QĐND - Bưởi Diễn, bưởi Năm Roi, bưởi Phúc Trạch, bưởi Chùm, bưởi Đường, bưởi Da Xanh, bưởi Quế Dương, bưởi Biên Hòa…, toàn những giống bưởi nức tiếng gần xa với tên gọi thật dân dã. Ở đất Chí Đám (Đoan Hùng, Phú Thọ) cũng được trời ban cho giống bưởi quý nổi danh chẳng kém, đó là bưởi Lã Thiên Hương, tên nghe như nghệ danh của ca nương tài sắc nào vậy?

Xã Chí Đám có khá nhiều giống bưởi như bưởi Cơm, bưởi Đường Đào, bưởi Lã Thiên Hương, bưởi Kinh, bưởi Sửu, bưởi Sen. Trong đó, giống bưởi cổ Lã Thiên Hương có số phận ly kỳ hơn cả.

Chuyện kể rằng, khoảng những năm 40 thế kỷ trước, cụ Lý Cựu ở Chí Đám có chơi thân với quan huyện Đoan Hùng là Vi Văn Dư. Đến mùa bưởi, cụ Lý Cựu trẩy trong vườn nhà mấy quả bưởi ngon, đem mời quan huyện thưởng thức. Quả bưởi bóc ra róc cùi, múi bưởi sạch, nhẵn, sóng tôm, róc vỏ, vị ngọt thơm mát lạ. Lúc bấy giờ cụ Lý Cựu, quan huyện Vi Văn Dư và ông bác sĩ tên là Ký Thế vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon, rồi đặt tên cho mấy quả bưởi cụ Lý mang đến biếu là Lã Thiên Hương với ngụ ý: "Lã" là Lã Hoàng (theo tên địa danh của thôn Lã Hoàng, xã Chí Đám), "Thiên Hương" là hương thơm của trời. Cây bưởi quý sống được rất lâu. Thế nhưng vào một năm trời đổ mưa bão, cây bưởi đổ bật rễ. Tiếc quả, thương cây, cụ Lý Cựu gọi trai tráng khỏe mạnh, khoảng ba chục người kéo cho cây bưởi đứng thẳng lên. Tiếc là về sau cây bưởi già, chết, rồi mất giống.

 “Trước đó, cụ Bách trong làng là bạn thân của ông Lý Cựu, biết vườn nhà bạn có cây bưởi quý, muốn xin một cành về trồng. Biết cụ Lý Cựu thích đồ cổ, cụ Bách mang chiếc đĩa cổ có hình long phượng, sang nhà bạn đổi lấy cành bưởi về trồng. Được vài năm sau thì cây chết”, cụ Hoàng Văn Chúc (con cụ Bách) năm nay ngoài 80 tuổi, cho chúng tôi hay.

Các cụ trong làng giờ cũng không nhớ chính xác cây bưởi tổ nhà cụ Lý Cựu chết năm nào. Đa số các bậc trưởng lão đều cho rằng cây bưởi cổ Lã Thiên Hương ấy chết trước năm 1960. Kể từ đó, giống bưởi Lã Thiên Hương không còn ở Chí Đám nữa.

Những năm 60, 70 thế kỷ trước, xã Chí Đám gần như nhà nào cũng trồng bưởi. Nhà nào bán được 1000 quả cho cửa hàng mua bán tạp hóa xã thì sẽ được nhận một phiếu mua 3 lạng len. Thế rồi, kể từ khi ông Ưu, cửa hàng trưởng nghỉ hưu vào năm 1974, thì bưởi ế, bến nước cạnh gốc đa không còn thuyền dưới xuôi lên lấy bưởi nữa.

Chẳng gì ông Ưu cũng là người quê gốc Hà Tây, có mối quan hệ làm ăn tốt với bạn hàng dưới xuôi. Ông Ưu nghỉ hưu, không còn ai đứng lên tìm “đầu ra” cho bưởi Chí Đám. Cuối những năm 70, bưởi mọc nhiều, rụng vàng cả gốc ở Gò Chùa, ở vườn bưởi làng Chí trong xã. Trẻ con thả bò, chăn trâu rảnh là lấy bưởi đá bóng. Chúng ăn một quả thì phải trẩy tới 10 quả như Tôn Ngộ Không hái trộm đào tiên. Với lão nông Phạm Minh Tuấn, thời tấm bé, ông cùng đám bạn chăn trâu ăn bưởi hoài, đến độ nhìn bên ngoài là nhận biết được giống bưởi. Ăn chán, có khi đám trẻ tinh nghịch còn đem bưởi thả trôi sông Chảy, sông Lô.

