QĐND - Đến Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Quảng Bình, chúng tôi được nghe nhiều lời khen về Thượng úy Phạm Xuân Ninh, Đội trưởng vận động quần chúng Đồn Biên phòng 585. Là kỹ sư nông lâm khi nhập ngũ, thi đỗ vào Học viện Chính trị, sau khi tốt nghiệp về công tác tại quê nhà, anh cùng đồng đội giúp đồng bào vùng biên giới Quảng Bình trồng lúa nước xóa đói, giảm nghèo hiệu quả.

Tạm gác việc trăm năm...

Vượt chặng đường gần 200km từ thành phố Đồng Hới đến Đồn Biên phòng 585 - Cà Xèng, chúng tôi gặp Thượng úy Phạm Xuân Ninh, khi anh vừa kết thúc một ngày lao động vất vả, cùng dân bản thu hoạch lúa trở về. Trong câu chuyện đêm khuya ở đồn, anh kể cho tôi nghe về quyết định liên quan đến việc “hệ trọng” của đời mình - quyết định lùi ngày cưới để đi trồng lúa nước giúp đồng bào.

...Sau gần 10 năm yêu thương, chờ đợi trong nhớ nhung, xa cách bởi những năm học ở Trường Đại học Nông lâm Huế và tiếp đến là hơn hai năm học ở Học viện Chính trị, ra trường được điều động về nhận công tác tại Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình, Phạm Xuân Ninh quyết định kết hôn với người bạn gái cùng lớp, cùng trường là Nguyễn Thị Như Trang, nhân viên của hãng tắc-xi Đồng Hới. Hôn lễ dự kiến tổ chức vào cuối năm 2009. Quyết định của hai người khiến hai gia đình từ lâu mong đợi mừng vui khôn tả, tất bật chuẩn bị lễ thành hôn...

Thượng úy Ninh hướng dẫn dân bản cấy lúa nước... 

Nhưng đúng thời điểm ấy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình tổ chức trồng lúa nước giúp đồng bào bản Tân Ly, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, trên khu đất rộng hơn 2 héc-ta. Trước đó địa phương đã tổ chức trồng lúa nước, nhưng thất bại nên diện tích này bỏ hoang. Đây là dự án lúa nước đầu tiên của BĐBP tỉnh, nhằm tìm ra phương thức sản xuất giúp đồng bào vùng biên giới thoát khỏi nghèo. Có đất, có nước, "có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, quyết tâm ấy của Bộ chỉ huy BĐBP đã biến thành "mệnh lệnh không lời" đối với các cán bộ, chiến sĩ được giao thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt Phạm Xuân Ninh, một cán bộ trẻ vừa tốt nghiệp, có kiến thức về nông lâm, được Bộ chỉ huy tin tưởng, trực tiếp giao nhiệm vụ nghiên cứu, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho bộ đội và đồng bào. Việc cưới vợ phải chuẩn bị nhiều ngày, trong khi trồng lúa nước “nhất thì, nhì thục”, nếu làm không đúng thời vụ sẽ thất bại, khi ấy sẽ rất khó khăn vận động đồng bào tin tưởng làm theo. Và như thế, mọi cố gắng, công sức của bộ đội và dân bản sẽ đổ xuống sông, xuống biển. Suy nghĩ ấy khiến Phạm Xuân Ninh nhanh chóng đi đến quyết định lùi việc cưới vợ đến năm sau để đi trồng lúa giúp đồng bào, trước sự nghi ngại của người thân hai bên gia đình…

Đất không phụ công sức của anh Ninh và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 601 - Làng Ho bỏ ra đã được đền đáp bằng vụ lúa đầu tiên cuối năm 2009 với năng suất trên 4 tấn/1ha. Chỉ sau một vụ lúa người dân bản Tân Ly đã tự chủ sản xuất, đến nay mỗi năm thu hoạch hai vụ lúa cho năng suất cao, ổn định. Giữa năm 2010, Phạm Xuân Ninh cưới vợ. Tình yêu qua thử thách thời gian càng thêm ngọt ngào, trong lời chúc mừng tân hôn của họ, có cả những lời chúc mừng thành công trồng lúa nước. Việc trồng lúa nước ở Tân Ly giúp Phạm Xuân Ninh và đồng đội tích lũy được nhiều kinh nghiệm, nhất là phải có niềm tin, ý chí quyết tâm, sâu sát, “ba bám, bốn cùng”, “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào.

