Biến sỏi đá thành cơm gạo
“10 bao phân, 5 cuốc, 5 xẻng...”, Trung tá Vi Tiến Nghiệp, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô (BĐBP tỉnh Quảng Ninh) kiểm tra lại vật chất bảo đảm lần cuối trước khi cùng đoàn công tác của đơn vị đến thăm, kiểm tra vườn cây kiểu mẫu-mô hình dân vận khéo, được triển khai ở thôn Nà Choòng, xã Hoành Mô (Bình Liêu, Quảng Ninh). “Thời tiết này nắng nóng và mưa nhiều, chúng tôi phải trực tiếp vừa kiểm tra, vừa giúp người dân chăm sóc “vườn cây kiểu mẫu”, anh Nghiệp cho biết.
Chiếc xe bán tải chầm chậm lăn bánh hướng về Nà Choòng-một trong những thôn rất khó khăn của xã Hoành Mô. Trước kia đồng bào trồng lúa nước một vụ, nhưng vì đất cằn cỗi, thiếu nguồn nước nên rất khó canh tác và năng suất, sản lượng lúa thường rất thấp. Chính vì vậy mà người dân bỏ ruộng, nương đi làm thuê kiếm sống. Cộng thêm, sau một ngày lao động vất vả, người dân lại say sưa bên mâm rượu nên ruộng nương dần bị hoang hóa. “Nhìn những thửa đất cỏ mọc um tùm mà thấy xót xa nên đơn vị tham mưu, phối hợp với chính quyền xây dựng, triển khai thực hiện đề án “Vườn cây kiểu mẫu” để “biến sỏi đá thành cơm gạo”, giúp đồng bào cải thiện cuộc sống. Chúng tôi chọn hộ có điều kiện khó khăn nhưng phải đáp ứng điều kiện để trồng trọt và có sức lao động để chăm sóc vườn. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng thành công mô hình”, Trung tá Vi Tiến Nghiệp nhớ lại.
    |
 |
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh giúp dân xây dựng mô hình "Vườn cây kiểu mẫu".
|
Trên cơ sở đề án, đơn vị tiến hành khảo sát kỹ tại Nà Choòng để chọn lựa đối tượng, rồi tuyên truyền, vận động hộ gia đình ông Tăng Văn Sình và Chìu A Nhì (sở hữu hai thửa đất đồi giáp nhau với diện tích hơn 7.000m2) để triển khai thực hiện. Đồng thời, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Liêu nghiên cứu thổ nhưỡng, chọn giống cây trồng. Sau khi nghiên cứu kỹ, tháng 3-2021, đơn vị cùng các lực lượng địa phương và hai gia đình tổ chức cải tạo lại vườn đồi hoang hóa, trồng hơn 100 cây bưởi da xanh, 100 cây cam vỏ mỏng, 100 cây bơ sáp, 100 cây mít... Từ đó đến nay, tuần nào đơn vị cũng cắt cử cán bộ đến kiểm tra nắm tình hình và cùng gia đình bón phân, phun thuốc trừ sâu bệnh... Tổng kinh phí Đồn xây dựng mô hình đến nay là hơn 200 triệu đồng. Sau hơn hai năm chăm sóc "vườn cây kiểu mẫu", đất không phụ công người khi cho những kết quả bước đầu với nhiều triển vọng.
Giữa nắng nóng vùng biên, những cánh tay vững chắc của cán bộ, chiến sĩ BĐBP xới mềm đất và cẩn trọng bón phân cho từng gốc cây. Những bộ quân phục đẫm mồ hôi là hình ảnh đẹp in đậm trong tâm trí người dân trên tuyến biên giới Đông Bắc. Đây vừa là biểu hiện về lòng nhiệt huyết, trách nhiệm vì dân của BĐBP, đồng thời là phương thức bộ đội hướng dẫn nhân dân cách làm ăn mới, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo. Bằng cách làm ấy, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả đã có sức sống vững bền như: “Trồng lúa nước” ở xã Quảng Đức (Hải Hà); “Trồng tre bát độ lấy măng” ở thôn Lục Phủ và “Trồng mía tím” ở thôn Phình Hồ, xã Bắc Sơn (Móng Cái); “Trồng tre gai bảo vệ bờ sông biên giới” tại các bản Mốc 13, 14 ở xã Quảng Đức (Hải Hà), thôn Thán Phún, xã Hải Sơn và thôn Phình Hồ, xã Bắc Sơn (Móng Cái); “Trồng rừng ngập mặn” ở khu vực 2 phường: Hải Hòa, Trà Cổ (Móng Cái)...
