QĐND - Từ bỏ nơi làm việc lý tưởng ở Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) để đến Việt Nam theo “tiếng gọi con tim”, quả thực hiếm có mối tình nào như mối tình của Giáo sư Pi-e Đa-riu-la (Pierre Darriulat), người được mệnh danh là một trong “13 siêu sao khoa học dám thách thức vũ trụ”. Hơn 10 năm gắn bó với mảnh đất hình chữ S, Giáo sư Pi-e đã “truyền lửa” tới các bạn trẻ Việt Nam đam mê nghiên cứu ở một lĩnh vực khoa học còn ít người quan tâm đến Ngành Vật lý thiên văn.
Từ một siêu sao khoa học...
Nếu có dịp lên mạng Google, vào mục tìm kiếm và gõ cái tên “Pierre Darriulat”, chắc chắn bạn sẽ bất ngờ khi thấy có tới khoảng 27.900 bài viết về nhà khoa học nổi tiếng này.
Pi-e Đa-riu-la trước đây là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Pháp, Giám đốc khoa học của CERN, giảng viên của nhiều trường đại học danh tiếng ở Pháp, Mỹ... Con đường nghiên cứu khoa học của Pi-e Đa-riu-la bắt đầu từ năm 1964 ở Trung tâm Hạt nhân Saclay tại Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Pháp, sau đó là Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkley tại Mỹ, rồi tới CERN tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ. Những thành tích trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của ông thật đáng nể. Ông là người phát ngôn của thí nghiệm UA2 nổi tiếng tại CERN nhằm tìm ra các hạt boson W± và Z0. Ngoài những giải thưởng trong nước, năm 2008, ông được trao giải thưởng An-đrê La-ga-ri-gơ (André Lagarrigue), giải thưởng mang tên nhà bác học Pháp đã lãnh đạo nhóm nghiên cứu tại CERN tìm ra hạt bozon trung hòa Z0 vào năm 1973. Ông được xếp vào danh sách “13 siêu sao khoa học dám thách thức vũ trụ”.
Thế nhưng, hiện ông đang đặt hết tâm huyết của mình cho nghiên cứu khoa học ở Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân trên đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội, nơi có Phòng thí nghiệm mang tên VATLY. VATLY nếu hiểu theo tiếng Việt có nghĩa là VẬT LÝ, còn trong tiếng Anh là viết tắt của cụm từ “Vietnam Auger Training LaboratorY”. Ngay cái tên cũng cho thấy, đây là “một phòng thí nghiệm” có chức năng nghiên cứu nhưng lấy “đào tạo” làm mục tiêu chính.
Con đường đưa ông đến với Việt Nam lại hoàn toàn tình cờ. Giáo sư Pi-e kể: “Trước khi đến Việt Nam, tôi có ý tưởng rõ ràng là đào tạo sinh viên Việt Nam trong lĩnh vực vật lý hạt và vật lý tia vũ trụ. Khi đó, một người bạn thân của tôi là Giáo sư Trần Thanh Vân đã giới thiệu tôi với Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu. Hiểu rõ ý định của tôi, Giáo sư Hiệu đã đề nghị tôi làm việc ở Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân và chính Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân Võ Văn Thuận đã chào đón tôi nhiệt tình. Điều đó làm cho tôi thực sự cảm động”.
“Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”. Duyên phận của Giáo sư Pi-e với đất nước cách Pa-ri hơn một phần tư trái đất đã được gắn kết khi Giáo sư Pi-e “bén duyên” với một cô gái Việt. Người phụ nữ ấy tên là Nguyễn Thị Nga, cựu nhà báo, biên tập viên tiếng Pháp, Ban Đối ngoại, Thông tấn xã Việt Nam.
Giáo sư cho biết, ngày đó, vợ chồng ông cũng có thể sang châu Âu sinh sống nhưng rồi hai người đã lựa chọn Việt Nam làm nơi “lập nghiệp” ở cái tuổi lục tuần. Ông đã làm thủ tục về hưu trước thời hạn, rời bỏ một trong những trung tâm khoa học nổi tiếng nhất thế giới, xa rời không khí học thuật sôi nổi tại các trung tâm nghiên cứu, đại học danh tiếng, để theo vợ “về quê ngoại”.
Sau này, giáo sư tiết lộ rằng, dường như ông có “duyên nợ” với Việt Nam từ lâu lắm rồi. Đó là vào những năm 1962-1964, khi đang làm nghiên cứu sinh tại Mỹ, ông đã tham gia vào phong trào biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. Đặc biệt, khi Hiệp định Pa-ri (1973) diễn ra, khắp đường phố Pháp rầm rộ với các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam, thì ông cũng là người thường xuyên có mặt trong các cuộc biểu tình đó.
