Nguyễn Diệu Linh (sinh năm 2007, tại phường Vũ Phúc, tỉnh Hưng Yên) là 1 trong 9 thí sinh trên cả nước đạt điểm tuyệt đối 30/30 trong kỳ thi năm nay nếu xét theo các khối truyền thống như: A00 (Toán học, Vật lý, Hóa học), B00 (Toán học, Hóa học, Sinh học), A01 (Toán học, Vật lý, Tiếng Anh), C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) và D01 (Toán học, Ngữ văn, Tiếng Anh).

Tự học để bứt phá

Sinh ra trong một gia đình thuần nông, bố mẹ bận rộn mưu sinh, Nguyễn Diệu Linh sớm hình thành thói quen tự học. Không tham gia nhiều lớp học thêm, em chủ động nắm chắc kiến thức ngay từ trên lớp, tự tìm tài liệu phù hợp để ôn tập, kết hợp học nhóm cùng bạn bè.

Ngay từ những năm đầu tiểu học, Diệu Linh đã cho thấy khả năng tiếp thu nhanh và niềm yêu thích đặc biệt với các con số. Có tố chất ở môn Toán, em luôn nằm trong nhóm học sinh nổi bật và được thầy cô tin tưởng lựa chọn tham gia các kỳ thi học sinh giỏi từ cấp 1 đến cấp 3. Năm lớp 12, em giành giải Ba Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn Toán.

Với 3 điểm 10 ở môn Toán học, Vật lý và Hóa học, Nguyễn Diệu Linh (nữ sinh đến từ Trường THPT Nguyễn Trãi, tỉnh Hưng Yên) là thủ khoa khối A00 toàn quốc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. 

“Thế mạnh ở các môn tự nhiên là cơ sở để em lựa chọn khối A00 (Toán học, Vật lý và Hóa học), với mong muốn chinh phục điểm số cao và theo đuổi ngành học yêu thích tại Trường Đại học Ngoại thương”, Linh cho biết.

Dù có thế mạnh nổi trội ở môn Toán, Diệu Linh luôn xác định phải học đều để đạt kết quả cao ở cả 3 môn trong tổ hợp khối A00. Với Linh, 3 môn thi: Toán học, Vật lý, Hóa học không phải là 3 phần tách biệt mà có mối liên kết nhất định. Cách tiếp cận tư duy logic từ môn Toán giúp em giải quyết bài tập Vật lý nhanh hơn. Từ hiểu biết về Hóa học, em học được thêm cách quan sát hiện tượng và phân tích vấn đề một cách hệ thống.

“Trong 3 môn, Vật lý là môn em thấy khó nhất. Nhưng em may mắn vì cô giáo chủ nhiệm 3 năm cấp 3 cũng chính là cô dạy Vật lý. Cô hiểu rõ khả năng của từng bạn nên luôn hỗ trợ rất sát. Nhờ vậy mà em thấy mình tiến bộ từng chút một”, Linh chia sẻ.

Với Linh, quá trình học không phải là chạy đua, mà là giữ được sự bền bỉ. Suốt 3 năm cấp 3, Linh duy trì thời khóa biểu học tập khoa học. Bên cạnh thời gian học chính khóa ở trường, mỗi ngày em dành khoảng 3-4 tiếng tự học. Những giờ giải lao giữa các buổi học được em tận dụng để thư giãn, trò chuyện với bạn bè hoặc tìm đến các nội dung tích cực trên mạng xã hội.

“Linh là học sinh có ý thức tự học rất cao. Em luôn cố gắng nắm chắc kiến thức ngay trên lớp, ít khi phải hỏi lại bài vì đã hiểu từ đầu. Trong học tập, Linh rất khiêm tốn, không vội vàng chạy theo thành tích mà luôn chắc chắn từng bước”, cô Phạm Thị Huế (giáo viên chủ nhiệm của Linh) nhận xét.

Bên cạnh việc học trên lớp, Diệu Linh xem mạng xã hội là một nguồn tham khảo hữu íchEm chỉ tiếp cận những nội dung phục vụ cho việc học, tránh dàn trải để không bị loãng kiến thức hay sao nhãng mục tiêu. 

Bước vào giai đoạn ôn thi nước rút, Diệu Linh giữ nguyên nhịp học nhưng nâng cao cường độ ôn tập. Em tự xây dựng cho mình một “bộ sưu tập” đề thi chất lượng, bao gồm các đề thi thử, đề minh họa và các dạng đề nâng cao theo từng chuyên đề.

“Em không chạy theo số lượng đề mà chú trọng làm kỹ từng đề một. Sau mỗi lần làm đề, em đều rà soát kỹ từng câu sai, phân loại dạng bài, tìm nguyên nhân sai sót để tránh lặp lại”, Linh chia sẻ.

Thói quen này giúp nữ sinh rèn luyện phản xạ nhanh khi làm bài thi trắc nghiệm, đồng thời hình thành tư duy hệ thống khi xử lý đề dài và có tính phân hóa cao.

