QĐND - Đã từ rất lâu rồi, nhiều người dân ở TP Nam Định (tỉnh Nam Định) đã quen với hình ảnh một bà cụ hằng ngày đi ăn xin để nuôi đứa cháu không phải ruột thịt lớn khôn và đang học đại học. Đó là bà Trần Thị Nguyệt, nhân vật chính trong “chuyện cổ tích giữa đời thường”.

Một buổi chiều muộn giữa tháng 9-2011, chúng tôi đến nhà bà Trần Thị Nguyệt ở ngõ 22, đường Hai Bà Trưng, phường Trần Hưng Đạo, TP Nam Định đúng lúc bà vừa “đi làm” về. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là hình ảnh một bà cụ với thân hình gầy gò, lưng còng gập xuống, một tay chống gậy, một tay cầm nón, run run dò dẫm từng bước một. Thấy khách lạ, bà Nguyệt đon đả hỏi han và mời chúng tôi vào nhà.

Căn nhà chỉ rộng chừng 8m², có lẽ được xây dựng từ khá lâu, tường bong tróc, loang lổ, dưới mái ngói được căng thêm một lớp áo mưa để chống dột. Bà Nguyệt với tay bật ngọn đèn, mặc dù có điện nhưng cũng không đủ xua tan được vẻ ẩm mốc, tối tăm của căn nhà. Trong ngôi nhà chỉ kê vừa một chiếc giường nhỏ, ọp ẹp, cạnh đó là chiếc tủ nhỏ đựng xoong, nồi, một chiếc bàn học và một chiếc thùng tôn đựng quần áo. Tài sản đáng giá nhất trong nhà là chiếc điện thoại cố định. Thấy chúng tôi ngắm chiếc điện thoại, bà Nguyệt khoe: “Trước khi lên Hà Nội nhập học, sợ bà ở nhà một mình buồn nên con Thảo “bắt” tôi phải mắc cái điện thoại này để bà cháu tiện liên lạc. Từ đó đến nay, lúc rảnh rỗi là nó lại gọi điện về, bà cháu nói chuyện, nên tôi cũng đỡ buồn phần nào…”.

Đưa bàn tay nhăn nheo lau khóe mắt, bà Nguyệt nói tiếp: “Lâu lâu không thấy cháu gọi điện về thì lại lo. Có hôm nhớ cháu quá, tôi gọi điện bảo sẽ gửi tiền lên để thứ bảy, chủ nhật nó tranh thủ về bà cháu xum vầy. Các chú có biết nó nói gì không?”.

Hỏi đấy, nhưng không để chúng tôi trả lời, bà Nguyệt lại tiếp: “Nó khóc và nói rằng nó nhớ và lo cho bà lắm, nhưng nó muốn ở lại làm thêm để có tiền đỡ bà, còn tiền bà cứ để lại mua thức ăn để bồi dưỡng… Mới tý tuổi đầu mà nó cả nghĩ như người già ấy!”.

Sau mỗi ngày đi xin, bà Nguyệt lại ra cổng nhìn về nơi xa như ngóng chờ đứa cháu của mình trở về.

Bà Nguyệt quê ở làng Nha Xá, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Mẹ mất sớm từ khi bà còn rất nhỏ. Sau đó vài năm, bố đi bước nữa, rồi cùng vợ hai vào miền Nam sinh sống từ trước năm 1945. Bà Nguyệt có hai người anh, một người lưu lạc ở nước ngoài, còn một người ở lưu lạc ở đâu đến tận bây giờ vẫn không có tin tức gì! Hồi giặc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc, bà Nguyệt tản cư xuống Nam Định. Chính quyền địa phương thấy bà không có chỗ ở nên cho mượn căn phòng để trú chân, bây giờ chính là nơi bà ở hiện nay. Có chỗ ở ổn định, nhưng không có việc làm nên bà Nguyệt đi bán xôi trước các cổng trường học trên phố Nguyễn Du. Cứ như vậy, bà sống nhờ vào thúng xôi và một khoản tiền nhỏ từ người anh trai ở nước ngoài “viện trợ”.

