QĐND - “Nói thực lòng với anh, hơn nửa thế kỷ sống với nhau, có lúc tôi cũng không khỏi phật ý vì tâm tính “khác người” của ông nhà tôi. Thì anh bảo, cả đời đi bộ đội hầu như quanh năm suốt tháng xa nhà, xa vợ con. Cứ tưởng lúc về hưu, vợ chồng sẽ được sum vầy bên nhau để vui vẻ với con cháu. Ai dè, ông nhà tôi chẳng bao giờ chịu ngồi yên một chỗ, hết làm công tác mặt trận rồi lại tham gia công tác từ thiện những 18 năm”.

80 tuổi vẫn rong ruổi xe máy đi làm việc thiện

Vừa ngồi chưa ấm chỗ, bà Đặng Thị Chung, 74 tuổi, đã “trải lòng mình” với tôi về người chồng - bác sĩ Trần Minh Quang - như vậy. Trong lúc chờ ở phòng khách, tôi ngước nhìn lên bức tường thấy mấy bức tranh mừng thượng thọ ông Quang vừa tròn 80 tuổi vào dịp Tết Tân Mão 2011. Bên cạnh là một tấm ảnh to được lồng trong khung kính trang trọng. Đó là hình ảnh Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đến thăm, trò chuyện và tặng quà bác sĩ Trần Minh Quang tại gia đình (số nhà 301, đường Mê Linh, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên) vào ngày 21-1-2009 (tức 26 Tết Canh Dần). Đang ngắm nghía bức ảnh thì có tiếng xe máy xình xịch đậu ngoài cửa. Bà Chung nói vui: “Chắc ông nhà tôi lại đi “vác tù và” về rồi đấy”.

Ngày 21-1-2009, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đến thăm và chụp ảnh lưu niệm với gia đình CCB Trần Minh Quang. Ảnh nhân vật cung cấp.

Cửa mở, ông Quang bước vào. Trên người ông khoác chiếc áo blu trắng có biểu tượng của hội chữ thập đỏ in trước ngực. Bên vai ông đeo chiếc túi xách quân y có đủ bông, băng, gạc, kéo, panh y tế, nước rửa vết thương, kim tiêm. Mái đầu chỉ lác đác vài ba sợi tóc trắng mà phải nhìn rất kỹ mới nhận ra, khuôn mặt hồng hào, hai khóe mắt và trên trán không có mấy nếp nhăn, hai hàm răng trắng đều tăm tắp, dáng đi hoạt bát, nhanh nhẹn, giọng nói sang sảng, trông ông Quang trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 80 của mình. Tôi “khơi mào” cuộc trò chuyện với ông:

- Trước khi đến nhà bác, cháu đã qua Hội Chữ thập đỏ thành phố Vĩnh Yên và được anh Cao Đức Thắng, Chủ tịch Hội ca ngợi hết lời về tấm lòng nhân hậu, đức tính hy sinh của bác dành cho cộng đồng, nhất là những người có hoàn cảnh bất hạnh, khó khăn. Riêng bác gái thì...

Chưa kịp để tôi nói hết câu, ông Quang hiểu ý, cười khà khà và hóm hỉnh:

- Bà xã lại “nói xấu” sau lưng tôi phải không? Càng “nói xấu” thì tôi càng cảm thấy mãn nhĩ (sướng tai). Vì tôi biết, đằng sau mỗi lời như thế là cả tình yêu thương, sự sẻ chia và chứa chất bao nỗi lo toan cho tôi đấy. Cứ mỗi sáng tôi dắt xe máy ra khỏi nhà, bà ấy lại dặn: “Ông đi cẩn thận nhé. Già rồi, mắt không tinh nhạy như thời thanh niên đâu”! Tôi nghe mãi thành quen đến nỗi, nếu thiếu lời dặn của bà, tôi cảm giác hôm đó làm việc không được... hứng thú lắm!

- Nhưng ông nên nhớ, nay ông đã 80 tuổi rồi - Bà Chung nói.

Ông Quang nhìn bà dí dỏm:

- Chà, bà lão. Bà kém tôi những 6 tuổi mà lẩm cẩm nhanh quá nhỉ! Thì mới năm ngoái thôi, bà cũng theo chân tôi tự nguyện vào Hội Chữ thập đỏ rồi, thế mà bây giờ lại định khuyên tôi ngồi chơi, xơi nước ở nhà à?

Bà Chung cười bảo: “Cái ông này chỉ được cái nhớ dai”!

