Cả khán phòng im lặng rồi vang lên những tràng pháo tay. Những ánh mắt thân thiện hướng về phía bác sĩ. Còn chúng tôi ngay lập tức phải tìm thông tin về anh, vị bác sĩ “mát tay” với những gia đình hiếm muộn - Thượng tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Ưu tú (PGS, TS) Trịnh Thế Sơn, Giám đốc Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội, Học viện Quân y.

“Trái ngọt” hạnh phúc

Ngày 27-4-2023, vợ chồng Đại úy Nguyễn Duy Thịnh, Phó trưởng Phòng Khoa học quân sự, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đưa cô con gái đáng yêu, xinh xắn gần 1 tuổi của mình đến chúc mừng Lễ kỷ niệm 55 Ngày truyền thống Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội (27-4-1968 – 27-4-2023). Bắt tay Đại úy Nguyễn Duy Thịnh, Thượng tá Trịnh Thế Sơn nở nụ cười tươi. Với anh, niềm vui của những người đồng đội sau nhiều năm chờ đợi trong vô vọng luôn là những kỷ niệm khó quên trong nghề.

Cưới nhau đã nhiều năm mà chưa có tin vui, vợ chồng nhiều lúc “cơm không lành, canh chẳng ngọt” bởi tâm lý đè nặng khi gia đình, bạn bè hỏi thăm, khi nhìn người xung quanh con bồng, con bế mà gia đình vẫn vắng tiếng trẻ thơ. Rồi qua bạn bè, vợ anh Thịnh biết thông tin về Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội và động viên chồng cùng đi khám. Ngày đầu đặt chân đến Viện, anh Thịnh không vào vì “ngại” và nghĩ mình đã không còn cơ hội. Khi trò chuyện với chị Lang Thanh Vân, vợ anh, bác sĩ Trịnh Thế Sơn đã hiểu ngay ra vấn đề. Anh đề nghị gặp riêng anh Thịnh.

Sau cuộc trò chuyện ấy, anh Thịnh đã thay đổi suy nghĩ. Trong quá trình điều trị, bác sĩ Sơn cũng như đồng nghiệp đã động viên anh Thịnh rất nhiều mỗi khi anh nản lòng. Sau quá trình quyết tâm điều trị của vợ chồng anh cùng sự hỗ trợ tận tâm của bác sĩ Trịnh Thế Sơn và đồng nghiệp, cô công chúa nhỏ đã đến với gia đình anh Thịnh như một câu chuyện cổ tích ngọt ngào. Để tất cả mọi người cùng vỡ òa trong niềm hạnh phúc khôn tả.

 

 

Bác sĩ Trịnh Thế Sơn luôn tâm huyết với công tác điều trị vô sinh hiếm muộn.

Còn câu chuyện của gia đình anh Nguyễn Mạnh Cường (Thanh Trì, Hà Nội) cũng là một “kỳ tích” khác trong điều trị hiếm muộn mà đến bây giờ kể lại với chúng tôi, anh vẫn cho đó là một “giấc mơ diệu kỳ”. Là một nhân viên ngành y tế, anh Nguyễn Mạnh Cường biết mình mắc hội chứng Klinerfelter 47, XXY thừa nhiễm sắc thể X khiến nam giới không có tinh trùng và khiến cơ hội có con của anh là hoàn toàn không thể.

Tháng 9-2020, anh đến gặp bác sĩ Trịnh Thế Sơn với tâm lý của một người đã mất hết hy vọng. Sau quá trình thăm khám, tiến hành các xét nghiệm, bác sĩ Sơn nói với anh rằng, hy vọng có con của anh hoàn toàn có thể làm được. Sau quá trình điều trị, “quả ngọt” đã đến với gia đình anh. Ngày 16-11-2021, chị Phạm Thị Lĩnh, vợ anh đã sinh hạ được hai cậu con trai khỏe mạnh, không mang bất thường của bố. “Có được niềm hạnh phúc này, gia đình chúng tôi cảm ơn Bác sĩ Sơn và Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội nhiều lắm. Khi các con lớn hơn, gia đình tôi lại nhờ bác sĩ Sơn để có các cháu tiếp theo nữa!”-anh Cường trải lòng.

Biến “không” thành “có”

Trên đây là hai trong hàng nghìn câu chuyện của các bệnh nhân hiếm muộn đã được bác sĩ Trịnh Thế Sơn trực tiếp khám, tư vấn, điều trị trong hơn 20 năm qua. Để gặp được anh thật không dễ, bởi lịch trình công việc dày đặc. Công việc của một nhà quản lý đã “ngốn” không ít thời gian của người bác sĩ ưa “di động” này. Hiện nay, ngoài công tác quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học và trực tiếp khám, điều trị cho bệnh nhân, anh còn tham gia các hội đồng khoa học, hướng dẫn nghiên cứu sinh, hỗ trợ, tư vấn tại các trường đại học y dược, các bệnh viện… Nhưng anh bảo, khám chữa, tư vấn cho bệnh nhân hiếm muộn luôn được anh đặt lên hàng đầu.