Bà Nguyệt tâm sự: “Sở dĩ tôi chọn các cổng trường để bán hàng, vì ở đây hằng ngày được trông thấy các cháu học sinh tung tăng đến trường. Nhìn thấy những hình ảnh ấy, tôi thấy lòng mình vui hơn”.

Trong những khách hàng thường xuyên đến mua xôi của bà dạo ấy, có một người đàn ông đạp xích lô tên là Phạm Đình Hóa. Hàng sáng, khi ghé qua mua xôi, ông Hóa đều chở một bé gái khoảng hơn một tuổi đi gửi ở nhà trẻ rồi đi làm. Bố đi làm, đứa bé cứ đứng bám lấy song cửa sắt nhà trẻ, khóc đòi theo bố. Những hôm nhà trẻ nghỉ thì đứa bé lại rong ruổi theo xe xích lô của bố, những lúc có khách, ông bố lại gửi đứa bé nhờ bà trông. Một hôm, bà Nguyệt ngỏ ý trông giúp đứa bé, ông bố vui mừng đồng ý ngay... Rồi một hôm, như thường lệ, ông Hóa mang con đến gửi, nhưng lúc chia tay có vẻ bịn rịn, ôm đứa bé vào lòng, thơm lên má, lên trán cô bé rồi nói với bà Nguyệt: “Cháu tên là Phạm Thị Thu Thảo, vừa tròn 15 tháng tuổi bà ạ”.

Có ai ngờ đâu, ông Hóa đi mãi không trở lại. Bà Nguyệt ngóng chờ một tháng, hai tháng vẫn không thấy tin tức gì. Linh cảm mách bảo bà biết điều chẳng lành đã xảy ra. Từ đó, bà càng thương và lúc nào cũng bế ẵm, vuốt ve Thảo như cháu ruột của mình. Bà thường nói với Thảo rằng bà là bà nội cháu. Sau một thời gian cháu cũng quen với cuộc sống thiếu bố, từ đó cháu không hề đòi bố, đòi mẹ, không khóc, suốt ngày quấn lấy bà.

Từ ngày Thảo về ở, hằng ngày hai bà cháu cùng đi bán xôi. Khi Thảo đến tuổi đi học, bà lại lặn lội đi xin học cho cháu. Thời gian trôi đi, bà Nguyệt ngày một già yếu, cái lưng cứ còng xuống, không đội được thúng xôi đi bán, nên cuộc sống của hai bà cháu ngày càng khó khăn. Khi bé Thảo vào lớp 11, thì bà Nguyệt không đủ sức đi bán xôi nữa, từ đó bà quyết định đi ăn xin để kiếm tiền nuôi cháu tiếp tục ăn học. Bà nghĩ, dù khó khăn thế nào cũng phải cho cháu học ít nhất hết cấp 3, rồi sau này cháu kiếm việc gì đó làm tự nuôi bản thân. Nghĩ sao làm vậy, từ đó, sáng sớm bà ra các bến xe buýt gần nhà ăn xin. Cảm thông với hoàn cảnh của bà Nguyệt nên nhiều người cho bà tiền. Mỗi ngày xin được 40 đến 50 ngàn đồng, hai bà cháu chi tiêu tiết kiệm và dành dụm được khoảng 600 đến 700 nghìn đồng/tháng để lo cho Thảo đi học.

Người anh trai bà Nguyệt nghe tin em gái đang nuôi con cho “thiên hạ” nên đã nhiều lần gửi thư về bắt bà phải tìm và trả Thảo về gia đình cháu, hoặc nếu không sẽ cắt những khoản trợ cấp. Nhưng bà Nguyệt vẫn quyết tâm giữ Thảo lại nuôi, dù người anh trai giận và cắt mọi khoản viện trợ….