Giờ ở xã Chí Đám, người dân quý gia đình ông Phạm Minh Tuấn bởi nhiều lẽ, đặc biệt ông Tuấn có công tìm thấy giống bưởi quý Lã Thiên Hương bị thất lạc sau nhiều thế hệ.

Mời chúng tôi ăn bưởi Lã Thiên Hương, ông Phạm Minh Tuấn bảo: “Đấy, các chú thấy chưa, bóc múi nào múi nấy đều bóng lưng. Quả này 12 múi nhé, đây cũng 12 múi, “em” này cũng 12 múi nốt. Thế nào, có ngon không?”.

Lão nông Phạm Minh Tuấn bên giống bưởi quý Lã Thiên Hương.

 

Ông Tuấn nhớ lại, một ngày hè năm 1990, ông đạp xe lên xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang), mua chuối xanh, cau, phật thủ về bỏ mối quen. Khát nước quá, ông Tuấn dừng chân ven đồi, vào một nhà dân xin nước uống. Gặp bà chủ nhà tốt tính, vừa mời nước vừa bóc bưởi ra mời khách qua đường ăn cho mát ruột. Thấy múi bưởi bóc ra trắng lưng, không có gân bám, ông Tuấn sinh nghi, bụng bảo dạ, không lẽ đây là giống bưởi Lã Thiên Hương đã tuyệt tích ở quê nhà mấy chục năm qua? Ăn thử vài múi cũng thơm mát lạ thường. Sau khi bà chủ cho biết nhà có trồng 3 cây bưởi loại này, ông Tuấn hối hả đạp xe ra về. Ngay tối hôm đó, ông Tuấn vay mượn thêm tiền, ngày hôm sau từ tờ mờ sáng đã đạp xe quay trở lại Tứ Quận. Gặp bà chủ nhà, ông Tuấn vào thẳng vấn đề: “Trên cây có bao nhiêu quả tôi mua hết”. “Bác đùa em đấy à? Bưởi này có ai mua đâu. Bác thích thì em biếu bác vài quả ăn cho vui. Trước cũng có người vào hỏi mua một vài trái, hẹn bữa sau quay lại trả tiền nhưng rồi một đi không trở lại”. “Tôi mua thật, tiền đây”. Nói rồi, ông Tuấn rút ra 100.000 đồng đặt xuống bàn. “Mình ơi, ra bán bưởi này, có người hỏi mua”. Từ trong nhà, ông Hoàng Văn Lân bước ra, ngáp ngắn ngáp dài bĩu môi: “Sao, có thằng mua bưởi cơ à?”. “Vâng, bác bán cho tôi, được giá thì tôi lấy hết bưởi trên cây”. “Chẳng biết bán cả cây có đủ tiền mua gói mì chính không hay lại như mấy thằng khách đểu ngày trước, mua có mấy trái cũng không trả tiền. Ông anh có mua thật không? Định trả giá thế nào?”. Ông Tuấn để tờ 2000 đồng xuống bàn, rồi đặt quả bưởi lên. Thế là đôi bên hiểu ý nhau. Vợ chồng ông Lân cười tươi hớn hở vì gặp được "khách sộp" hoặc cũng có thể họ nghĩ ông khách đến mua bưởi đầu óc “có vấn đề”.

Chuyến đó, ông Tuấn mang về nhà 50 quả bưởi nhưng không bán, vợ chồng ông Tuấn mời bà con hàng xóm, các bậc trưởng lão trong làng xã đến ăn. Ai nấy đều khẳng định chắc nịch, đúng bưởi Lã Thiên Hương trời ban cho địa phương ngày xưa rồi.

Sau, ông Tuấn bàn với vợ đi vay tiền mua quả, cành về nhân giống. Lần thứ hai quay trở lại nhà ông Hoàng Văn Lân, hỏi chuyện ra mới biết nhà ông Lân trồng hai cây bưởi Lã Thiên Hương còn lại ở trên đồi, bưởi đơm hoa kết trái bình thường nhưng ông Lân đang chất lá mía lên cây bưởi để…đốt. Ông Lân bảo: “Năm nay làm mật mía rác nhiều quá, thôi thì cứ chất lên cây đốt cho thoáng, dễ cháy”. Nhanh chân rảo lên đồi sau nhà, ông Tuấn phát hoảng khi thấy lửa đang cháy đùng đùng trên hai cây bưởi. Dập lửa xong, ông Tuấn cho ông Lân hay: “Đây là bưởi quý Lã Thiên Hương. Bác nghe tôi, giờ hai cây đã cháy hết phần ngọn rồi, thôi thì chặt bỏ ngọn đi, gốc vẫn còn sống, kiểu gì thời gian tới cũng nảy lộc, bật cành lá. Về lâu về dài, giống bưởi này sẽ giúp nhà bác kiếm được nhiều tiền, còn hơn cả nghề làm mật mía”. “Ôi giời, tôi bán cả cây bưởi cũng không bằng làm mấy khoanh mật mía”. Phải đến năm 1995, sau nhiều lần ông Tuấn khuyên bảo, ông Lân mới nghe theo, chống cây bưởi tổ không đổ và chăm chút cho hai cây bưởi trên đồi. Năm 1996, vẫn chỉ ông Tuấn đạp xe cặm cụi đến lấy bưởi nhà ông Lân. Năm sau nữa cũng vậy. Nhưng đến năm 1998, nhiều khách đi xe máy, đánh cả ô tô lên vườn nhà ông Lân hỏi mua bưởi Lã Thiên Hương, đắt bao nhiêu cũng mua.

