Không khó để chúng tôi tìm thấy xưởng chế biến của Hợp tác xã (HTX) chè Bản Liền bởi mùi hương đặc trưng tỏa ra từ những mẻ chè mới ra lò. Cả xưởng sản xuất hàng chục công nhân đang vận hành dây chuyền chế biến, mỗi người một việc, từ thu mua chè tươi, vò, sàng, sấy… đến phân loại chè thành phẩm. Dẫn chúng tôi đi tham quan xưởng sản xuất, ông Phạm Quang Thận, Giám đốc HTX chè Bản Liền cho biết, cứ 6 giờ chiều là thời điểm người dân tập hợp tại HTX để cân chè, người 10kg, người vài chục kilogam, mỗi ngày, người dân có thể thu về nửa triệu đồng, nhiều gia đình có thu nhập ổn định. 

leftcenterrightdel
Phân loại chè thành phẩm tại Hợp tác xã Chè Bản Liền. 

“Trước đây, việc tiêu thụ sản phẩm chè gặp không ít khó khăn, nhiều hộ ở Bản Liền gần như bỏ hoang nương chè. Đến năm 2004, huyện Bắc Hà đã thành lập HTX chè Bản Liền đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè cho người dân trên địa bàn. Khi hợp tác xã được thành lập, người dân đã thay đổi nhận thức và quan tâm phát triển cây chè. Từ hơn 100 thành viên ban đầu, đến nay, xã đã có hơn 300 hộ liên kết trồng chè và bán chè búp tươi cho HTX. Từ năm 2016, được sự vận động và hỗ trợ của Dự án Thương mại Đa dạng sinh học khu vực Đông Nam Á (Biotrade SECO) và Dự án nhân rộng các sáng kiến thương mại gắn với bảo vệ đa dạng sinh học và giá trị đạo đức trong lĩnh vực thảo dược ở Việt Nam (Biotrade EU) do tổ chức Helvetas triển khai, HTX đã chuyển hướng sang sản xuất chè hữu cơ. Đến nay, toàn xã Bản Liền có khoảng hơn 500ha chè Shan Tuyết, trong đó, hơn 400ha được công nhận chè hữu cơ. Nhờ có thị trường xuất khẩu ổn định, mỗi năm HTX chè Bản Liền thu mua khoảng 400 tấn chè búp tươi, sau đó chế biến thành các sản phẩm: Hồng trà, trà sấy, trà đen, trà trắng, trà bánh… xuất khoảng 100 tấn khô sang 10 nước ở châu Âu, châu Mỹ để sử dụng trong ngành thực phẩm, mỹ phẩm”, ông Phạm Quang Thận cho biết thêm.

Năm 2019, chè hữu cơ Bắc Hà do HTX chè Bản Liền sản xuất được Hội đồng OCOP trung ương (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cấp chứng nhận đạt OCOP hạng 5 sao. Tự hào là sản phẩm đầu tiên của Lào Cai được chứng nhận OCOP hạng 5 sao, ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà cho biết: Để có những thành quả này là cả sự nỗ lực của chính quyền, người dân, doanh nghiệp và HTX. Chúng tôi phải tuân thủ đầy đủ 25 tiêu chuẩn ngặt nghèo do các tổ chức quốc tế quy định. Sản phẩm chè Bản Liền được canh tác tự nhiên, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. 

leftcenterrightdel
Người dân xã Bản Liền thu hái chè.

Ông Giàng Seo De, Chủ tịch UBND xã Bản Liền cho hay, tại xã Bản Liền, 100% dân cư là người dân tộc thiểu số, có trình độ dân trí thấp, tập quán lạc hậu. Trước đây, tỷ lệ hộ nghèo của xã cao nhất trong huyện. Nay nhờ trồng chè, nhiều hộ trong xã có thu nhập cao, từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cuối năm 2018, tỷ lệ hộ thoát nghèo của xã Bản Liền đạt 12%, hiện đang phấn đấu giảm tiếp 10% hộ nghèo trong năm 2019, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 30%.

Bên nương chè của gia đình mình, anh Vàng A Dựng, thôn đội 4, xã Bản Liền cho biết: “Trước đây, do chưa có thương hiệu nên sản phẩm chè của bà con làm ra khó tiêu thụ, giá bán lại thấp, đến nay mỗi héc-ta chè có thể mang về nguồn thu 80 - 100 triệu đồng/năm, cao hơn gấp nhiều lần so với cấy lúa, trồng ngô. Gia đình tôi có gần 20ha chè hữu cơ, trong đó có 15ha đang cho thu hoạch. Bình quân mỗi năm chế biến được 5 tấn chè khô, thu về 400 triệu đồng, trừ chi phí, lãi gần 200 triệu”.

Dẫn chúng tôi thăm nương chè đang thu hoạch, chị Lâm Thị Tư, thôn đội 2, xã Bản Liền, cho hay: Chè Shan Tuyết được thu hoạch vào tháng 3, 5, 7 âm lịch, mỗi người một ngày hái được 20 đến 30kg chè tươi, giá bán trung bình khoảng 13.000 đồng đến 15.000 đồng/kg, nhờ đó, cuộc sống gia đình tôi cũng ổn định. Cây chè hợp đất, thời tiết, nên cứ tự nhiên phát triển, không bón phân, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, một năm chỉ làm cỏ 1 - 2 lần, mỗi tháng hái một buổi là xong. Tôi chỉ mong có thêm nhiều đất để trồng chè, tăng thu nhập cho gia đình.

Vùng chè Shan Tuyết huyện Bắc Hà đã góp phần đổi thay nhiều mặt ở địa phương, tạo ra lớp công nhân mới, là con em đồng bào các dân tộc có tay nghề thâm canh cao, nhiều gia đình đã có thêm nguồn thu nhập từ chính cây trồng thế mạnh của địa phương, đời sống thay đổi từng ngày, từ những búp chè xanh mơn mởn trên những triền núi cao. 

Bài, ảnh: DIỆU THÚY