Trên con đường mềm mại đưa chúng tôi đến với thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh), Thiếu tá Trần Đại Dương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pò Hèn (BĐBP tỉnh Quảng Ninh) vui vẻ giới thiệu: “Pò Hèn khác xưa lắm rồi. Các anh sẽ cảm nhận sự đổi thay của Pò Hèn ngay khi đến đó. Có được sự đổi thay này là nhờ BĐBP đã khéo kết nối ý Đảng với lòng dân".

Xóa bỏ hủ tục, dựng xây cuộc sống mới

Thôn Pò Hèn là địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao so với các khu vực khác trong tỉnh. Lần đầu tiên đến Pò Hèn cách đây hơn chục năm, chúng tôi phải đi trên con đường cấp phối đầy rẫy ổ voi, ổ gà khiến chiếc xe UAZ gầm lên, khó nhọc lăn bánh về xóm người Dao (họ Đặng). Đồng bào lúc đó vẫn giữ thói quen nuôi gia súc, gia cầm trong khuôn viên nhà ở, gây mất vệ sinh, ảnh hưởng đến môi trường sống.

leftcenterrightdel

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về biển, đảo cho ngư dân. Ảnh: VIỆT ANH

Lần này trở lại, Pò Hèn khởi sắc hơn rất nhiều. Những con đường nhếch nhác bụi bẩn đã được bê tông hóa sạch, đẹp mềm như dải lụa. Xóm người Dao giờ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách thập phương. Theo lời anh Dương, để giúp người Dao xóa đói, giảm nghèo, năm 2016, TP Móng Cái triển khai thực hiện Đề án đưa Hải Sơn thành điểm du lịch cộng đồng. Ban đầu, đề án đi vào "ngõ cụt" vì khó có thể thay đổi thói quen sống bao năm của người Dao. Vậy là hằng ngày, cán bộ, đảng viên biên phòng vừa trực tiếp tham gia các chiến dịch vận động, tuyên truyền cho đồng bào, vừa cắt cử lực lượng giúp các hộ gia đình xây chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm, làm đường nội bộ, dọn dẹp vệ sinh và hỗ trợ trồng trọt, chăn nuôi... Thấy cửa nhà, đường sá sạch đẹp, lại có thêm nguồn thu từ làm du lịch cộng đồng, "cái bụng" của đồng bào ưng lắm nên chung tay thực hiện nếp sống văn hóa mới.

Trong sự phát triển đi lên của Pò Hèn nói riêng và các bản làng vùng cửa ngõ biên cương Đông Bắc nói chung chứa đựng những câu chuyện rất dài, thấm đẫm nhiệt huyết, mồ hôi, công sức của cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Quảng Ninh. Ví như ở Pò Hèn, có hộ dân kiên quyết không di dời chuồng trại ra khỏi khu vực gần nhà, dù rằng được hỗ trợ 100% kinh phí. Sau nhiều lần dày công tìm hiểu, cuối cùng BĐBP mới biết nguyên nhân là trước đó từng có một cán bộ địa phương lỡ miệng phê bình gia đình: “Ở thế này bẩn lắm!”. Chủ hộ tự ái, nên nhất quyết không thực hiện. Biết được điều đó, lực lượng biên phòng chủ động cắt cử nhiều lượt cán bộ thường xuyên đến với hộ dân để trò chuyện, vận động. Sau nhiều lần nhỏ to tâm tình, chủ hộ đã “nguội dần” và đồng ý di dời chuồng trại.

Hay trong thực hiện xây dựng nông thôn mới ở xã Hoành Mô (Bình Liêu), lúc vận động nhân dân xây nhà tiêu hợp vệ sinh, có gia đình ông thầy người Dao không ủng hộ. Nắm được tình hình trên, khi đến vận động, Đảng ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô phải nghiên cứu chọn ngày đẹp; tổ chức lực lượng và bảo đảm vật chất, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh. Sau khi “trà dư tửu hậu”, ông thầy người Dao đã ưng cái bụng và nói với cán bộ đồn tổ chức làm nhà tiêu hợp vệ sinh ngay trong ngày...

