QĐND - Giữa tháng 10-1964, Tàu 41 được giao nhiệm vụ chở 60 tấn vũ khí, đạn và bốn cán bộ từ miền Bắc vào bến Vàm Lũng (Cà Mau). Tàu rời Cảng K20 bên tả ngạn sông Cấm (Thủy Nguyên, Hải Phòng) lúc 10 giờ đêm. Tôi là chiến sĩ hàng hải mới qua huấn luyện khóa K35 và được điều động về tàu.
Sau một ngày hành trình, lúc ấy khoảng ba giờ sáng, tôi lên nóc ca-bin ngồi quan sát. Qua ánh đèn mạn, tôi nhận thấy vết đi cuồn lên như đuổi theo tàu. Như vậy là tàu đi trong vùng “nước nông” cần phải lưu ý, nhưng tôi non nớt chưa nhận ra. Chỉ ít lâu sau, mũi tàu đảo nhanh không “ăn lái”, rồi mắc cạn. Mọi người ai cũng lo lắng, vì trước đó đã có hai tàu của Đoàn mắc cạn ở vùng này và buộc phải hủy tàu. Chẳng lẽ con tàu 41 chung số phận?
Một cuộc hội ý của cán bộ chỉ huy tàu tìm cách khắc phục. Bộ phận dùng sào đo sâu, xác định vùng cạn, lập sơ đồ để xử lý. Thuyền trưởng cho biết tàu bị dạt vào bãi san hô, phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Thủy triều đang rút vào giờ chót. Đợi sáng rõ, các ngành cho kiểm tra, nhất là bánh lái, chân vịt. Toàn tàu sẽ phải “nằm giữa đại dương” khoảng 12 tiếng. Tôi cảm thấy mình có lỗi vì tàu mắc cạn trong ca trực của tôi. Như thấu hiểu được suy nghĩ của tôi, Chính trị viên Hoàng Chiến đến bên vỗ vai: “Mới lần đầu sao hiểu hết biển, rồi sẽ ổn thôi”. Được anh động viên, tôi thấy yên tâm hơn.
 |
Cựu chiến binh Trần Văn Lịch giới thiệu con tàu không số một thời ông gắn bó. |
Thời gian nặng nề trôi. Thuyền trưởng cùng anh em chụm đầu tính toán, xác định thời điểm cho con tàu ra cạn. Tận dụng thủy triều kết hợp với máy lùi cùng với sức kéo “cơ bắp” con người để kéo tàu ra. Nhưng tới lần thứ tư mới được. Tàu quay mũi, từ từ ra vùng nước sâu, thuyền trưởng cho thả neo để các ngành ổn định, thu hồi mặt boong. Nhưng một thử thách mới ập đến, đó là neo mạn phải không thể “nhổ” được do mắt xích mắc chặt vào má khuyết trục, không sao quay được nữa. Sau khi tìm mọi cách không xử lý được, Ban chỉ huy tàu hội ý đi đến quyết định tháo chốt neo, thả hết. Tàu qua được thử thách, nhưng mất một bên neo phải, chỉ còn một bên neo trái.
Sau khi thoát cạn, tàu tiếp tục hành trình về vùng biển phương Nam. Khi qua Hòn Khoai, chúng tôi được lệnh thu ngụy trang, tắt đèn hành trình, đèn sinh hoạt. Tất cả trong im lặng, chỉ còn tiếng máy chạy vo vo với tốc độ thấp, hạn chế độ sáng của vết sóng đi để bí mật vào bến. Khi nhận được tín hiệu của ta từ bờ, con tàu như tăng thêm sức mạnh, nhanh chóng vượt qua cửa vàm, qua từng hàng đước, ngoằn nghèo từng cung, từng đoạn, tiến sâu vào đất liền và áp sát hàng cây đước, rễ vươn cong chọc ra tới mép nước, đám lá trùm kín mặt sông.
Tàu dừng máy, một không gian yên tĩnh, đủ nghe tiếng lướt của mái chèo, tiếng động nhẹ của những bước chân trên mặt boong. Đã là nửa đêm gần về sáng, cung đường cuối cùng trong hải trình chở hàng chi viện từ Cảng K20 miền Bắc vào bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn.
Bài và ảnh: Bùi Văn Xuân (Ghi theo kể của bác Trần Văn Lịch, nguyên chiến sĩ hàng hải Tàu 41)