Tả Sìn Thàng, ở độ cao 1.500m so với mặt nước biển, nơi khí hậu mát lạnh, quanh năm mây phủ. Đây là giống chè mọc tự nhiên, cây to, cao hơn 10m, tán rộng, búp to đều, đặc biệt chè rất sạch, không sử dụng bất cứ loại hóa chất, phân bón nào trong quá trình chăm sóc, thu hái, sao chế và bảo quản. Mỗi ấm chè có thể pha đến vài lần nước mà vẫn giữ được màu xanh, càng uống càng thơm ngon, đậm đà. Cách đây cả trăm năm, từ thời Pháp thuộc, người Pháp và “vua Thái” Đèo Văn Long đã cho thu mua chè cổ thụ Tủa Chùa để chế biến, đem về dùng và thậm chí đưa cả sang Pháp tiêu thụ. Xã Sín Chải có tới gần 4000 cây chè cổ thụ. Ở đây cây chè luôn hiện hữu trong cuộc sống người dân, chè được sử dụng làm nước uống, làm thuốc, làm nước tắm chống rôm sảy cho trẻ nhỏ...

Cây chè - cây xóa đói giảm nghèo

Theo ông Phạm Đức Hiển, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên, địa phương là một trong những tỉnh có vùng chè Shan Tuyết lâu đời nhất nước ta, là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cây chè sinh trưởng và phát triển. Đây là loại chè có hương thơm, vị đượm, uống có vị đặc trưng và đang được ưa chuộng trên thị trường. Chè Shan Tuyết cổ thụ Tủa Chùa rất sạch vì đồng bào không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật mà chủ yếu là khai thác tự nhiên. Chè cổ thụ Tủa Chùa mới uống thì có vị đắng, nhưng rất đượm nước. Với những giá trị hữu hiệu mang lại cho sức khỏe cùng hương vị đặc trưng, sản phẩm chè này đã được Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tiêu biểu.

Năm 2007, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định phê duyệt Dự án Quy hoạch phát triển vùng chè tại 4 xã: Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Tả Phìn và Sính Phình của huyện Tủa Chùa, giai đoạn 2006 - 2015. Tổng nguồn vốn của dự án là hơn 84 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu đầu tư vào các hạng mục: Cơ sở hạ tầng giao thông, nước sinh hoạt; cơ sở hạ tầng sản xuất chè; trồng và chăm sóc chè; trồng rừng, khoanh nuôi rừng... Mục tiêu của dự án là đến năm 2015 giá trị hàng hóa của sản phẩm chè đạt gần 19 tỷ đồng. Với tổng số gần 10.000 cây chè hàng trăm năm tuổi hiện có, huyện Tủa Chùa được Viện Nghiên cứu Chè đánh giá là nơi còn mật độ cây tập trung lớn so với các địa phương khác trong cả nước. Đây còn là giống chè quý mọc tự nhiên, ít có sự tác động của hóa chất nên nổi tiếng có chất lượng sạch, an toàn cho sức khỏe. Đặc biệt là trong điều kiện nắng nóng hay rét đậm kéo dài thì cây chè Shan Tuyết Tủa Chùa vẫn phát triển xanh tốt.

Chia tay chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Mùa A Chinh cứ nắm chặt tay nói thêm: “Nhất định đến mùa xuân các anh phải trở lại nhé. Khi đó là mùa hái chè, các anh sẽ thấy cây chè cho búp, cho lá trù phú, sinh sôi thế nào. Nếu được quan tâm, đầu tư và phát triển đúng cách, chắc chắn chè Shan Tuyết cổ thụ Tủa Chùa sẽ là cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào chúng tôi”.

Bài và ảnh: HOÀNG TRƯỜNG GIANG