Việc khó, có Bộ đội Biên phòng
“Nhiều năm trước, gia đình tôi thường xuyên không đủ ăn, phải trông chờ vào sự hỗ trợ của chính quyền. Biết được hoàn cảnh trên, BĐBP đã hỗ trợ bò, lợn giống; giúp đỡ và hướng dẫn cách trồng rau, nuôi gà..., rồi lại vận động hỗ trợ xây tặng nhà "Mái ấm biên cương". Nhờ thế, kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Đến nay, gia đình tôi đã mua được xe máy, ti vi, không còn thiếu đói nữa”, anh Chừ Dẩu Thìn, người dân thôn Nà Sa, xã Hoành Mô (Bình Liêu) tâm sự.
Đến hộ gia đình anh Tằng Dếnh Mềnh, bản Mốc 13, xã Quảng Đức (Hải Hà), nhìn đàn bò gần chục con béo múp, ít ai nghĩ gia đình anh Mềnh đã từng là hộ nghèo (năm 2005). Nhắc lại chuyện xưa, anh Mềnh kể: "Ngày trước, vợ chồng tôi phải làm thuê vất vả mà không đủ ăn. BĐBP ngoài hỗ trợ 2 con bò (1 đực, 1 cái) lại còn thường xuyên đến giúp đỡ, hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi, phòng dịch... Nhờ vậy, năm 2017, gia đình tôi thoát nghèo bền vững và từng bước khấm khá".
Với khẩu hiệu “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” và “Giúp đồng bào cũng chính là giúp mình”, thực hiện tốt phương châm “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc), cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Quảng Ninh thực sự là lực lượng xung kích và nòng cốt trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo ở vùng cửa ngõ biên cương Đông Bắc của Tổ quốc. Nổi bật là Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp xây dựng thành công nhiều mô hình dân vận hiệu quả, như: “BĐBP tỉnh Quảng Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới”, “BĐBP chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “Con nuôi đồn biên phòng”, “Nâng bước em tới trường”, “Trồng tre bảo vệ biên giới”, “Tặng cờ, ảnh Bác Hồ cho nhân dân khu vực biên giới, biển đảo”...
Với phương cách triển khai bài bản, trách nhiệm "đầu, cuối", nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả tốt và góp phần tô thắm hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ mang quân hàm xanh. Điển hình như: Trong chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng", BĐBP tỉnh Quảng Ninh đang nhận đỡ đầu 87 cháu (16 cháu đã hoàn thành chương trình lớp 12), trong đó: "Nâng bước em tới trường" 70 cháu; "Con nuôi đồn Biên phòng" 17 cháu, mức hỗ trợ mỗi cháu là 500.000 đồng/tháng. Tính từ tháng 3-2016 đến tháng 5-2022, BĐBP tỉnh đã hỗ trợ các cháu tổng số tiền gần 2,8 tỷ đồng. Chương trình “Chung tay vì cộng đồng”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới” và hỗ trợ xi măng giúp hộ nghèo biên giới, tổng số đã trao 7 đợt với 1.369 con bò và 2.000 tấn xi măng; vận động, giúp đỡ 17 hộ gia đình di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa khu nhà ở với tổng số tiền hỗ trợ hơn 600 triệu đồng...
Theo đồng chí Nguyễn Hữu Liêm, Phó chủ tịch UBND huyện Hải Hà, thời gian qua, BĐBP tỉnh đã tích cực, chủ động phối hợp với các ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia thực hiện hiệu quả các phong trào, cuộc vận động, chương trình, mô hình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn khu vực biên giới; góp phần quan trọng để huyện nhà có 10/10 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; năm 2020, huyện được công nhận là huyện nông thôn mới.
Từ năm 2011 đến nay, BĐBP tỉnh Quảng Ninh trực tiếp thực hiện và phối hợp với các cấp, ngành, địa phương tham gia xây dựng, sửa chữa 6 phòng học, 151 ngôi nhà “Đại đoàn kết”, 15 ngôi nhà trong Chương trình "Xây tặng nhà cho hộ nghèo nơi biên giới", “Xây tặng nhà cho gia đình chính sách", 60 nhà “Mái ấm biên cương”, với tổng trị giá khoảng 7,4 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị tham gia gần 4.000 ngày công lao động, góp phần giảm giá thành, nâng chất lượng các công trình dân sinh trên địa bàn. |
(còn nữa)
Bài và ảnh: VIỆT HÀ - ANH MINH - DUY ĐÔNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.