QĐND - Không hề qua một trường lớp đào tạo về chế tạo máy cũng như vật liệu xây dựng nhưng anh nông dân Trần Văn Lượng ở xóm 2, xã Nhật Tựu (Kim Bảng, Hà Nam) đã chế tạo thành công và cho ra đời loại gạch bê tông siêu nhẹ, thân thiện với môi trường. Điều đặc biệt là để làm ra loại gạch này, nguyên liệu chính chỉ là những phế phẩm trong sản xuất nông - lâm nghiệp.

Bán đất, bán xe theo đuổi đam mê

Chúng tôi tìm đến nhà anh Trần Văn Lượng khi đang vào thời điểm của mùa xây dựng dân dụng. Nghĩ rằng chúng tôi là khách hàng tới mua gạch, anh đã hỏi nhà xây diện tích bao nhiêu để có thể tính ngay được số gạch cần sử dụng.

Tiếp chúng tôi bên ấm trà nóng hổi là người đàn ông trung tuổi có nước da bánh mật và đôi mắt trũng sâu. Biết chúng tôi tới tìm hiểu về quá trình chế tạo ra những viên gạch bê tông siêu nhẹ, anh khiêm tốn trả lời:

- Tất cả đều xuất phát từ lòng đam mê thôi.

Sinh năm 1968 nơi vùng quê chiêm trũng, sau khi học xong lớp 12, anh Lượng gác lại giấc mơ vào đại học để chạy công nông phụ giúp gia đình. Những ngày tháng chở đất, chở gạch ở bãi sông Hồng, nhìn những người nông dân quần quật vác đất đóng gạch, trong đầu anh đã nảy sinh ý tưởng về những viên gạch không nung. Năm 2001, anh vào TP Hồ Chí Minh xây dựng cơ sở sản xuất bột bả ma tít; đầu năm 2002 khi thấy bác hàng xóm hay sang mua lẻ xi măng để nghiên cứu loại vật liệu nhẹ nhưng chưa thành công. Được bác hàng xóm đưa cho một mảnh vật liệu lạ anh càng tò mò. Từ đó anh lao vào nghiên cứu, chế tạo loại vật liệu xây dựng siêu nhẹ, thân thiện với môi trường. Hơn một năm, anh bỏ công sức và tiền của ra đầu tư để nghiên cứu, thí nghiệm với hàng trăm bao xi măng trắng, hàng trăm lít hỗn hợp hóa chất tự nấu, nhưng sản phẩm làm ra không có độ liên kết của hợp chất, giữ ẩm kém. Bạn bè nói anh là gã khùng và khuyên anh dừng lại. Tuy nhiên, anh tin vào những gì mình đang làm và tiếp tục đi tìm lời giải.

Anh Lượng chia sẻ về đặc tính nhẹ và độ kết dính cao của những viên gạch do anh sản xuất.

Năm 2005, dù công việc làm ăn rất thuận lợi, nhưng anh quyết định về quê lập nghiệp. Tháng 3-2006, anh Lượng thành lập Công ty TNHH Hồng Giang chuyên về vật liệu xây dựng làm cơ sở để tiếp tục nghiên cứu công trình của mình. Nhiều lần thử nghiệm thất bại, nhiều lần thay đổi lại quy trình sản xuất, thay xi măng trắng bằng xi măng đen và thêm keo da động vật (được nấu, cô đặc từ da động vật) vào hỗn hợp hóa chất tự chế, nhưng sản phẩm làm ra vẫn chưa hoàn thiện, độ giữ ẩm của sản phẩm vẫn kém.

Thấy anh nhiều đêm thức trắng trăn trở... vợ anh rất lo, nghĩ rằng chồng mình mắc bệnh. Hàng trăm cuộc thử nghiệm cộng với hàng chục lần đầu tư nguyên vật liệu để điều chỉnh máy móc cho phù hợp khiến anh cạn vốn. Anh bàn với vợ quyết định bán một mảnh đất và hai xe ô tô chở vật liệu xây dựng để lấy vốn tiếp tục theo đuổi công trình còn dang dở. Tình cờ, anh xem một chương trình trên ti-vi, thấy nói đến công dụng của các loại phế phẩm nông nghiệp trong việc giữ ẩm cho đất. Anh nảy sinh ý tưởng về sản phẩm độc đáo của mình và nhanh chóng bắt tay vào hoàn chỉnh sản phẩm. Anh dùng các loại vật liệu từ phế phẩm như: Lõi, thân cây ngô, rơm, bã mía, xơ dừa, trấu, mùn cưa, gỗ vụn, xi măng, xỉ than… kết hợp với chất tạo bọt được làm từ da động vật, nhựa cây và một số chất tạo bọt khác do anh dày công nghiên cứu. Tháng 3-2008, viên gạch không nung siêu nhẹ đầu tiên có thành phần từ phế phẩm nông nghiệp đã ra lò. Nhớ lại những ngày ấy, anh Lượng chia sẻ:

- Thế là việc tôi bán hai xe tải, một lô đất để đầu tư nghiên cứu đã không uổng phí. Nếu không có niềm đam mê và sự ủng hộ của gia đình thì tôi không thể thành công được.

