Theo con đường đất đỏ, chúng tôi tìm đến nhà anh Hà Tư Phước nằm sâu trong rẫy cà phê ở xã Chư H’drông, thành phố Pleiku. Đây là nơi gia đình anh Hà Tư Phước nuôi dưỡng và chăm sóc 140 người tâm thần. Trong nhà chỉ có chị Hạt (vợ anh Phước) đang chuẩn bị bữa tối cho những người bệnh. Chị ân cần, chu đáo chia từng bát cơm đến từng người, có những người không chịu ăn chị phải nịnh và bón cho ăn như đứa trẻ. Còn anh Phước, ít khi ở nhà vào ban ngày vì anh phải tất bật chạy xe thuê, làm rẫy cà phê... ai thuê gì làm nấy, chỉ mong sao có tiền để lo cho những người “anh em” ở nhà.

Ngồi trong căn nhà nhỏ xập xệ, chị Hạt kể cho chúng tôi nghe về cơ duyên vợ chồng anh chị nhận nuôi người tâm thần. Theo đó, năm 2003, trong một lần chạy xe, anh Phước gặp một người đàn ông bị trói chân, ngồi bên đường, ngờ nghệch không biết gì. Bằng sự thương cảm, anh đưa người đàn ông này về nhà chăm sóc.

“Thấy chồng chở người lạ về nhà, ăn mặc rách rưới, miệng nói lảm nhảm, vừa nói vừa ngửa mặt lên trời cười, rồi bảo anh sẽ nuôi người đàn ông này, tôi phản đối luôn vì gia đình làm gì có điều kiện để nuôi. Nhưng khi chồng nói: “Gia đình, xã hội quay lưng với họ, nếu mình không nuôi thì ai nuôi? Sau này chẳng may tôi như thế, bà cũng bỏ tôi à?”. Lúc đó tôi sững người. Biết không ngăn cản được chồng, tôi đành đồng ý”, chị Hạt tâm sự.

Từ đó, những lần đi chở hàng thuê, thấy người tâm thần lang thang trên đường anh lại đưa họ về chăm sóc. Những người bệnh ở các tỉnh khác như Bình Định, Đắk Lắk, Quảng Ngãi… cũng tự tìm đến hoặc gia đình gửi đến nhờ anh chị chăm sóc. Từ 1, 2 người, đến nay ở nhà anh Phước đã lên tới 140 người. Hễ có gia đình nào muốn gửi người thân bị tâm thần, gia đình anh chị Phước - Hạt đều tiếp nhận.

leftcenterrightdel
 Dù cuộc sống còn nhiều vất vả, nhưng anh Hà Tư Phước luôn lạc quan, yêu đời.

Mỗi người vào đây đều có hoàn cảnh khác nhau, khi lên cơn không kiểm soát được hành vi của mình, có người từng giết bố mẹ, có người muốn tự tử, còn có người thích ăn động vật sống. Nhưng bằng tình yêu và sự nhân hậu, hai vợ chồng anh Phước đã giúp họ phần nào thuyên giảm cơn bệnh. Người bệnh dần ổn định tinh thần, ít đi lang thang và không còn gây gổ đánh nhau nữa.

Thời gian đầu, vợ chồng anh Phước phải trực tiếp giặt giũ, tắm rửa cho các thành viên trong “gia đình”. Sau này, anh chị phần nào đỡ vất vả hơn vì đã có kinh nghiệm chăm sóc. Anh chị hướng dẫn họ tự chăm sóc bản thân, chăm sóc người khác và tự biết dọn dẹp nơi ở của mình. Những bệnh nhân tinh thần hoảng loạn, không ổn định sẽ được cách ly tại khu riêng, còn những người không bị lên cơn thì được đi lại tự do và sinh hoạt tập thể. Khổ nhất là những ngày mưa gió rét mướt, có những lúc nửa đêm, vợ chồng anh phải đi tìm người bệnh đi lạc, đưa họ về tắm rửa, ăn, ngủ.

Sợ làm ảnh hưởng tới bà con làng xóm, năm 2005, vợ chồng anh chị chuyển vào sâu trong rẫy cà phê dựng tạm căn nhà gỗ 100m2 để ở. Nhưng sau này, “gia đình” đông thành viên hơn anh Phước lại phải chạy vạy khắp nơi, bán vườn cà phê và mua chịu vật liệu để mở rộng ngôi nhà, làm thêm nhà vệ sinh, nhà ăn, lát lại nền nhà.

Chị Hạt chia sẻ, người bệnh ngày càng đông nên kinh phí hoạt động gặp nhiều khó khăn. Để chăm sóc được 140 người, ngoài số tiền lương của anh Phước, gia đình nhận được sự hỗ trợ từ thân nhân người bệnh và một số bệnh nhân được hưởng trợ cấp xã hội 540.000 đồng/tháng. Mỗi ngày anh chị chi hơn 2 triệu đồng để mua thực phẩm; xin địa phương và các nhà hảo tâm  hỗ trợ quần áo, thuốc thang...

Chị Hạt tâm sự, trong “gia đình” mình có rất nhiều người giỏi như bác sĩ, kỹ sư và đặc biệt có người hát hay như ca sĩ. Vừa nói chị vừa dẫn tôi đi gặp anh Đoan, người có giọng hát trời phú, dễ làm lay động lòng người nhưng tinh thần nửa tỉnh nửa mê. Với giọng ngây ngô như đưa trẻ, anh Đoan nói: “Khi đi học cấp 3, mình thi giọng hát hay được giải nhất, có mấy bạn ghen tị, lấy cây đàn đập vào đầu. Thế rồi mình vào đây. Anh Phước, chị Hạt thương mình lắm, nên mình sẽ sống mãi với anh chị”.

“Nhiều người nói vợ chồng tôi bị điên nên rước người tâm thần về nuôi. Nhưng 21 năm gắn bó với hơn trăm mảnh đời không may mắn, vợ chồng tôi xem họ như người thân. Còn sống ngày nào, tôi sẽ cố gắng chăm sóc họ”, chị Hạt chia sẻ.

Trao đổi với bà Nguyễn Lê Phương Minh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai để tìm hiểu kỹ hơn về những việc mà vợ chồng anh Phước đang làm, chúng tôi được biết, mặc dù việc làm gia đình anh Phước là tự phát nhưng đã báo cáo với chính quyền và không làm ảnh hưởng gì tới an ninh, trật tự của địa phương. Trong khi chờ đợi hoàn thiện các thủ tục cần thiết theo quy định, địa phương cùng các ban, ngành của thành phố thường xuyên thăm hỏi, động viên gia đình và người bệnh, đặc biệt vào các dịp lễ, tết.

Bài, ảnh: PHƯƠNG NINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.