QĐND - “Cái chết đến nhanh và bất ngờ vô cùng, không làm sao mà có thể biết nó sẽ đến lúc nào cả. Ở đó, những ngày căng thẳng nhất, con đã viết nhật ký vào một tập pơ-luya gấp nhỏ. Con muốn kể lại những gì con đã thấy, những cảm nghĩ và lòng quyết tâm chiến đấu của con đến hơi thở cuối cùng. Cũng là bản “di chúc” dặn dò nếu nhỡ con có hy sinh, người ta sẽ gửi ra cho ba mẹ...”.
Hoàng Thượng Lân (tức Lâm) sinh năm 1946, trong một gia đình trí thức tại Hà Nội. Là một người tài hoa, anh sử dụng thành thạo rất nhiều loại nhạc cụ: Ghi-ta, sáo, kèn ác-mô-ni-ca… Ngay từ nhỏ, cậu bé Lân đã nhiều lần đoạt giải cuộc thi vẽ tranh quốc tế tại Ấn Độ và Ba Lan. Anh là sinh viên Trường Mỹ thuật Hà Nội (bạn cùng trang lứa với các họa sĩ Thành Chương, Lê Trí Dũng…). Lân xung phong vào bộ đội tháng 7-1967, khi vừa tròn 21 tuổi. Sau 3 tháng huấn luyện tại Hòa Bình, anh được biên chế vào Tiểu đoàn 395, thuộc Sư đoàn 320B và hành quân vào chiến trường miền Nam.
Đầu năm 1970, Hoàng Thượng Lân được ra Bắc an dưỡng. Nhưng tháng 4-1971, anh quyết tâm trở lại chiến trường. Tháng 10 năm đó, trong một lần vượt sông Xê Băng Hiêng đi làm nhiệm vụ, Hoàng Thượng Lân và đồng đội đã bị một loạt bom B-52 của kẻ thù trút xuống… Anh hy sinh ngày 24-10-1971.
Cuốn nhật ký “Tài hoa ra trận” được nhà thơ Đặng Vương Hưng, Nhà xuất bản Công an nhân dân đặt tên, sưu tầm và giới thiệu. Với hơn 300 trang viết, cuốn nhật ký đã tái hiện những giây phút chiến đấu huy hoàng của anh và đồng đội. Chúng tôi trích đăng một số đoạn trong cuốn nhật ký của người lính tài hoa đất Hà thành…
Mặt trận đang chờ ta
16-12-67:
Tổ quốc lúc này đang cần những con người như mình: một lớp thanh niên trẻ tuổi, hăng hái, mang trong người dòng máu của một dân tộc anh hùng, nay lại kế thừa sự nghiệp anh hùng đó… Ta hiểu ta ra đi lúc này là lúc mà Tổ quốc đang cần đến: một bàn tay, một chút sức nhỏ mọn cùng đóng góp. Do vậy, lòng quyết tâm của bản thân ta đã được xác định dứt khoát. Giờ đây, trước giờ phút nóng hổi, xúc động nhất này, ta chỉ nghĩ một điều ngắn ngủi nhất và có ý nghĩa nhất đó là: “Chưa hết giặc, chưa về!”.
17-12-67:
Có mất mạng cũng phải đổi rẻ lấy vài ba thằng Mỹ chơi! Mình tin ở mình, mình sẵn có bản lĩnh, những phản ứng linh hoạt, nhạy bén với những khó khăn nguy hiểm nếu xảy đến.
12-1-68:
Ba lô đeo đã nặng lại còn nặng thêm. Phải bấm chân dò từng bước một. Ngã xoành xoạch, khổ sở vô cùng. Mỗi lần ngã là một lần Giôn-xơn bị chửi, trăm sự đều vì nó cả! Không có cái gậy mà chống thì còn chết nữa. Hai tay phải cầm nó lên đã mỏi nhừ, giờ hễ đụng đến cái gì cũng ngọng ngoẹo, lóng cóng…
Những đêm ăn, ngủ trong rừng Trường Sơn, anh và đồng đội phải nếm bao vất vả gian truân. Nhưng niềm tự hào dân tộc đã giúp anh và đồng đội có thêm niềm tin tất thắng.
25-1-68:
Sáng ra, cậu P. kể: Tao với thằng K. ăn chung, nó thò đũa xuống gắp, toàn gắp phải đất với lá. Tao thì khôn hơn, gõ đũa vào cái hộp đựng thức ăn trước, hễ nghe thấy “cọc” là y như gắp trúng!...
