“Đại Nam chính biên liệt truyện” (tập II, quyển 33) viết về nhân vật Bùi Tuấn, người đã cùng Tán lý Ông Ích Khiêm diệt đầu lĩnh Ngô Côn như sau: “Bùi Tuấn, tự là Trạch Phủ, người Sơn Lãng, Hà Nội. Năm đầu Thiệu Trị đỗ tiến sĩ, được bổ làm Tri phủ Thọ Xuân, sau chuyển về “Khảo công Viện ngoại lang” (thuộc Bộ Công). Năm đầu Tự Đức được điều về “Viện Tập Hiền, rồi làm Thị giảng học sĩ, án sát sứ Sơn Tây. Sau lại đổi về Bắc Ninh, được thăng là Quang Lộc tự khanh, giữ chức Bố Chánh sứ rồi chuyển làm Tuyên phủ sứ ở Phú Yên. Tự Đức năm thứ 15 lại được làm Hộ lý Tuần phủ, Tổng đốc Ninh Thái”...
Gia Phả họ Bùi, làng Liên Bạt chùa, huyện Sơn Lãng, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (xưa là phủ Ứng Thiên, tỉnh Hà Nội) viết rõ (lược trích): “Cụ húy là Tuấn, tự là Trạch Phủ, hiệu là Khắc Trai, sinh năm Mậu Thìn (1808). Khoa Tân Sửu (1841) thi Đình được sắc tứ đệ tam giáp đồng tiến sĩ. Năm Giáp Thân (1844) tháng 3, được thăng thụ Tri phủ Thọ Xuân. Năm Đinh Tỵ (1857) tháng 2, được thăng án sát sứ Sơn Tây. Tháng 6, quyền chưởng Sơn - Hưng - Tuyên Tổng đốc quan phòng (người thay mặt khi Tổng đốc bận việc). Tháng 6 Canh Thân (1860), lĩnh chức Tuyên phủ sứ đạo Phú Yên, tháng 7 (1862) đổi ra Thương biện Hà Nội tỉnh vụ. Tháng 10, điều làm quyền Bố chánh Bắc Ninh, tới tháng giêng 1863 được thăng Bố Chánh sứ. Từ tháng 3-1864 nhiều lần đảm nhiệm quyền chưởng Ninh - Thái Tổng đốc quan phòng. Tháng 3-1866 được thăng thụ Binh bộ Tả Tham tri bên cạnh Binh bộ Thượng thư Nguyễn Tri Phương, cả hai đều thuộc phe “chủ chiến” chống Pháp nên cộng tác rất tâm đắc... Tới tháng 3-1868 lại về Bắc Ninh giữ nguyên hàm “quyền bộ Ninh-Thái Tổng đốc quan phòng”, tháng 9 được chính thức phong “Tuần phủ Bắc Ninh”. Thế là bắt đầu từ tháng 3-1868, trách nhiệm phòng giữ vùng Kinh Bắc chính thức do Binh bộ Tả Tham tri Bùi Tuấn, kiêm Tuần phủ Bắc Ninh đảm nhiệm.
 |
Binh bộ Tả Tham tri Bùi Tuấn (1808-1872). Ảnh: TL |
Về trận đánh diệt Ngô Côn, “Đại Nam chính biên liệt truyện” viết: “Bùi Tuấn đã nhiều năm đi dẹp giặc ở biên cương Tây Bắc. Lúc đó ở Bắc Ninh có bọn giặc Ngô Côn đem đồ đảng đến đánh tỉnh thành, thế giặc cực kỳ hung hãn, trong thành chỉ còn lại hơn 300 quân lính, tình thế thật nguy ngập. Bùi Tuấn đã gấp rút thực thi các biện pháp giữ thành, ra lệnh cho các cư dân ngoài phố phải vào ở trong thành, chọn những người khỏe mạnh bổ sung vào quân của triều đình. Khi giặc vây thành, Bùi Tuấn đã ngày đêm ở trên mặt thành đốc thúc binh lính chống cự và dùng đại bác bắn phá vào nơi lính địch tập trung đông. Tên Ngô Côn trúng đạn chết. Bùi Tuấn còn tuyển những người dũng cảm để tổ chức phối hợp với quân viện của Ông Ích Khiêm, hợp sức trong ngoài phá giặc, đã chém hàng ngàn đầu giặc, do đó vòng vây đã được giải. Sau đó đã hợp đồng với đại quân quét sạch giặc. Tất cả nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm đều được chuẩn bị trước, không phiền hà đến dân chúng. Ngoài ra còn phối hợp với quân của Phùng Tử Tài trong chiến đấu. Năm thứ 25 (1872) Bùi Tuấn được phong làm Tổng đốc”...
