Qua nghiên cứu và tổng hợp, có thể thấy những quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng về các thành phần kinh tế thể hiện trên một số nội dung sau:

Một là, phủ nhận những nguyên lý của kinh tế chính trị Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế.

Thế lực thù địch vẫn tập trung xuyên tạc về vấn đề bóc lột, giá trị thặng dư, lý luận bần cùng hóa giai cấp vô sản, phủ nhận chế độ công hữu về tư liệu sản xuất và vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; phê phán chủ trương kết hợp giữa yếu tố kinh tế thị trường với yếu tố chủ nghĩa xã hội. Vẫn với những luận điệu cũ rích đã nhiều lần bị vạch trần sự sai trái, nhưng chúng cố gắng đưa thêm một số thông tin, cóp nhặt số liệu mới để những người không am tường lầm tưởng là vấn đề mới mẻ. Cụ thể, những kẻ chống phá, xuyên tạc cho rằng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là "không đúng quy luật", "nếu cố gắn với định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ làm cho hoạt động của nó bị méo mó đi". Họ trích dẫn theo kiểu xuyên tạc, cắt ghép, chỉnh sửa những nguyên lý của kinh tế chính trị Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm cho người đọc, người nghe, người xem hiểu sai.

Ảnh minh họa: TTXVN 

 

Hai là, xuyên tạc, phủ nhận chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách kinh tế của Nhà nước ta về các thành phần kinh tế.  

Ở nội dung này, họ cho rằng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta là không có cơ sở khoa học; phê phán Đảng ta không nhất quán giữa lời nói và việc làm. Từ đó, họ đòi thay đổi, chuyển hóa nền kinh tế ở Việt Nam, xuyên tạc, phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước; lợi dụng chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần để thúc đẩy tư nhân hóa nền kinh tế nước ta. Họ cho rằng, thừa nhận kinh tế thị trường và cho phép nó tồn tại cũng có nghĩa là chúng ta cho phép sự tư hữu, nghĩa là cho phép chủ nghĩa tư bản hằng ngày, hằng giờ nảy sinh trong lòng đất nước xã hội chủ nghĩa. Gần đây, trên một số website nước ngoài bằng tiếng Việt có nhiều bài viết suy diễn, xuyên tạc một cách trắng trợn bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về kinh tế tư nhân. Từ đây, họ cho rằng quan điểm ủng hộ phát triển kinh tế tư nhân của Đảng Cộng sản Việt Nam thời gian gần đây đang làm giảm nhẹ yếu tố chủ nghĩa xã hội, tăng yếu tố chủ nghĩa dân tộc. Và từ đó, họ kết luận phiến diện rằng Việt Nam chỉ còn là một nước xã hội chủ nghĩa trên danh nghĩa.

Ba là, xuyên tạc về chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam.  

Họ cho rằng, trong cấu thành của GDP Việt Nam có tới gần 30% phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài, vốn mang hầu hết lợi nhuận trở lại nước ngoài, tuy nhiên, doanh nghiệp nước ngoài (hay nói rộng ra là dòng chảy tư bản toàn cầu) đang gặp vấn đề, phản ánh bế tắc lớn của Việt Nam trong việc tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, Đảng ta luôn khẳng định hội nhập kinh tế là xu thế của thời đại, để tận dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế, nhưng đồng thời, Việt Nam luôn đề cao tính tự chủ, tự lực, tự cường. Ngày 8-4-2025, tại lễ công bố Bộ chỉ số về thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA Index) của các địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Việt Nam xác định hội nhập kinh tế quốc tế để bắt kịp, tiến cùng và vượt lên, trong đó phải duy trì độc lập, tự chủ, không ỷ lại, không phụ thuộc quá nhiều vào bất cứ đối tác nào. Và thực tế những năm qua, nước ta đã ký 17 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 đối tác cho thấy rõ điều đó.

Để đấu tranh, phản bác có hiệu quả quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng về các thành phần kinh tế, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về các thành phần kinh tế trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng.