Đêm ngủ không ngon lành gì. Tàu biển của địch chạy đều đều, giã vào đất liền cũng đều đều, hai giây một phát, cứ “uỳnh uỳnh” suốt. Mình có cảm giác tưởng như nó nổ gần chỗ mình rồi. Máy bay bay suốt đêm, cao cũng có mà thấp cũng có. Sự đánh tỉa của ta ở đây cũng quyết liệt. Rừng che mất, không nhìn thấy vệt đạn nhưng nghe rõ tiếng “lụp bụp” của pháo phòng không bắn lên.
Chợp mắt được một tý, máy bay lại kéo đến, xé gió ào ào, nó rờn rợn làm sao ấy, nớp lắm!
 |
Hoàng Thượng Lân vừa chiến đấu, vừa chụp ảnh tại chiến trường. |
Vùng đất Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã phải chịu rất nhiều bom đạn của kẻ thù. Nhưng dưới làn bom, bão đạn đó luôn có những con người gan góc đang từng giây, từng phút chiến đấu vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Họ xả thân vì nghĩa lớn, vẫn vô tư, hồn nhiên có trong mình một bản lĩnh thép. Hoàng Thượng Lân cũng vậy. Anh tranh thủ viết nhật ký trong chiến hào, chờ địch đến.
5-2-68:
Ngày bao nhiêu rồi cũng chẳng nhớ rõ nữa, áng chừng vậy. Viết bên chiến hào, một buổi sáng căng thẳng chờ địch đến.
Bom đạn làm rung chuyển mặt đất, cát bụi mù mịt phủ lên người, mắt không mở ra được. Tưởng chết rồi nhưng một lúc, qua cơn choáng váng rung động lại thấy là mình chưa chết. Mình không có chủ ý phóng đại tô màu nhưng sự thật là như thế. Sự thật ở đây, mình vẫn còn chưa đủ lời để diễn tả cho người ta hiểu được cái khốc liệt, cái dũng cảm quyết tử của mỗi con người sống bám lấy mảnh đất chiến đấu này! Mình tôn trọng sự thật. Giả dụ một nhà văn có nhiều khả năng hư cấu thì đến đây, anh ta cũng khó lòng mà hư cấu hơn được nữa. Bởi vì thực tế đã thần kỳ, đã vĩ đại quá rồi!
8-2-68:
Mình là Hoàng Thượng Lân đây, Hoàng Thượng Lân ở số nhà H4, phòng 47-48, khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Hà Nội đây vẫn chưa chết. Trong khi chờ nổ súng, rút bút ghi thêm vài dòng nữa.
Viết, vẽ, chụp ảnh…dưới làn đạn, pháo địch
Cựu chiến binh Trần Dũng Hùng, bạn chiến đấu cùng tiểu đội với Hoàng Thượng Lân, hiện đang sống ở 456 - Trần Khát Chân, Hà Nội, nói: “Dừng chân nghỉ là Lân lại viết. Lân viết trong chiến hào, viết khi cách địch chừng 50m, viết bên chiếc đèn đom đóm. Mặc dù Lân cụt mất ngón cái bàn tay phải, nhưng cậu ấy vẽ tranh rất đẹp”.
13-8-68:
Viết trong khi đang còn trong xúc động mạnh. Một quả pháo vừa nổ rất gần, trúng ngay nhà bác Sừng. Có tiếng la to, mình đang viết, chạy lên. Đồng chí Trưng ở A8 bị thương. Mọi người gọi y tá, bật đèn lên… cả cánh tay trái anh ấy bị giập nát, máu chảy loang lổ…
25-5-69:
Pháo bắn dữ dội quá. Nổ quanh đây nhiều vô kể. Khói sặc sụa. Tâm trí mình bị chi phối, không thể viết được nữa. Súng bộ binh nổ mạnh. Địch đang lên. Có lệnh gọi mình ra bố trí trận địa đánh. Cái gì sẽ xảy ra đằng sau này, nếu còn sống, mình sẽ viết tiếp.
Xen lẫn tiếng bom đạn gieo rắc của kẻ thù, nỗi nhớ về gia đình luôn khắc khoải, khôn nguôi trong con người Hoàng Thượng Lân.