  Bác sĩ Trịnh Thế Sơn tại một hội thảo khoa học về hỗ trợ sinh sản.

Nói rồi anh thông tin, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh rất cao, riêng trong quân đội là khoảng gần 4.000 trường hợp. Mức độ nguy hiểm của căn bệnh này chỉ xếp sau ung thư và tim mạch. Vô sinh hiếm muộn là căn bệnh nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội bởi những định kiến và tâm lý đã khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh tan vỡ... Những hệ lụy của nó thôi thúc anh không ngừng nghiên cứu và học hỏi những phương pháp tiến bộ trên thế giới để mang về áp dụng tại Việt Nam.

Bác sĩ Trịnh Thế Sơn cho biết, từ năm 2001, Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội bắt đầu chính thức triển khai thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thì năm 2002, hai em bé đầu tiên chào đời. Viện là đơn vị đầu tiên trong quân đội và thứ ba trong cả nước thực hiện thành công kỹ thuật này. Đến nay, đã có hơn 10.000 em bé được ra đời bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản.

Bác sĩ Trịnh Thế Sơn (thứ ba, từ trái sang) và gia đình em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp IVF năm 2002. (Hiện nay, các em đã là sinh viên đại học). 

Sinh năm 1973 tại Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, nhưng lớn lên tại thành phố Đà Nẵng trong gia đình có bố là bộ đội Không quân là một trong những lý do để anh Trịnh Thế Sơn chọn gắn bó với nghề bác sĩ quân y. Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa Học viện Quân y năm 2001, bác sĩ Trịnh Thế Sơn là một trong 5 bác sĩ của khóa DH29 Học viện Quân y đỗ kỳ thi tuyển bác sĩ nội trú khóa 3 và được điều về Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội làm việc (khi ấy là Bộ môn Mô phôi), cũng là từng ấy thời gian anh gắn bó với công tác khám, điều trị cho bệnh nhân hiếm muộn.

Theo bác sĩ Trịnh Thế Sơn, những năm đầu tiên khi thực hiện phương pháp IVF, bệnh nhân gặp rất nhiều khó khăn trong khám và điều trị, bởi lượng bệnh nhân rất đông mà các cơ sở điều trị lại khá khiêm tốn, phải mất 1 đến 2 năm sau khi đăng ký mới được làm. Buổi ban đầu với bác sĩ Trịnh Thế Sơn cũng gặp muôn vàn khó khăn bởi đây là chuyên ngành mới, kỹ thuật khó, lại không có tài liệu trong nước mà phải tìm đọc bằng tiếng nước ngoài. Cùng với tập thể Viện, các anh vừa phát triển đội ngũ, đầu tư trang thiết bị hiện đại, vừa chuyển giao các phương pháp kỹ thuật tiên tiến để dần tiếp cận kỹ thuật này.

Khi công việc đã có những thành công ban đầu, bác sĩ Trịnh Thế Sơn lại mong muốn tìm hiểu sâu hơn về những tiến bộ trong phương pháp IVF. Vậy là từ năm 2010, anh xác định phải ra nước ngoài để học tập. Tích cực trau dồi ngoại ngữ cũng như phải nhờ đến sự giới thiệu của các mối quan hệ riêng, sau nhiều lần gửi thư, anh mới được Giáo sư Stefan Schlatt, Giám đốc Trung tâm Y học sinh sản và Nam học, Đại học Munster, Cộng hòa Liên bang Đức tiếp nhận. Những tháng ngày miệt mài học tập tại Đức đã cho anh nghiên cứu sâu về vô sinh nam. Để đến năm 2016, anh chính thức tập trung cho kỹ thuật micro TESE, khiến những người đàn ông vô tinh có thể có con một cách bình thường.

Là một trong những bác sĩ đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về phương pháp micro TESE, đến nay, PGS, TS Trịnh Thế Sơn đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được công bố quốc tế về vô sinh nói chung và vô sinh nam hay di truyền trong vô sinh nói riêng. “Hiện nay, Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội có thể tiến hành tất cả các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại nhất trên thế giới, như triển khai kỹ thuật chẩn đoán phôi trước làm tổ không xâm lấn niPGT. Đặc biệt, Viện là đơn vị đầu tiên của Việt Nam triển khai kỹ thuật micro TESE có thể thu tinh trùng từ tinh hoàn bằng vi phẫu thuật ở những bệnh nhân vô tinh. Chúng tôi đã biến “không” thành “có” là như vậy”, bác sĩ Trịnh Thế Sơn cho biết.