Vật liệu lý tưởng và những ý tưởng lạ

Sau khi chế tạo thành công gạch bê tông siêu nhẹ không nung, anh Lượng gửi mẫu sản phẩm đi kiểm định chất lượng tại Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng). Bốn tháng sau, trong bản kiểm định chất lượng của Viện đã khẳng định đây là sản phẩm bê tông nhẹ, có tác dụng chống thấm, cách nhiệt, cách âm phù hợp tiêu chuẩn. Không chỉ như vậy, một năm sau, hệ thống máy móc phục vụ cho sản xuất bê tông siêu nhẹ do anh tự làm, tự thiết kế cũng được lắp đặt hoàn chỉnh với máy tạo bọt, máy trộn bê tông, khuôn.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của loại vật liệu siêu nhẹ này chính là chất tạo bọt được làm từ da động vật, nhựa cây và một số chất tạo bọt khác. Tuy nhiên, phụ gia trong sản phẩm được sử dụng không đáng kể vì trong một tấn bê tông thì chỉ có chưa đầy 2 gram chất tạo bọt. Nhìn những viên gạch trông nặng nề nhưng thả xuống nước lại nổi bồng bềnh như xốp, chúng tôi thực sự bất ngờ. Khối bê tông thường nặng 2,7 tấn, nhưng khối bê tông siêu nhẹ cùng kích thước chỉ nặng 3 tạ, không hề thấm nước, lại rất nhanh khô. Vật liệu do anh Lượng chế tạo không chỉ nhẹ mà còn có đặc tính là hấp thụ và triệt tiêu lực nên khi va đập mạnh rất khó vỡ. Do đó, có thể sử dụng trong mọi công trình từ xây dựng dân dụng đến kè đê sông đê biển, làm đường giao thông nông thôn, làm đệm các công trình như móng cầu, nhà cao tầng, cũng có thể dùng để bọc cáp ngầm hoặc sử dụng để xây dựng ở ngoài đảo vì nhẹ, vận chuyển dễ dàng… vừa có giá thành rẻ và dễ thi công.

Anh Lượng (bên phải) giới thiệu gạch siêu nhẹ cho khách hàng.

Đưa chúng tôi đi thăm xưởng sản xuất rộng chừng 1.000m2, nói về sản phẩm do mình chế tạo ra, anh Lượng chia sẻ:

- Đây là sản phẩm thân thiện với môi trường vì tận dụng chất thải công - nông - lâm nghiệp như: Xỉ than, mùn cưa, rơm rạ, trấu… từ đó làm giảm ô nhiễm môi trường. Gạch làm ra được tạo liên kết liền, không cần nung nên không khói, không tiếng ồn, không chất thải và không gây ô nhiễm môi trường. Tháng 5-2011, tôi đã gửi đơn đăng ký bản quyền sáng chế lên Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) với tên sáng chế là Phương pháp sản xuất bê tông bọt nhẹ sử dụng cốt liệu phế thải nông nghiệp dạng xenlulo và đã được chấp nhận.

Theo ước tính, năng suất của máy đạt trên 50m3/ngày, tương đương với 5 người làm/ngày, bằng 1/5 so với hệ thống máy móc cùng loại nhập khẩu của nước ngoài. Anh Lượng cho biết, vì nguyên liệu là các loại phế phẩm có sẵn nên giá thành chỉ ở mức 900.000-950.000 đồng/m3. Trong khi đó, sản phẩm cùng chất lượng nhập ngoại lên tới 1.300.000-1.800.000 đồng/m3. Cường độ chịu nén của gạch là 50kg/cm2, trong khi các sản phẩm nhập ngoại chỉ đạt khoảng 30kg/cm2. Công nghệ có thể triển khai ở quy mô sản xuất nhỏ để thay thế các lò gạch thủ công với công suất từ 10 đến 40m3/ngày. Nếu được đầu tư để nâng cấp thiết bị tự động hóa, có thể triển khai sản xuất trên quy mô công nghiệp, công suất hàng trăm m3/ngày và hoàn toàn thay thế các thiết bị và công nghệ nhập ngoại. Anh Lượng cũng cho biết thêm, với công nghệ này, bê tông không cần phải sấy, hấp mà để nở tự nhiên, tạo liên kết liền. Điều thú vị hơn nữa là việc sử dụng loại bê tông này cũng chỉ dùng các loại vữa xây thông thường. Hiện nay, do diện tích mặt bằng sản xuất hạn chế nên anh không dám nhận các công trình lớn mà chỉ phục vụ, đáp ứng được khoảng 5% nhu cầu của khách hàng so với công suất thực của máy.