... đến phòng thí nghiệm Tia vũ trụ VATLY
Trên tầng 3 của Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân có căn phòng nhỏ mang tên Phòng thí nghiệm Tia vũ trụ VATLY, do chính Giáo sư Pi-e sáng lập nên. Để Phòng thí nghiệm này có thể hoạt động được, bằng mối quan hệ của mình, Giáo sư Pi-e đã “xin” về những thiết bị cần thiết để xây dựng nên một phòng thí nghiệm hoạt động “bài bản” theo những nguyên tắc quốc tế. Ðây tuy là những thiết bị thí nghiệm cũ nhưng vẫn hoạt động tốt như các bản detector nhấp nháy, các khối điện tử tương tự số ADC, TDC...
 |
Giáo sư Pi-e Đa-riu-la cùng nhóm nhà khoa học trẻ Việt Nam làm việc tại Phòng thí nghiệm Tia vũ trụ VATLY.
|
Ngoài việc duy trì hoạt động của phòng thí nghiệm này, Giáo sư Pi-e còn huy động từ các mối quan hệ của mình, tìm nguồn hỗ trợ tài chính giúp các đồng nghiệp và các học trò Việt Nam của mình có điều kiện nghiên cứu về lĩnh vực Vật lý thiên văn.
Giải thích vì sao lựa chọn lĩnh vực này làm mục tiêu nghiên cứu, Giáo sư Pi-e cho biết: Trong lĩnh vực vật lý, hiện có hai ngành đi đầu là Vật lý thiên văn và Vật lý hạt. Lĩnh vực Vật lý hạt ra đời từ một thế kỷ nay và hiện vẫn là ngành khoa học cơ bản nhưng tốc độ phát triển đã chậm hơn nhiều so với trước đây do đòi hỏi phải xây dựng những máy gia tốc rất lớn. Ngược lại, Vật lý thiên văn trẻ hơn, được sinh ra ở khoảng giữa thế kỷ trước, nhưng lại phát triển rất nhanh. “Một ví dụ minh họa cho sự phát triển trong lĩnh vực Vật lý thiên văn là giải Nô-ben đầu tiên được trao cho một nhà vật lý trong lĩnh vực này là vào năm 1967. Kể từ đó đến nay, đã có 18 giải Nô-ben Vật lý được trao cho các nhà khoa học làm việc trong lĩnh vực Vật lý thiên văn”, Giáo sư Pi-e nói.
Đó là trên thế giới, còn tại Việt Nam thì sao? Theo Giáo sư Pi-e, Việt Nam đang hội tụ những điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nghiên cứu Vật lý thiên văn. “Việt Nam có hai nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực Vật lý thiên văn ở nước ngoài là Giáo sư Trịnh Xuân Thuận và Giáo sư Nguyễn Quang Riệu. Ngoài ra, còn có hai nhà khoa học trẻ làm việc ở nước ngoài từ lâu và mới trở về Việt Nam. Đó là Tiến sĩ Đinh Văn Trung ở Hà Nội và Tiến sĩ Phan Bảo Ngọc ở TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã quyết định đầu tư cho lĩnh vực này. Vậy thì tại sao chúng ta lại không chọn Vật lý thiên văn nhỉ?”, Giáo sư cười nói.
Hiện nay, Phòng thí nghiệm do ông phụ trách đang tham gia vào dự án quốc tế mang tên Pierre Auger nghiên cứu về tia vũ trụ có năng lượng siêu cao. Giáo sư Pi-e nói: “Nhóm chúng tôi đang hợp tác với Đài thiên văn lớn Pierre Auger đặt tại Ác-hen-ti-na, có diện tích bao phủ lên tới 3000km2. Sự hợp tác với Đài thiên văn rất hiệu quả, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người trong nước và ngoài nước”.
Tuy nhiên, những câu hỏi hóc búa trong lĩnh vực tia vũ trụ năng lượng siêu cao cần có một thời gian dài mới có thể có lời giải đáp. Vì lý do đó, phòng thí nghiệm VATLY đã quyết định mở rộng nghiên cứu sang lĩnh vực mới: Thiên văn vô tuyến. “Thiết bị nghiên cứu thiên văn có thể hoạt động trên mặt đất chỉ có hai loại: Kính thiên văn vô tuyến và kính thiên văn quang học. Do bầu trời ở Việt Nam thường có nhiều mây bao phủ nên khả năng hoạt động của kính thiên văn quang học bị hạn chế. Do đó, lựa chọn thiên văn vô tuyến là giải pháp duy nhất cho Việt Nam. Hơn nữa trong lĩnh vực này, Việt Nam hiện có các nhà khoa học nổi tiếng như Giáo sư Nguyễn Quang Riệu và hai nhà khoa học trẻ Đinh Văn Trung và Phan Bảo Ngọc. Rõ ràng, thiên văn vô tuyến là sự lựa chọn hợp lý nhất”, Giáo sư Pi-e giải thích.