Linh cho biết, khoảng nửa tháng trước kỳ thi chính thức, em rơi vào giai đoạn “chững” lại. Dù vẫn ôn luyện nghiêm túc, làm đề đều đặn, nhưng điểm số không cải thiện khiến em gặp áp lực. Đúng lúc ấy, sự đồng hành từ thầy cô, bạn bè và gia đình đã trở thành điểm tựa giúp em lấy lại thăng bằng.

“Em có một nhóm học tập gồm 4 người bạn thân thiết. Trong đó có 2 bạn cùng chung ước mơ thi vào Đại học Ngoại thương giống như em. Cả nhóm thường luyện đề cùng nhau, trao đổi cách giải và hỗ trợ nhau khắc phục điểm yếu ở từng môn. Không khí học nhóm giúp em cảm thấy nhẹ nhàng hơn, đỡ áp lực hơn”, nữ sinh chia sẻ.

Không chỉ có bạn bè sát cánh, Linh còn nhận được sự đồng hành lặng lẽ mà bền bỉ từ gia đình. Bố mẹ quanh năm vất vả với đồng ruộng, không có nhiều điều kiện theo sát con trong học tập, nhưng luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để em yên tâm học hành. Không gian học yên tĩnh, bữa cơm đúng giờ, ánh đèn luôn sáng mỗi tối... là cách mà bố mẹ âm thầm đồng hành cùng con gái.

Chị Nguyễn Thị Hải (bên trái) cho biết rất tự hào về con gái. 

Tất cả những sự đồng hành ấy đã trở thành chỗ dựa vững chắc giúp Linh giữ được sự bình tĩnh và tập trung trong kỳ thi quan trọng. Từng môn thi trôi qua trong tâm thế chủ động, em hoàn thành bài làm như những gì đã rèn luyện suốt 12 năm đèn sách. Khi kết thúc bài thi cuối cùng, Linh cảm thấy nhẹ nhõm và hài lòng.

“Lúc cháu gọi điện báo điểm, tôi đang đi làm. Nghe cháu nói được 30 điểm, tôi mừng quá mà rơi nước mắt. Hai vợ chồng chỉ biết động viên con cố gắng, chứ không tạo áp lực cho con. Cháu đạt được kết quả như vậy, tôi bất ngờ và tự hào lắm, bao nhiêu vất vả, lo toan bỗng chốc tan biến hết”, chị Nguyễn Thị Hải (mẹ của Linh) xúc động.

“Trường Đại học Ngoại thương là ước mơ của em trong suốt 3 năm cấp 3”

Linh chia sẻ như vậy khi được hỏi về định hướng trong tương lai. Ngay từ những ngày đầu bước vào cấp 3, em đã chủ động tìm hiểu thông tin về các trường đại học, so sánh chương trình đào tạo giữa các ngành và xác định rõ mục tiêu cho mình. Với Linh, Đại học Ngoại thương không chỉ là một môi trường đào tạo chất lượng, mà còn là nơi nuôi dưỡng tư duy hội nhập, mở ra nhiều cơ hội để phát triển bản thân.

“Em thích môi trường năng động và đa chiều. Trường Đại học Ngoại thương là nơi em nghĩ mình có thể học được nhiều kỹ năng, từ chuyên môn đến kỹ năng mềm, đồng thời được tiếp cận với góc nhìn toàn cầu mà em luôn muốn khám phá”, Linh bày tỏ.

Mục tiêu nghề nghiệp của Linh gắn liền với mong muốn trở thành chỗ dựa vững chắc cho bố mẹ. Với em, học tập là cách thiết thực để xây dựng một tương lai ổn định, từ đó san sẻ phần nào gánh nặng kinh tế với bố mẹ.

Gia đình là điểm tựa vững chắc trong hành trình chạm tới danh hiệu thủ khoa của Nguyễn Diệu Linh. 

Với điểm tuyệt đối 30/30 và nguyện vọng theo học tại Đại học Ngoại thương, con đường phía trước của Nguyễn Diệu Linh đang rộng mở. Nhưng với em, hành trình này mới chỉ bắt đầu. Em không chọn nghỉ ngơi sau kỳ thi, mà tiếp tục chuẩn bị hành trang cho một chặng đường mới đầy khát vọng, nơi tri thức và sự nỗ lực sẽ tiếp tục là đôi cánh giúp em bay xa.

Chia sẻ về “bí kíp” ôn thi hiệu quả, thủ khoa khối A00 toàn quốc năm 2025 Nguyễn Diệu Linh cho rằng, điều quan trọng nhất trong giai đoạn nước rút không chỉ là kiến thức mà còn là sự chuẩn bị tốt về tâm lý. Theo em, dù đã tích lũy được hành trang học tập trong suốt 3 năm, nếu không giữ được sự bình tĩnh và thoải mái trong những ngày cận thi, học sinh sẽ khó phát huy hết khả năng của mình.

Linh cũng lưu ý rằng, trong quá trình làm bài thi trắc nghiệm, thí sinh nên rèn thói quen đọc kỹ và gạch chân các ý chính của đề bài. Điều này giúp tránh lạc hướng khi giải quyết các câu hỏi có tính phân hóa cao, đồng thời tiết kiệm thời gian và hạn chế sai sót không đáng có.


Bài, ảnh: TRẦN HẢI LY

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.