Anh Đỗ Đức Bình ở xã Kim Bình (Kim Bảng - Hà Nam), một khách hàng tới mua gạch của anh Lượng chia sẻ:

- Tôi đọc trên báo thấy anh Lượng chế tạo được loại gạch siêu nhẹ rất hay nên đến mua và nhờ anh tư vấn để chuẩn bị xây nhà. Đặc biệt hơn nữa là sản phẩm được bảo hành trọn đời, anh còn nhận lời tìm thợ giỏi để xây nhà giúp nữa.

Trò chuyện với anh Lượng, chúng tôi được biết anh đã đi nhiều nơi trong cả nước để nghiên cứu điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Cũng đã có nhiều địa phương gửi các mẫu đất, cát về cho anh để anh nghiên cứu các chất độn làm vật liệu siêu nhẹ cho phù hợp với từng vùng. Anh bật mí cho chúng tôi rằng, đã nghiên cứu thành công trong việc sử dụng chất độn là cát nhiễm phèn, nước lợ và đang tiếp tục chinh phục nước biển, cát biển. Anh Lượng cho biết: Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long đã đề nghị anh hợp tác chuyển giao công nghệ để đưa vào sản xuất vật liệu siêu nhẹ. Theo anh Lượng, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất phù sa mới nên có nền đất yếu và rất thích hợp để sử dụng vật liệu siêu nhẹ trong xây dựng.

Từ những phế phẩm trong nông nghiệp, anh Lượng không chỉ làm ra những viên gạch siêu nhẹ mà còn chế tạo ra một loạt các sản phẩm độc đáo khác thông qua công nghệ đóng rắn do anh sáng chế như gạch đặc không nung cường độ cao và chịu nhiệt có giá 500.000 đồng/m2, trên thị trường có giá 3,5 triệu đồng/m2. Hay như tấm sàn Cemboard không ngấm nước, không đổ mồ hôi do anh tạo ra chỉ có giá 1,8 triệu đồng/m2, rẻ gấp 5 lần so với giá thị trường; công nghệ vữa xây xốp; bột bả xốp cường đồ cao; phụ gia giữ nước cho đất (áp dụng cho những vùng hạn hán)…

Theo thống kê của anh, từ khi những viên gạch siêu nhẹ đầu tiên ra đời đến nay đã có trên 700 đoàn tìm về nhà anh tìm hiểu và mong muốn hợp tác để chuyển giao công nghệ. Anh bảo:

- Vừa rồi có một công ty nước ngoài tìm đến và muốn mua lại bản quyền công nghệ sản xuất gạch siêu nhẹ với giá 2 triệu USD nhưng tôi không bán. Vì hiện giờ các công ty trong nước vẫn phải nhập khẩu công nghệ và người dân mình phải mua sản phẩm với giá rất cao. Tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các tổ chức và cá nhân trong nước để mọi nhà có thể sử dụng gạch siêu nhẹ với chất lượng tốt và giá thành rẻ nhất. Đến nay, tôi đã chuyển giao công nghệ cho 3 cơ sở có đủ năng lực để sản xuất, phát triển sản phẩm loại gạch siêu nhẹ này.

Trước khi chia tay, anh Lượng chia sẻ thêm với chúng tôi về những dự định trong tương lai của mình. Để chiếc máy của anh hoạt động hết công suất, đáp ứng được nhu cầu trên thị trường thì cần phải có diện tích nhà xưởng đủ rộng khoảng 3 héc-ta và vốn đầu tư khoảng 35 tỷ, một con số nằm ngoài khả năng của anh. Tuy nhiên, số vốn này chỉ bằng 1/5 so với tiền nhập khẩu công nghệ, máy móc của nước ngoài. Hiện tại, anh cũng đang rất cần được hỗ trợ vốn để hoàn thiện công nghệ vì máy móc đều là tự chế nên độ chính xác chỉ là tương đối và 5 kỹ sư chế tạo máy tay nghề cao giúp anh hoàn thiện công nghệ trên dây chuyền tự động mà không cần đến công nhân.

Bài và ảnh: Minh Mạnh