“Cứu tinh” của những người bị nạn

Ngược lại 18 năm về trước. Vào một buổi chiều, bác sĩ Quang đang bế đứa cháu nhỏ trong nhà bỗng nghe “uỳnh” ngoài đường phố và tiếng hô thất thanh “Cứu... cứu...”! Mở cửa ra, ông đã thấy chiếc xe máy nằm chềnh ềnh ngay sát dải phân cách, bên cạnh là một thanh niên máu me bê bết, bất tỉnh. Ông vội nhờ người hàng xóm bế giúp đứa cháu rồi nhanh tay lấy bông băng chạy ra băng bó vết thương, tiêm thuốc trợ lực, sau đó nhờ một người dân cùng mình chở anh thanh niên bị nạn vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc. Buổi tối về nhà, hình ảnh người trẻ bị tai nạn giao thông cứ ám ảnh ông mãi. Bất chợt nghĩ đến những đồng đội của mình có lúc không được cấp cứu kịp thời tại chiến trường đã vội vã ra đi, trái tim ông như thắt lại...

Từ ngày đó, khi biết tin ai đó bị tai nạn, thương tích giao thông, điện giật, té ngã, choáng ngất... ông chủ động phóng xe máy ra ngay hiện trường để làm các thao tác sơ cứu ban đầu rồi chuyển họ đến các cơ sở y tế gần nhất. Sau một thời gian, thấy việc mình làm đơn thương độc mã sẽ gặp khó khăn, nên ông đã đến các vị trí ngã ba, ngã tư và những nơi nhiều người lái xe ôm thường tụ tập chờ chở khách để đề nghị và mong muốn họ cùng cộng tác, giúp đỡ.

Bác sĩ Trần Minh Quang thăm khám bệnh cho anh Lê Văn Dũng.

Vốn là bác sĩ đa khoa và học thêm chuyên khoa ngoại, từng giữ chức chủ nhiệm quân y của Học viện Kỹ thuật Quân sự, ông Quang có nhiều kinh nghiệm về nghề y. Vì thế, ngoài việc trực tiếp có mặt tại chỗ cấp cứu những trường hợp bị tai nạn, thương tích ở địa phương, ông còn tham gia huấn luyện kỹ thuật sơ cấp cứu cho Đội tình nguyện viên xe ôm chữ thập đỏ thành phố Vĩnh Yên (gồm 21 người) và 92 người hành nghề xe ôm ở các huyện Bình Xuyên, Tam Dương, Tam Đảo, Sông Lô, Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) nắm vững những kỹ năng cơ bản như: Cầm máu, sơ cứu gãy xương, tổn thương vùng ngực, bụng, cổ, cột sống, hô hấp nhân tạo, vận chuyển cấp cứu… Theo Hội chữ thập đỏ thành phố Vĩnh Yên, chỉ tính 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm bác sĩ Quang cùng Đội tình nguyện viên xe ôm chữ thập đỏ thành phố đã sơ cứu tại chỗ và chuyển đi cấp cứu bệnh viện được gần 150 trường hợp bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động, điện giật... rất kịp thời và hiệu quả.

Một lần vô tình xem chương trình thời sự truyền hình, ông thấy phóng sự phản ánh tình trạng một số giáo viên mầm non thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết để bảo vệ sự an toàn của trẻ nhỏ nên dẫn tới những tai nạn đáng tiếc. Sau lần đó, bác sĩ Quang đã đề nghị với Phòng Giáo dục thành phố Vĩnh Yên được đến các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn để hướng dẫn, truyền thụ cho các giáo viên về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng trong việc bảo vệ an toàn cho trẻ em cũng như biết cách xử trí ban đầu khi có sự cố tai nạn xảy ra. Đến nay, ông đã trực tiếp tư vấn và huấn luyện cho 5 lớp (trung bình mỗi lớp 20 giáo viên mầm non) trên địa bàn thành phố và các huyện lân cận. Ông Quang chia sẻ với tôi: “Trẻ em là mầm xuân của đất nước. Tôi tự nguyện làm việc này không ngoài mục đích vừa góp phần giữ gìn và bảo đảm sức khỏe, thể chất cho trẻ em; vừa giúp các nhà trường và giáo viên tạo điều kiện cho các cháu được vui chơi, học tập trong một không gian, môi trường an toàn”.

Ân nhân của những mảnh đời khốn khó

Không chỉ nhiệt tình tham gia cấp cứu cứu người bị nạn, thương tích, ông Quang còn luôn quan tâm giúp đỡ những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Thương cảm với nỗi đau của cháu Ninh Ngọc Dũng, 13 tuổi ở khu 3, phường Liên Bảo và anh Lê Văn Dũng, 53 tuổi, ở số nhà 98, đường Trần Phú (thành phố Vĩnh Yên) đều bị bại liệt từ nhỏ, bên cạnh việc thường xuyên đến thăm khám, hỏi han, tiêm thuốc miễn phí cho hai người mỗi khi trái gió trở trời, bác sĩ Quang đã tự mình lọ mọ đến “gõ cửa” và đề nghị các cơ quan chức năng như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Bảo hiểm Xã hội tỉnh và một số doanh nghiệp giúp một khoản tiền trợ cấp hằng tháng cho cuộc sống của họ đỡ vất vả.