Trận đánh diệt Ngô Côn, trong gia phả họ Bùi, làng Liên Bạt ghi rõ về Bùi Tuấn: “Tháng 7-1869 (không phải năm 1870), đầu mục giặc Tàu là Ngô Côn xuất đồ đảng đến vây tỉnh thành, vào lúc các hạt tỉnh Bắc Ninh liền năm có giặc cướp, binh tướng trong thành chia đi đóng các đạo quân thứ, còn để canh giữ thành tỉnh chỉ có vài trăm người. Cụ Bùi Tuấn biết giặc đã đến Đáp Cầu lập tức sai sửa soạn phòng thủ (trước hết sai đi soát lao ngục, hạng tù trọng tội đều thay cùm mới và niêm khóa kho thuốc đạn, cắt lính canh giữ). Thừa cơ lúc giặc mới tới chưa chỉnh đốn, Cụ sai đem dân cư ngoài phố vào thành, chọn người khỏe xung lính, sai hai con trai lớn (Bùi Kiệm, Bùi Tập) chia nhau đi các trại lính khuyến lạo, cấp phát lương thực, ai nấy đều vui lòng cố sức. Cụ lại sai đi hạt Kim Anh trừu (triệu) quan Tán lý Ông Ích Khiêm đang đóng ở đó, đem quân về viện tiễu. Cụ cùng quan Khâm sai đại thần Nguyễn Văn Phong (đang ở tại dinh) với các quan Bố chánh, Đề đốc đồng loạt lên bốn mặt thành thúc quân cố giữ. Cụ sai chất thuốc súng ở bên hành cung, ước với các quan rằng vạn nhất thành không giữ được thời đều lên hành cung vọng bái rồi đốt thuốc súng, cùng gieo mình vào lửa theo thành. Ngày hôm sau (tức ngày 13) cụ sai thám thấy nhà thủ hộ ở ngoại thành có quân giặc luôn ra vào biết rõ chỗ Ngô Côn đóng, liền sai bày súng thần công lên mặt thành, hướng thẳng vào chỗ giặc đóng mà bắn; Ngô Côn trúng đạn, đảng giặc vỡ chạy. Chợt viện binh quan Tán lý Ông Ích Khiêm vừa đến, cụ sai mở cửa thành, trong ngoài giáp công, giết giặc rất nhiều, vòng vây được giải. Năm 1870, quân nhà Thanh sang hội tiễu, tướng Phùng Tử Tài được cụ tiếp lương đầy đủ nhưng khi tiếp xúc thì cụ “lời nói tự trọng, trên tôn quốc thể dưới giữ yên dân”.
Theo “Đại Nam chính biên liệt truyện” viết tiếp về Bùi Tuấn: “Trong nhiều năm gian khổ chiến đấu nên mang bệnh nặng, thuốc thang không khỏi, mất năm 65 tuổi khi đang chức. Nhà vua nghe tin vô cùng thương tiếc, đã xuống dụ, (nguyên văn bản dụ của Tự Đức vẫn còn lưu tại nhà thờ họ Bùi tại xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội): Bùi Tuấn là một phương tướng đã không phụ lòng tin cậy mà còn làm giảm được nỗi lo của trẫm đối với phương Bắc. Nay bỗng nghe thấy nhà ngươi lâm bệnh hiểm nghèo mà vẫn vâng mệnh làm nhiệm vụ ở cõi ngoài và bị mất khi chưa kịp rời nhiệm vụ. Coi việc nước như việc nhà là lẽ sống của các quan thần. Viên Tổng đốc này đã nhiều năm vất vả ở cõi ngoài đến tận lúc chết. Trẫm tỏ lòng thương xót sâu sa, truy tặng hàm “Thái tử Thiếu bảo...”.
Thiếu tướng GS Bùi Phan Kỳ