 “Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là phương pháp trứng được thụ tinh ở bên ngoài cơ thể. Sau khi tạo thành phôi sẽ được cấy ngược trở lại buồng tử cung của người phụ nữ để phôi làm tổ và phát triển hoàn chỉnh. Hiện nay, chúng tôi còn áp dụng các kỹ thuật xét nghiệm di truyền trước chuyển phôi để sàng lọc các bệnh di truyền như: Thalssemia, Hemophillia, teo tủy, loạn dưỡng cơ Duchen… khiến những em bé được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh”, bác sĩ Trịnh Thế Sơn cho biết.

Đến nay, Viện Mô phôi lâm sàng Quân đội đã tiến hành gần 20.000 chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm với hơn 10.000 cháu ra đời bằng phương pháp hỗ trợ sinh sản, trong đó có hơn 5.000 cháu thụ tinh trong ống nghiệm.

Tâm nguyện dành cho những quân nhân hiếm muộn

“Hiện nay, theo số liệu chúng tôi được cung cấp, có đến gần 4.000 quân nhân mắc các vấn đề liên quan đến vô sinh hiếm muộn. Đó là con số gây nhiều ám ảnh với chúng tôi”, bác sĩ Trịnh Thế Sơn cho biết. Do quan niệm từ nhiều năm nay, bệnh nhân khi đã mắc bệnh thường có tâm lý e dè, tự ti, thường không đi khám hoặc khám rất muộn, khi đã lấy nhau hàng chục năm. Theo bác sĩ Sơn, “thời gian vàng” để điều trị bệnh là rất quan trọng: “Nếu hai vợ chồng trong độ tuổi từ 20-35, có điều kiện gần gũi bình thường, không bị cách trở bởi điều kiện địa lý, không gian, thời gian thì sau một năm không có con phải nghĩ đến việc đi khám, hơn 35 tuổi là sau 6 tháng để xác định nguyên nhân cũng như tìm phương án điều trị tối ưu. Đặc biệt, ngày nay, phụ nữ thường có xu hướng lập gia đình muộn thì có thể chủ động lưu lại trứng tại các ngân hàng lưu trữ để khi có muốn có con sẽ sử dụng nguồn lưu này. Đây là điều kiện bảo đảm để lượng trứng tốt sẽ được duy trì dù họ có con ở bất kỳ thời điểm nào”.

Đó là những điều bác sĩ Trịnh Thế Sơn trăn trở. Những năm qua, anh và tập thể viện đã kết hợp cùng quân y nhiều đơn vị trong toàn quân để về cơ sở trực tiếp thăm khám cũng như tư vấn để bệnh nhân giải tỏa tâm lý, tìm ra phương thức chữa bệnh hiệu quả nhất. Anh mong muốn, các đơn vị cơ sở quan tâm đến đối tượng này hơn nữa để các anh có điều kiện đến với từng bệnh nhân, dù ở biên giới hay hải đảo, trực tiếp giúp đỡ họ.

Bác sĩ Trịnh Thế Sơn (bên trái) và học trò. Ảnh do nhân vật cung cấp.

“Với đối tượng quân nhân thường công tác xa nhà thì điều kiện thăm khám, chữa trị khá khó khăn. Đối với bệnh nhân bị vô sinh hiếm muộn, các biện pháp chữa trị thường kéo dài, có thể vài tháng, nhưng cũng có khi mất đến vài năm. Nếu cán bộ, chiến sĩ không có thời gian về thăm khám và dùng thuốc sẽ là thiệt thòi rất lớn, khả năng có con càng thu hẹp. Mặc dù Quân đội ta đã có những chính sách hết sức nhân văn hỗ trợ cho người vô sinh hiếm muộn công tác trong quân đội, tuy vậy, tôi vẫn mong muốn sẽ có một chính sách ưu tiên hơn nữa với những bệnh nhân đặc thù này để họ có được khoảng thời gian nghỉ phép nhất định trong năm để điều trị”, bác sĩ Trịnh Thế Sơn cho biết.

Anh nhắn nhủ: “Với điều trị vô sinh hiếm muộn, bệnh nhân cần nhớ nguyên tắc: Càng thăm khám sớm thì càng dễ điều trị, hiệu quả càng cao và chi phí điều trị càng thấp. Do đó, hãy gạt bỏ tâm lý e ngại, tự ti để đến với các bác sĩ sớm nhất có thể, hành trình tìm con sẽ sớm được toại nguyện!”.

PHẠM THU THỦY