Các ngành, các cấp từ Trung ương tới địa phương, nhất là các cơ quan chức năng chuyên môn, chuyên trách cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thường xuyên thông tin, cung cấp nguồn thông tin chính thống đến toàn thể nhân dân trên các kênh truyền thanh, truyền hình, internet.

Tập trung tuyên truyền về bản chất, đặc trưng của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; khẳng định Việt Nam lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là đúng, phù hợp với thực tiễn, trên cơ sở quán triệt lý luận Mác-Lênin, nắm bắt đúng quy luật khách quan và vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là kinh tế thị trường tự do theo kiểu tư bản chủ nghĩa, nhưng cũng chưa hoàn toàn là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự tiếp thu có chọn lọc thành tựu của văn minh nhân loại, phát huy vai trò tích cực của kinh tế thị trường trong thúc đẩy phát triển sức sản xuất, xã hội hóa lao động, cải tiến kỹ thuật, phát triển khoa học-công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra nhiều của cải. Mục đích của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là giải phóng lực lượng sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Đây là quá trình tổ chức, sắp xếp lại khu vực kinh tế nhà nước, hệ thống doanh nghiệp nhà nước; khu vực kinh tế tập thể mà chủ yếu là hệ thống hợp tác xã; phát triển kinh tế tư nhân, tạo điều kiện và cơ hội tốt nhất cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực để phát triển. Chuyển đổi vai trò của Nhà nước và thị trường đối với phát triển nền kinh tế ngày càng phù hợp hơn với điều kiện của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.

Hai là, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động đối với cách mạng Việt Nam nói chung và về vấn đề các thành phần kinh tế trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng nói riêng.

Cảnh giác với những thủ đoạn tổ chức livestream dưới dạng hội thảo, tọa đàm với thành phần tham gia được gắn mác chuyên gia, luật sư, giáo sư, tiến sĩ... nhằm mục đích bôi đen, xuyên tạc nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đặc biệt cần cảnh giác việc những kẻ xấu sử dụng công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI) để sao chép, cắt ghép làm cho thật-giả, trắng-đen lẫn lộn; lồng ghép những thông tin giả, bịa đặt, vu khống được núp bóng dưới dạng góp ý, kiến nghị tâm huyết và được đăng tải, chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, YouTube, TikTok...

Ba là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng về các thành phần kinh tế.

Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, trong đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt với những giải pháp, biện pháp nhằm đấu tranh, phản bác có hiệu quả những hoạt động chống phá, xuyên tạc dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng, nhất là về các thành phần kinh tế. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng và toàn dân, không tạo khoảng trống cho các thế lực thù địch, phản động lợi dụng xuyên tạc, kích động, chống phá gây bất ổn trong xã hội.

Bốn là, thường xuyên nghiên cứu, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp đấu tranh, chú trọng sử dụng giải pháp công nghệ.

Để đấu tranh, phản bác có hiệu quả quan điểm sai trái, thù địch cần kết hợp chặt chẽ, đồng bộ các biện pháp, giải pháp, chú trọng giải pháp công nghệ. Kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, lấy xây là chính; vừa làm vừa nghiên cứu rút kinh nghiệm, nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo. Kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục-đào tạo, nghiên cứu khoa học và đấu tranh; kết hợp giữa các hình thức hội thảo, tọa đàm khoa học, văn hóa, văn nghệ và các phong trào thi đua, cuộc vận động lớn của Trung ương, địa phương, các cơ quan, bộ, ngành, đơn vị trong cả nước.

Năm là, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Chúng ta càng thành công trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước và bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phồn vinh, thịnh vượng, phát triển thì các thế lực thù địch, phản động lại càng điên cuồng chống phá cách mạng Việt Nam, xuyên tạc chủ trương, đường lối phát triển kinh tế đất nước và các thành phần kinh tế ở nước ta. Tuy nhiên, chính những thành tựu đạt được trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước thời gian qua đã đem lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác, nhân dân; là minh chứng thuyết phục để phản bác quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng về các thành phần kinh tế nói riêng và quan điểm, chủ trương, đường lối phát triển kinh tế nói chung.

Thiếu tướng, PGS, TS HOÀNG VĂN PHAI, Phó giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng xem các tin, bài liên quan.