1. Ngày “Khói Cam Tuyền” còn “mờ mịt thức mây” biên giới Bắc, nhà thơ Vương Trọng có gửi sang và trang văn hóa Báo Quân đội nhân dân đã đăng, một bài thơ “đánh giặc” của anh. Bài thơ viết về một “Điểm tựa”, “Điểm cao” nào đó ở trên ấy. Lâu ngày, tôi không nhớ hết bài thơ. Tên bài thơ, tôi cũng quên rồi! Nhưng chuyện sau bài thơ thì tôi nhớ mãi!
Cơ quan Tuyên huấn Tổng cục Chính trị “chất vấn” Báo Quân đội nhân dân, đại ý là: Tại sao lại “để lọt” mấy câu thơ sau đây: Tựa vào gió, gió thường bay đi mất - Tựa vào mây, mây mềm và ẩm ướt - Tựa vào đá, đá thường lăn xuống vực - Điểm cao này, các anh tựa vào đâu? Và, như thế là “mất lập trường”, là “sai”!
Người “đầu têu” ra việc này là một người từng tập làm thơ mà không thành, lúc đó đang công tác ở Cục Tuyên huấn!
Vì là người trực tiếp biên tập bài thơ trên, tôi được triệu vào thành để “giải trình”.
 |
Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp (ngoài cùng, bên phải) và Đại tướng Đoàn Khuê đến thăm Tòa soạn Báo Quân đội nhân dân. Ảnh tư liệu. |
Gặp tướng Đặng Vũ Hiệp, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, tôi đưa cho ông xem bài viết của đồng chí Lê Đức Thọ đăng trên Báo Văn Nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, nói về việc phê bình thơ. Đại ý, đồng chí Lê Đức Thọ viết, khi phê bình một bài thơ, không được tách ra một vài khổ thơ để phê bình riêng mà phải đọc kỹ cả bài thơ. Mỗi câu thơ, khổ thơ, phải được xem xét trong mối tương quan giữa chúng với các khổ thơ, câu thơ khác trong cả bài, tức là phải xem xét “mối tương quan tổng thể” của chúng. Đồng chí Lê Đức Thọ cũng là người có bài thơ “Điểm tựa”, đăng trên Báo Quân đội nhân dân thời ấy và rất nhiều viện nghiên cứu, trường đại học… đã tổ chức hội thảo bài thơ này của đồng chí. Tôi đã dự cuộc hội thảo bài thơ “Điểm tựa” tại Trường Đại học Tổng hợp và được nghe Giáo sư Hà Minh Đức cùng với nhà thơ Đỗ Minh Tuấn đọc tham luận rất là “hoành tráng”!
Sau đó, tôi mời tướng Đặng Vũ Hiệp đọc lại cả bài thơ của anh Vương Trọng. Ở cuối bài, anh Trọng viết: Thấy hậu phương sát lại với lưng mình. Tôi nói, thế là rõ, anh Vương Trọng “đặt vấn đề” rằng, ở điểm cao, không tựa vào gió, vào mây, vào đá được, nhưng bộ đội ta trên ấy không cần tựa vào mấy thứ cụ thể, tầm thường đó, mà tựa lưng vào hậu phương, trong đó có Đảng, có dân, có quân ta, để vững vàng chiến đấu. Tạm giấu cái ý tứ bài thơ đi, để cuối bài mới nói ra, thế mới là biết làm thơ, thế mới là nhà thơ. Các cụ ta dạy, khi làm thơ, “Ý kỵ thẳng, mạch kỵ lộ”, chính là như thế. Anh Trọng và Báo Quân đội nhân dân có “sai”, có “mất lập trường” ở chỗ nào đâu?...
Nghe xong, tướng Đặng Vũ Hiệp cười bảo: “Có thế mà thằng ấy nó cứ nói mãi. Vớ vẩn quá!”. Sau này, không khi nào, ông nhắc lại chuyện “vớ vẩn” ấy nữa.
2. Lại một lần, Phòng biên tập Văn hóa Báo Quân đội nhân dân tổ chức một cuộc hội thảo về văn học chiến tranh và sau đó trích đăng một số tham luận. Là người biên tập văn học, tôi trực tiếp đặt, đọc và chọn những đoạn trích đăng.
Mấy ngày sau, tôi lại được triệu vào thành! Lần này tướng Đặng Vũ Hiệp cùng với mấy cơ quan Tổng cục chọn họp ở Trạm 66. Cuộc họp yêu cầu tôi “giải trình”. Người nêu ra “chất vấn” lần này, lại là người đã “đầu têu” vụ anh Vương Trọng nói trên!
Chả là trong đoạn trích đăng tham luận của mình, nhà văn Khuất Quang Thụy có nhắc lại ý kiến của một nhà văn nổi tiếng nước ngoài: “Chiến tranh, dù chính nghĩa hay phi nghĩa, thì đều là bi kịch của nhân loại cả”. Người “chất vấn” bảo, đăng thế là “mất lập trường”, là Báo Quân đội nhân dân đã “sai”!
Tôi nói, tôi đố anh ta chứng minh được rằng, “Chiến tranh chính nghĩa là hạnh phúc của nhân loại”. Nếu anh ta chứng minh được, tôi xin chịu kỷ luật. Nhưng tôi cũng báo trước, khi anh ta chứng minh được thì chính anh ta lại là người “mất lập trường”, là “sai”. Vì, chính Bác Hồ viết trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” rằng: Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới… Thế là, chúng ta buộc phải làm chiến tranh chứ chúng ta có “hạnh phúc” gì đâu. Và, Bác Hồ đâu có muốn chiến tranh, dù cuộc chiến tranh của chúng ta là chính nghĩa. Đó là bi kịch của chúng ta, cũng là của nhân loại. Lại nữa, khi anh ta hát: Dù rằng đời ta thích hoa hồng – Kẻ thù buộc ta ôm cây súng… (“Hát mãi khúc quân hành” – Diệp Minh Tuyền) là chính anh ta đang hát cái bi kịch ấy đấy! Nếu thế là “sai”, thì chính anh ta cũng “sai” v.v..
Một hồi, tướng Đặng Vũ Hiệp đập bàn: “Thôi! Vớ vẩn quá! Có “sai” gì đâu!”. Thế là hết chuyện.
Sau này, tướng Đặng Vũ Hiệp hay hỏi thăm tôi. Tôi cũng coi ông là một người đàn ông đích thực: Nóng, thẳng, dứt khoát, có thể làm ai đó không hài lòng, nhưng không bao giờ “vớ vẩn”.
Đỗ Trung Lai