Một buổi tối đầu thu năm 2000, gia đình ông Phạm Minh Tuấn đang ngồi quây quần, uống nước ngoài hiên nhà thì ông Hoàng Văn Lân đến chơi. Sau khi bắn xong bi thuốc lào, tợp ngụm nước chè, ông Lân móc trong túi ra 100.000 đồng, để xuống bàn nói: “Ngày trước, bác đến nhà hỏi mua bưởi lần đầu, có đưa tôi 100.000 đồng. Sau bác lại khuyên gia đình chuyên tâm vào việc trồng, chiết cành, nhân giống bưởi Lã Thiên Hương. Đến nay cuộc sống gia đình đã khấm khá hơn. Tôi hôm nay đến chơi nhà bác, trước là gửi lại bác 100.000 đồng. Còn cái ơn lời khuyên ngày xưa thì vợ chồng tôi không bao giờ quên”. Không khí chùng xuống. Chỉ còn tiếng lá tre xào xạc, như chứng giám cho tấm lòng của đôi bạn già. “Nhanh, con Thủy, thằng Tâm mau ra vườn, lấy mấy quả bưởi vào bổ. Bác đừng cười nhé. Nhà chỉ có bưởi Lã Thiên Hương thôi”.

Trước khi ra về, ông Lân nắm tay ông Tuấn bảo rằng: “Bưởi Lã Thiên Hương ở nhà, cứ đến mùa, tôi lại nhường bác vào vườn lấy bưởi đầu tiên. Chỉ khi nào bác thôi không mua bưởi nữa thì tôi mới để cho người khác vào lấy”…

Vừa nghe ông Tuấn kể chuyện xưa, chúng tôi vừa theo chân ông ra vườn. Khu vườn nhỏ bao bọc quanh nhà chỉ có 13 gốc bưởi Lã Thiên Hương. Tôi trêu ông chủ: “Con số 13 có vẻ không được may mắn lắm bác à”. “Ờ, có lẽ đúng. Năm ngoái mất mùa, thu hoạch chẳng được là bao”. “Chắc năm nay khá hơn đây, quả sai lúc lỉu. Mà mấy “em” Lã Thiên Hương này lẳng lơ quá, bạ đâu nằm đấy. Thế bưởi sát đất thế này có bị sâu không bác?”. “Không, giống bưởi này quả sát đất cũng không làm sao. Đây là mấy cây bưởi chiết nên cành lá lòa xòa sát đất. Đám cháu trong nhà hoặc trẻ con hàng xóm thi thoảng lại hò nhau ra vặt, rồi lon ton chạy vào bảo ông bổ. Còn lúc trước chú hỏi chuyện lời lãi, nói thật, tôi trồng ít do không có vườn rộng, lãi bao nhiêu chẳng hay. Có người vào mua bưởi, hẹn tháng sau trả tiền rồi cũng không thấy nói gì. Có người mua cây giống, hẹn sang năm trả. Giờ cây đã cho ra quả năm thứ hai, thứ ba, cũng không đả động gì tới chuyện tiền nong. Mà thôi, chỉ cần mọi người nhân giống, trồng được càng nhiều bưởi Lã Thiên Hương càng tốt. Mấy bữa trước, cũng có một đoàn từ trường đại học trong TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ đến vườn lấy cây giống. Còn cứ đến mùa bưởi, tôi lại biếu trường mầm non xã nhà 100 quả, để các cháu thưởng thức cho nó biết cái vị ngọt ngào từ lòng đất quê hương. Nói rồi, ông Tuấn cười khà khà, hái mấy trái bưởi, bảo: “Các chú lại vào nhà ăn bưởi cho vui”.

Bài và ảnh: Đình Hùng - Lê Tuấn