“Chiến đấu” vì cuộc "cách mạng" đại học
Biết tôi là phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Giáo sư Pi-e chia sẻ, cách đây 5-6 năm, ông có vinh dự gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong cuộc gặp ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nắm tay ông một cách thân thiện và nói: “Đại học Việt Nam cần một cuộc cách mạng, anh cần phải tiếp tục chiến đấu vì điều đó”. Câu nói đó đã trở thành động lực để Giáo sư tiếp tục sự nghiệp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và “truyền lửa” đam mê nghiên cứu khoa học cho các bạn trẻ Việt Nam.
Để tránh tình trạng “chảy máu chất xám”, vị giáo sư này đã chọn hình thức đào tạo “hợp tác đồng hướng dẫn” (hình thức đào tạo kết hợp giữa đại học Việt Nam và đại học nước ngoài) bởi vì theo ông, “đào tạo hợp tác vừa để tiết kiệm tiền, vừa có kiến thức cập nhật quốc tế, lại tránh được tình trạng chảy máu chất xám”. Hằng năm, ông thường dành ra một khoản tiền đáng kể bù đắp cho học trò các kinh phí học tập và công tác. Dù không có máy tính riêng nhưng ông cũng sẵn sàng bỏ tiền túi mua tặng một học trò chiếc máy tính. Ông nhấn mạnh rằng, tình cảm đó xuất phát từ trái tim, vì ông quan tâm tới giới trẻ, vì ông mong muốn đất nước sẽ đem lại cho họ tương lai mà họ xứng đáng có được.
Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, Giáo sư Pi-e cho rằng, thế hệ trẻ Việt Nam đang gặp phải nhiều khó khăn. Do đó, họ cần phải năng động hơn, phải nghĩ đến toàn cục để đưa đất nước tiến lên. “Đối với tôi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đại diện cho một thế hệ biết hy sinh cả cuộc đời cho đất nước, có trí tuệ và đạo đức vô cùng đáng kính trọng. Trong thời bình, đất nước cũng cần phải có thế hệ người như thế, hội tụ đủ các phẩm chất như thế. Điều đó dường như đang thiếu ở Việt Nam hiện nay. Ngày nay, nhiều người sống ích kỷ hơn, họ chỉ nghĩ đến việc làm sao có nhiều tiền để cuộc sống thoải mái hơn chứ không nghĩ tới việc làm cho đất nước Việt Nam trở nên giàu mạnh hơn”, Giáo sư bày tỏ với một chút buồn. “Tuy nhiên, ngoài một số điều mà tôi không thích nêu trên, tất cả những thứ còn lại ở Việt Nam tôi đều yêu mến cả. Tôi đã có người bạn đời, có các sinh viên, đồng nghiệp ở Việt Nam, vì thế tôi chẳng có lý do nào để rời khỏi đây cả. Tôi yêu Việt Nam rất nhiều!”.
Nói về người thầy của mình, các học trò của ông luôn tự hào và tỏ ra trìu mến mỗi lần nhắc tới “Bác Pi-e”. Phạm Ngọc Điệp, người có thâm niên gần 10 năm công tác tại Phòng thí nghiệm chia sẻ: “Bác Pi-e là một nhà khoa học nghiêm túc, một người thầy mẫu mực luôn tận tình chỉ bảo sinh viên bất cứ lúc nào. Bác là tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo không những về phong cách làm việc mà còn cả về đạo đức. Mình cảm thấy rất vinh dự và may mắn khi là học trò của Bác”. Giáo sư Cao Chi, một nhà vật lý hạt nhân nổi tiếng của nước ta, từng nói rằng: "Chắc có ngày bạn sẽ gặp ông Pi-e Đa-riu-la nếu bạn muốn. Bạn sẽ cảm nhận được một nhân cách lớn, một tài năng lớn song hành với một cuộc đời giản dị. Nhưng chính cuộc đời giản dị đó đã đem lại nhiều lợi ích thực tế cho những cuộc đời khác và cho cả nền vật lý Việt Nam”. Còn Tiến sĩ Nguyễn Đình Đăng nhận xét: “Có được một nhà vật lý tầm cỡ giải Nô-ben như Giáo sư Pi-e là vô cùng quý giá cho một quốc gia”.
Bài và ảnh: Kim Oanh