Đem no ấm đến vùng cao

Sau thành công dự án lúa nước ở Tân Ly, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Bình tiếp tục triển khai dự án “Công trình thủy lợi trồng lúa nước Rục Làn”, giúp đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, trên diện tích rộng hơn 10ha. Để thực hiện dự án này, Thượng úy Phạm Xuân Ninh được điều động tăng cường, sau đó được chính thức bổ nhiệm làm Đội trưởng vận động quần chúng của Đồn Biên phòng 585 - Cà Xèng. Anh tâm sự: Bao thuận lợi ở Tân Ly là bấy nhiêu khó khăn khi triển khai trồng lúa nước ở Cà Xèng. Bà con ở Tân Ly là người dân tộc Bru Vân Kiều, trước đó đã biết trồng lúa nước, nơi đây đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào, khí hậu thuận lợi. Còn ở Cà Xèng là đồng bào Rục, bà con mới "ly cốc, hạ sơn”, trước đó từ bao đời chỉ quen với “cắt, đốt, cốt, chỉa” không biết trồng lúa nước; đất đai thì cằn cỗi, trồng ngô, sắn cũng khó, huống hồ lúa nước. Nguồn nước từ trong núi đá vôi chảy ra rất lạnh, thành phần đá vôi cao… Những khó khăn đó đặt ra trực tiếp đối với Phạm Xuân Ninh, nhất là giải quyết các vấn đề kỹ thuật.

... và trên ruộng lúa trĩu bông sắp thu hoạch.

Thượng úy Ninh cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị lần lượt giải quyết từng công việc. Trước hết là tuyên truyền vận động đồng bào di chuyển mồ mả, san lấp mặt bằng, cải tạo những đồi đất mấp mô thành từng ô ruộng; gom phân chuồng, làm phân xanh cải tạo đất, hướng dẫn bà con thuần dưỡng trâu bò để cày bừa; rồi ủ giống, gieo mạ, cấy lúa, chăm bón, thu hoạch… Tất cả những công việc đó, anh vừa cùng chỉ huy đồn thống nhất xây dựng kế hoạch, rồi lại cùng với cán bộ, chiến sĩ và dân bản vừa làm, vừa nghiên cứu, rút kinh nghiệm. Ban ngày lao động cùng dân bản, đêm về lại thức khuya nghiên cứu tài liệu, tìm thông tin trên mạng, rồi liên hệ với thầy cô giáo, bạn học cũ ở Trường Đại học Nông lâm để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Quá trình chăm bón cây lúa sinh trưởng, phát triển cũng thật vất vả, gian lao. Ngoài việc phải phun thuốc trừ sâu nhiều lần, có đêm Phạm Xuân Ninh không sao ngủ được, lặng lẽ ra thăm đồng. Nhìn những khóm lúa đang xanh tốt, bỗng bị bệnh, lá cứ vàng úa dần, lòng anh như lửa đốt. Những kỹ thuật, kinh nghiệm bạn bè trao đổi, tư vấn đem áp dụng đều không hiệu quả. Sau khi cùng chỉ huy đồn trao đổi, thống nhất, anh nhận định: Việc lúa vàng lá là do nước đá vôi lâu ngày đóng váng, đất ngâm dưới nước bị lèn chặt, nên cây lúa bị nghẹt rễ, không hút được chất dinh dưỡng… Anh đã mạnh dạn đề xuất với chỉ huy biện pháp giải quyết: Tháo sạch nước cho mặt đất se lại, nứt ra để cây lúa hấp thụ được chất dinh dưỡng tiếp tục sinh trưởng, phát triển. Cả đơn vị cùng lo cho lúa, khi chỉ huy ra quyết định vào đúng giờ ăn cơm trưa, không ai bảo ai mọi người cùng ra đồng tháo nước. Sau hàng loạt biện pháp kỹ thuật, kết quả hai vụ lúa đầu tiên trong năm 2011 đã thành công với năng xuất đạt gần 4 tấn/1ha. Nhờ số lúa thu được cùng lượng gạo dự trữ, nên trong thời gian bị ngập lụt, chia cắt do ảnh hưởng của cơn bão số 5, số 6, đồng bào Rục ở đây không còn chịu cảnh thiếu đói, khó khăn như những năm trước. Ý nghĩa hơn, theo ông Cao Văn Định, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa: “Công trình thủy lợi trồng lúa nước Rục Làn của BĐBP đã giúp đồng bào chuyển đổi sang phương thức sản xuất mới, từ bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu, sớm định canh, định cư, ổn định cuộc sống, phát triển…”.

