Âm mưu thâm độc của “chủ nghĩa đế quốc văn hóa”
Trong sự biến đổi và phát triển ở cấp độ toàn cầu, chủ nghĩa tư bản đã sử dụng văn hóa như công cụ, phương tiện và vũ khí giúp quốc gia thống trị mở rộng quyền lực và ảnh hưởng đối với quốc gia “thuộc địa kiểu mới”. Văn hóa được xem là một trong 5 mặt trận then chốt (cùng với kinh tế, chính trị, quân sự và truyền thông) định hình bức tranh tổng thể của chủ nghĩa đế quốc toàn cầu. Trong bối cảnh hiện nay, chủ nghĩa đế quốc dai dẳng thực hiện âm mưu “xâm lăng văn hoá”, đồng hoá văn hóa bản địa, nhằm làm thất bại ý chí của quốc gia-dân tộc yếu thế, quốc gia-dân tộc không đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa.
 |
Minh họa: PHẠM HÀ |
"Chủ nghĩa đế quốc văn hóa" thường sử dụng sức mạnh của cải, quyền lực truyền thông và bạo lực để thực hiện bá quyền văn hóa, “xâm lăng văn hóa”, tạo điều kiện thuận lợi cho âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ các quốc gia khác, hướng tới “chiến thắng không có chiến tranh” và mưu đồ hoàn thành chiến lược “bá chủ toàn cầu” của chủ nghĩa tư bản.
Đặc trưng của "chủ nghĩa đế quốc văn hóa" là việc các nước đế quốc xuất khẩu văn hóa và các mô hình tư bản, bao gồm cả kinh tế, chính trị và giáo dục sang các nước đang phát triển, biến những nước này trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm văn hóa ngoại lai của tư bản. Các luồng văn hoá ngoại lai này không ngừng mở rộng, thâm nhập sâu vào đời sống xã hội, dần thay thế các giá trị và tư tưởng văn hóa bản địa, từ đó gây ảnh hưởng và định hình các giá trị, tư tưởng văn hóa tại các nước đang phát triển. Mục tiêu cuối cùng của "chủ nghĩa đế quốc văn hóa" là quyền thống trị tư tưởng và độc quyền văn hóa toàn cầu.
Mũi nhọn của “chủ nghĩa đế quốc văn hóa” đối với Việt Nam
Sau gần 40 năm đổi mới và hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập quốc tế và bối cảnh thời đại toàn cầu hóa, Việt Nam phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức không nhỏ, nhất là chiến lược “diễn biến hòa bình” của các lực lượng thù địch, phản động không ngừng chống phá sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Nhận thấy khó có thể khuất phục niềm tin và ý chí của người dân Việt Nam trên mặt trận chính trị, kinh tế, quân sự, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch nham hiểm sử dụng mặt trận văn hóa, với các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, luôn che đậy, thay đổi hình thức truyền bá văn hóa ngoại lai, âm thầm tác động, gây ảnh hưởng, thâm nhập và từng bước thay đổi suy nghĩ, tình cảm, tư tưởng của một bộ phận người dân Việt Nam, nhất là giới trẻ.
Đến nay, "chủ nghĩa đế quốc văn hóa" kết hợp chặt chẽ với "chủ nghĩa đế quốc truyền thông" từng bước tiếp cận, xâm nhập tinh vi vào xã hội Việt Nam, tạo ra sự ảnh hưởng rõ nét đối với văn hóa bản địa. Mặc dù, dân tộc Việt Nam có truyền thống văn hóa lâu đời, có sức đề kháng cao trước âm mưu “đồng hóa” văn hóa, nhân dân ta có tinh thần cảnh giác, tự vệ, tự cường, nhưng ở mức độ nhóm cộng đồng/nhóm xã hội, văn hóa ngoại lai của chủ nghĩa đế quốc đã tác động đáng kể vào đời sống xã hội, gây ra những thay đổi và hệ lụy không nhỏ đối với văn hóa truyền thống của người Việt.
Trong khi đó, nhiều phương tiện truyền thông đại chúng của phương Tây ra sức tuyên truyền, phóng đại về giá trị văn hóa phương Tây, thông qua những mỹ từ “tự do, dân chủ”, hay được đóng gói trong những miếng bánh “nhân quyền”, “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí” mang tính áp đặt, thiên vị và không phù hợp với đặc điểm truyền thống, lịch sử, văn hóa và thể chế chính trị ở Việt Nam. Họ muốn biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ sản phẩm văn hóa, phổ biến rộng rãi hệ tư tưởng tư bản chủ nghĩa, tiêm nhiễm lối sống tiêu dùng, cá nhân, thực dụng; đồng thời gieo rắc văn hóa độc hại, làm cho văn hóa Việt Nam trở nên lai căng, mất bản sắc và dần trở thành “thuộc địa văn hóa”.
Tăng cường sức mạnh nội sinh để phòng, chống “xâm lăng văn hóa”
Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Bảo vệ giá trị văn hóa cũng là cách bảo vệ nền tảng tư tưởng, tinh thần cho xã hội, giúp giữ gìn chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên mặt trận văn hóa.
Để đấu tranh phòng, chống “chủ nghĩa đế quốc văn hóa”, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch, trước hết, chúng ta cần thấm nhuần chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về bảo vệ, xây dựng và phát triển văn hóa, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư ngày 17-4-2009 về tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27-7-2010 của Ban Bí thư về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.
Trong xu thế hội nhập quốc tế, chúng ta cần đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, biến sản phẩm văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc thành sản phẩm đặc sắc phục vụ du lịch, thương mại và dịch vụ, mang lại nguồn lực cho công cuộc phát triển đất nước, làm cho văn hóa thực sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước.
Hiện nay, công nghiệp văn hóa được xem là lĩnh vực công nghiệp đặc trưng của thế kỷ 21, là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Phát triển công nghiệp văn hóa đã trở thành xu thế quan trọng trong chính sách văn hóa của nhiều quốc gia, nhằm bảo vệ các giá trị văn hóa trong nước, chống lại sự “xâm lăng văn hóa” ngoại lai, đồng thời là vũ khí gia tăng “sức mạnh mềm” của quốc gia. Phát triển công nghiệp văn hóa và phát huy, lan tỏa hệ giá trị văn hóa Việt Nam là yêu cầu cấp thiết hiện nay, là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành văn hóa.
Cùng với đó, chúng ta cần chủ động, tích cực nhận diện, đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Một mặt, cần sử dụng báo chí cách mạng là lực lượng tiên phong, mũi nhọn trong phản bác, đấu tranh phòng, chống “xâm lăng văn hóa”; chủ động tiến công vào các luồng thông tin xấu độc đối với văn hoá truyền thống và văn hóa cách mạng Việt Nam; mặt khác, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, tăng cường giám sát, phản biện xã hội, tranh thủ sự đồng tình của dư luận nhằm phê phán thói sùng ngoại, lai căng, dị hợm của một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ.
Giải pháp căn cơ là thường xuyên giáo dục, bồi đắp, khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết cộng đồng, ý chí tự cường, tự hào dân tộc cho mỗi người dân và cộng đồng các dân tộc Việt Nam; tăng cường thực hiện hiệu quả nhiệm vụ gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử văn hóa; bảo tồn, phát huy và lan toả các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc ra thế giới; tích cực bồi dưỡng, giáo dục về niềm tin, niềm tự hào, tự tôn về bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo xây dựng môi trường văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân và thế hệ trẻ.
Tiến sĩ NGUYỄN MINH TUẤN (Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng xem các tin, bài liên quan.