8-2-68:
Ba mẹ và các em Ly, Quy, Phượng, Bảo, Diệu, Nguyên yêu quý, thương mến ơi- lúc này đây, đang làm gì? Trong giấc ngủ chập chờn, mệt mỏi ngoài chiến trường, con vẫn mơ thấy gia đình ta, khuôn mặt của những người thân hiện lên rõ rệt. Hãy tự hào, kiêu hãnh về con ba mẹ nhé…
…Tình yêu Tổ quốc lúc này đối với con vô cùng rộng lớn, vô cùng tha thiết. Tất cả những gì đã phải mất máu xương mới giành giật được, sau này, ba mẹ nhớ nói với các em phải biết quý trọng, nâng niu bởi một phần máu xương trong đó là của con nữa…
23- 1- 69:
…Thực lòng con thương ba mẹ lắm nhưng ba mẹ nhớ cho, không phải vì thế mà con sợ chết, sợ phải khổ và thoái chí chiến đấu. Kẻ nào không có những suy nghĩ trên thì kẻ đó là một người máy. Đứng ra một bên mà xem, con yêu cuộc sống, yêu ba mẹ và các em, yêu tất cả mọi người thân thuộc…
…Con vừa xem bài thơ em Nguyên làm “gửi anh”, con thấy rất cảm động và phấn chấn khi thấy tình cảm của các em đối với con. Ba nhớ bảo mẹ chép cho con mấy bài hát do em sáng tác. Ba đã được nghe em chơi dương cầm chưa?
Ra trận lần thứ hai và những trang viết cuối cùng
 |
Các tập nhật ký của liệt sĩ Hoàng Thượng Lân. |
Miền Nam đang phải gồng mình chống chọi với quân xâm lược. Từng giây, từng phút, biết bao đồng đội của anh đang chiến đấu giành lại từng tấc đất. Nhiều người trong số họ đã ngã xuống… Điều đó, đã thôi thúc anh quyết tâm trở lại chiến trường Quảng Trị, sát cánh cùng đồng đội đánh đuổi quân cướp nước.
1-4-71:
Xác định kỹ rồi. Đi thôi! Mỗi lần đi là thêm một lần hiểu biết. Tầm mắt được trải rộng dần theo những con đường đưa ta ra mặt trận. “Ta chuẩn bị đi vào một vùng của sự suy nghĩ. Suy nghĩ để ý thức và hành động một cách đúng đắn…”.
5-5-71:
Tự nhiên chúng tôi thấy lòng mình lâng lâng một tình cảm thiết tha thương mến, cảm phục những cô gái thanh niên xung phong, họ sống lạc quan bên những mái lán Trường Sơn, thường xuyên chịu đựng bom đạn, gian khổ để góp phần của mình vào chiến thắng chung trên những tuyến đường ngày đêm cả đất nước đang hành quân ra trận…
Sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc, nhưng Hoàng Thượng Lân vẫn đều đặn ghi nhật ký vào cuốn sổ tay nhỏ luôn mang theo bên mình. Cứ ghi chép hết mỗi cuốn sổ, anh lại tìm cách gửi về cho gia đình ở Hà Nội. Đề phòng thất lạc những tài liệu quý giá phải đánh đổi bằng xương, máu của bản thân mình, ở trang đầu mỗi cuốn sổ tay của anh đều có dòng chữ: “Nếu tôi có hy sinh (hoặc “nhỡ xảy ra điều gì…”) xin hãy chuyển cuốn sổ này về cho cha tôi là ông Hoàng Nguyên Kỳ, địa chỉ: nhà H4, phòng 47, Khu tập thể Nguyễn Công Trứ, Hà Nội.
Tám tập nhật ký của anh đã khép lại. Người thanh niên tài hoa của Hà Nội đã ngã xuống trong một trận bom đạn dữ dội của kẻ thù. Theo lời đồng đội kể lại, lần đó, trong ba lô của Hoàng Thượng Lân còn một tập bản thảo được ghi chép rất công phu và dày dặn. Có thể là một cuốn nhật ký, nhưng cũng có người bảo đó là bản thảo của một tiểu thuyết và những truyện ngắn. Nhưng rất tiếc là tập bản thảo cuối cùng này của anh đã bị cuốn trôi theo dòng nước sông Xê Băng Hiêng, sau loạt bom tọa độ của máy bay Mỹ.
(Nhật ký của liệt sĩ Hà Nội Hoàng Thượng Lân)
Hà Thiện Hùng (biên soạn)