Một buổi chiều, cùng bác sĩ Quang đến thăm anh Lê Văn Dũng hiện đang ở với người chị dâu (bố mẹ và anh trai của anh Dũng đều đã mất cách đây gần hai chục năm), tôi không khỏi bùi ngùi vì nhìn cơ thể anh co quắp, èo uột trên giường. Thấy khách lạ đến, anh Dũng cố lật người nằm úp mặt vào tường. Chỉ đến khi ông Quang lên tiếng hỏi: “Chú Dũng ơi, chú thấy trong người hôm nay có khó chịu không”?, anh Dũng mới ngoái cổ lại. Ngước nhìn bác sĩ Quang, tôi thấy anh không nói câu gì, mà khóe mắt bỗng dưng đỏ hoe rồi ứa những giọt lệ mặn mòi xuống đôi gò má nhăn nheo, tội nghiệp. Cô Nguyễn Thị Tý, chị dâu anh Dũng ánh mắt đượm buồn: “Thương cho số phận chú ấy quá các anh ạ. Cả đời chỉ quẩn quanh trong căn phòng nhỏ, duy nhất có cái ti vi là “chiếc cầu nối” cho chú ấy được tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Cũng may, nhờ một phần bác Quang giúp đỡ tận tình chú ấy nên gia đình tôi mới đỡ cơ cực hơn”.

Ngoài “sở hữu” 8 huân chương vì có thành tích xuất sắc tham gia hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, từ khi về hưu năm 1988 đến nay, bác sĩ Trần Minh Quang đã được tặng thưởng 15 bằng khen của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc và 5 kỷ niệm chương: “Vì nghĩa vụ quốc tế”, “Vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo”, “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân”, “Vì sự nghiệp chữ thập đỏ”, “Vì sức khỏe nhân dân”.

Tiếng lành đồn xa. Việc làm nhân ái dành cho những mảnh đời khốn khó, bất hạnh của ông Quang được nhiều đồng nghiệp quý mến, vị nể. Vì vậy, sau lần hội ngộ các bác sĩ đã về hưu vào dịp Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 năm ngoái, ông đã đề xuất, chủ trì thành lập Đội bác sĩ tình nguyện của thành phố Vĩnh Yên. Đội gồm 9 bác sĩ (trong đó có 2 tiến sĩ) tự nguyện tham gia chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cộng đồng, tư vấn sức khỏe và khám bệnh miễn phí cho các gia đình chính sách, các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mô hình Đội bác sĩ tình nguyện do ông Quang làm Đội trưởng, theo Thạc sĩ Hà Đình Kính, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Phúc: “Là một mô hình rất nhân văn, được Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế về tỉnh thị sát đã đánh giá cao và khuyến cáo nhân rộng ra các địa phương khác”.

Anh Cao Đức Thắng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Vĩnh Yên cho biết thêm: “Trong 18 năm qua, trừ những ngày nghỉ và lễ Tết, tính ra bác sĩ Quang đã có gần 5000 ngày tự mình đi xe máy đến khắp các ngõ phố, đường làng trên địa bàn thành phố để hăng hái tham gia các hoạt động từ thiện cho cộng đồng. Bác Quang làm việc không biết mệt mỏi, nay đến chỗ này để tư vấn, huấn luyện kỹ thuật sơ cấp cứu, mai đi khám chữa bệnh miễn phí; khi thì tất tưởi đi cứu giúp người này, lúc lại vất vả đêm hôm, đội mưa đội gió vì sinh mạng người khác. Tuổi già không mấy ai tận tâm theo đuổi việc nghĩa được bền bỉ, tận tụy như bác sĩ Quang”.  

Vậy động cơ nào để người bác sĩ, cựu trung tá ấy lặng lẽ, âm thầm đi làm việc thiện với tấm lòng nhiệt huyết, cao cả như thế? Tôi gặng hỏi, ông Quang cười hồn hậu, bảo:

- Vì tôi là người “ham sống sợ chết” nên phải năng vận động cho cơ thể được “giải phóng sức ỳ” của tuổi già. Vả lại, việc làm của tôi có thấm tháp gì so với bao tấm lòng nhân ái trong xã hội ta mà suốt đời tôi ngưỡng mộ và nguyện tiếp bước theo chân họ.

Tôi biết, ông Quang nói "ham sống sợ chết" là nói vui. Người như ông là yêu cuộc sống, yêu con người tha thiết. Những người yêu cuộc sống, yêu con người đáng nhận được thật nhiều tình yêu thương của con người.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN HẢI