Khi học cấp ba, nhiều lần Thảo xin nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ giúp bà nhưng bà Nguyệt không đồng ý, bà bảo: “Cháu phải học dù hai bà cháu có khó khăn thế nào đi nữa. Bởi chỉ có học mới mong thoát được cảnh nghèo”. Không phụ công lao của bà, cô bé Thảo chăm chỉ học hành. Ngày Thảo nhận giấy báo trúng tuyển đại học, bà Nguyệt ôm Thảo vào lòng và hai bà cháu cùng khóc. Xoay xở mãi, rồi bà con khối phố, chính quyền đoàn thể phường động viên, giúp đỡ, cuối cùng bà cũng gom được khoảng 800 nghìn đồng để đưa Thảo lên Hà Nội học đại học.

Đầu tháng 10-2011, chúng tôi đến trường gặp Thảo khi em vừa đi học về. Cô sinh viên năm thứ ba, khoa Du lịch của Viện Đại học mở Hà Nội trông già dặn, chững chạc hơn cái tuổi 21 của mình. Khi chúng tôi hỏi về việc xin giảm học phí do hoàn cảnh khó khăn, Thảo cho biết: "Năm học đầu tiên, riêng tiền học em phải đóng khoảng 3 triệu đồng. Ngoài ra còn nhiều khoản nữa như tiền quỹ, tiền đi thực tế… tất cả em đều đóng góp như các bạn. Năm thứ hai, Ban Giám hiệu nhà trường biết hoàn cảnh của em nên có bảo em làm đơn xin miễn giảm…".

Thấy chúng tôi băn khoăn bởi với nhiều khoản tiền như thế, không biết em sẽ lo liệu thế nào, Thảo tâm sự: “Tất cả đều do bà gửi lên đấy các anh ạ. Cứ khi nào chuẩn bị phải nộp tiền, em lại điện về xin bà, chỉ 1 đến 2 hôm sau bà lại gửi tiền lên cho em. Ngoài tiền học, mỗi tháng bà còn gửi gạo, thức ăn và 600 đến 700 nghìn đồng để em tiêu vặt. Lần nào gửi đồ tiếp tế cho em, bà cũng dặn: “Con cố học cho tốt, bà còn khỏe, lo được”. Em thương bà lắm… Mong sao em chóng học xong kiếm việc làm để đỡ đần cho bà.

Thảo còn kể cho chúng tôi nghe về kỷ niệm những năm tháng ở cùng bà. Thảo kể: “Có những kỷ niệm mà không bao giờ em quên được. Đó là thời gian em đang học lớp 3, lớp 4, mỗi khi có bài toán nào khó, bà không giảng được, bà lại dắt em ra đường. Thấy các anh chị lớn hơn đi học về, bà lại nhờ giảng giúp. Rồi những đêm học thi hết THPT bà thức ngồi quạt cho em học… Với em bà là tất cả. Em chỉ mong sao bà mãi khỏe để sau này em có cơ hội phụng dưỡng bà”.

- Em có nhớ gì về bố không? - chúng tôi hỏi.

- Có, các anh ạ. Khi ở với bố, em còn rất bé, nhưng mỗi khi em nghe thấy tiếng xích lô lọc cọc là biết bố về. Vì vậy, bây giờ thỉnh thoảng nghe thấy tiếng xích lô em lại nhớ bố. Bà kể cho em, hôm bố bỏ vào miền Nam, trước khi đi có để lại cho em 2000 đồng. Đấy là kỷ niệm cuối cùng của em về bố. Bởi bố em vào miền Nam đi làm cho một xưởng gỗ được khoảng 2 năm, thì trong một lần cưa gỗ, bị cây đổ vào người rồi tử vong. Hiện nay mộ bố em vẫn nằm ở Thủ Đức. Em ước mơ sau này học xong, đi làm có tiền, sẽ phụng dưỡng bà và vào thăm mộ bố…

Câu chuyện của bà Trần Thị Nguyệt và em Phạm Thị Thu Thảo như “chuyện cổ giữa đời thường”, quả là những tấm gương sáng về sự vượt khó. Lòng nhân ái, tình thương và sự hy sinh của bà Nguyệt khiến chúng tôi vô cùng khâm phục.

Bài và ảnh: Đức Thịnh