Đem con chữ đến với đồng bào

Tuy còn phải vất vả thêm vài vụ nữa mới có thể chuyển giao để đồng bào tự sản xuất, nhưng thành công trên cánh đồng lúa nước của đồng bào Rục, nơi phải vượt qua bao gian khó đã giúp Thượng úy Ninh có thêm nhiều kinh nghiệm, tự tin triển khai tiếp những cánh đồng lúa khác cho đồng bào vùng biên giới tỉnh nhà. Anh cho biết: Ở đâu triển khai trồng lúa nước, được cấp trên giao nhiệm vụ, mình luôn sẵn sàng đến giúp bà con.

Gần hai năm gắn bó với đồng bào Rục, điều Thượng úy Ninh trăn trở là hiện cả xã Thượng Hóa mới có một trường tiểu học, con em đồng bào chủ yếu học hết tiểu học, người dân tái mù chữ rất nhiều. Những lần đi cấp gạo cứu trợ đồng bào, anh thấy bà con phải điểm chỉ hoặc nhờ các em học sinh ký giúp. Từ đó, Phạm Xuân Ninh ấp ủ ý định lập dự án và đề nghị chỉ huy các cấp, chính quyền, ngành giáo dục địa phương cho phép mở các lớp xóa mù chữ ngay tại các bản, học vào buổi tối và bồi dưỡng, giúp đỡ các em học sinh có kiến thức vững để tiếp tục học lên cao. Khó khăn nhất vẫn là tuyên truyền, vận động để bà con dân bản tin tưởng, phấn khởi đi học và động viên, tạo điều kiện cho con em học tập. Điều suy nghĩ của Thượng úy Ninh cũng trùng hợp với tâm sự của Bí thư chi bộ bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, ông Cao Tiến Thuỳnh: “Cần nhất vẫn là cái chữ bộ đội à! Không có cái chữ thì không làm được gì cả…”.

Sinh ra và lớn lên ở thành phố Đồng Hới, từ nhỏ chưa từng biết đến làm ruộng, nhưng với tấm lòng của người chiến sĩ biên phòng luôn sẻ chia khó khăn của đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa và niềm say mê công việc đã giúp Phạm Xuân Ninh vượt lên chính mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giành được nhiều danh hiệu thi đua, bằng khen, giấy khen của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh và chính quyền địa phương. Nhưng phần thưởng lớn nhất đối với anh là được cán bộ, chiến sĩ và dân bản trìu mến gọi bằng cái tên “kỹ sư nông nghiệp quân hàm xanh”.

Cùng với sự động viên, khen ngợi của đồng đội, dân bản, còn có sự sẻ chia những lo toan, vất vả trong công việc gia đình của người vợ trẻ Nguyễn Thị Như Trang. Chị đã thủy chung chờ đợi gần 10 năm và nhất trí lùi ngày cưới để Phạm Xuân Ninh đi giúp đồng bào trồng lúa cho kịp thời vụ. Sau này khi đã thành vợ thành chồng, chị vẫn thường xuyên vượt núi, băng đèo lên thăm, động viên chồng và đồng đội. Hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ cùng hòa chung niềm hạnh phúc, ấm no của người dân các bản làng biên giới xa xôi, cũng như sự đổi thay, khởi sắc trên quê hương mình…

Bài và ảnh: Vũ Xuân Dân