Đồng chí Đỗ Văn Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Móng Cái, cho biết: “Thời gian qua, cán bộ, đảng viên BĐBP đã có nhiều đóng góp hết sức quan trọng trong vận động, tuyên truyền, góp phần xóa bỏ tư duy, nếp sống cũ, xây dựng cuộc sống mới cho bà con nhân dân”.

Củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở

Gần 12 giờ nhưng phương tiện, máy móc thi công công trình trên tuyến đường chính của thôn Nà Sa, xã Hoành Mô vẫn hối hả làm việc. Gạt những giọt mồ hôi thấm đẫm, đồng chí Bùi Xuân Chiều, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nà Sa phấn khởi nói: “Có con đường to đẹp này, Nà Sa sẽ tiến nhanh hơn đến cái đích của sự ấm no, hạnh phúc. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương rất biết ơn BĐBP”.

Nhiều năm trước, Nà Sa là một trong những thôn đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo trong thôn chiếm khoảng 50% (năm 2014). Trước tình hình đó, Đảng ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và cấp ủy, chỉ huy cấp trên đưa đảng viên biên phòng về sinh hoạt tại Chi bộ thôn Nà Sa nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo cho tổ chức cơ sở đảng; triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo.

Tương tự như Nà Sa, những năm về trước, hầu hết các thôn, bản, xã, phường ở Quảng Ninh, nhất là khu vực biên giới đều gặp nhiều khó khăn về chất lượng cơ sở hạ tầng; hệ thống chính trị còn rất mỏng, chưa thể phát huy đúng, đủ chức năng, nhiệm vụ. Từ năm 2000 trở về trước, nội dung và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị có nhiều điểm bất hợp lý; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 70%; trình độ dân trí thấp, nhiều hủ tục chưa được xóa bỏ; dọc tuyến biên giới chưa hình thành các cụm dân cư tập trung...

Do đó, Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh làm nòng cốt cho công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới. Đặc biệt, Tỉnh ủy Quảng Ninh chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương và Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh tăng cường cán bộ cho các xã, phường, thị trấn biên giới, biển đảo, làm nòng cốt tham gia phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng, củng cố cơ sở chính trị.

Thực hiện chủ trương đó, cấp ủy, chỉ huy các đồn biên phòng phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn biên giới thống nhất nội dung, phương pháp tổ chức thực hiện. Đồng thời chú trọng hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, các thôn, khu, bản phối hợp rà soát, nắm chắc tình hình địa bàn dân cư và đặc thù địa phương, tính chất nhiệm vụ...; phối hợp lựa chọn cán bộ, đảng viên BĐBP có năng lực, sở trường phù hợp, phân công về tham gia sinh hoạt ở tổ chức cơ sở đảng một cách phù hợp, hiệu quả. 

Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, các đảng viên biên phòng đã tích cực tham gia xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, nhất là ở các thôn, bản giáp biên giới; cùng cấp ủy địa phương tham gia phát hiện, đề xuất tạo nguồn, phát triển đảng viên mới ở những thôn, bản chưa có hoặc có ít đảng viên và chưa có tổ chức đảng. Đồng chí Tằng Dảo Ngần, Bí thư Chi bộ thôn Nà Choòng (Hoành Mô) chia sẻ: “Từ khi có đảng viên BĐBP về sinh hoạt, hoạt động của chi bộ đi vào nền nếp, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu được nâng lên rõ rệt”.

Những năm qua, Tỉnh ủy Quảng Ninh chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương và Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh tăng cường cán bộ cho các xã, phường, thị trấn biên giới, biển đảo, làm nòng cốt tham gia phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng, củng cố cơ sở chính trị. Đội ngũ cán bộ, đảng viên tăng cường đã làm tốt công tác tham mưu, phối hợp với các cấp chính quyền thực hiện tốt phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Hiện nay, toàn tỉnh đã triển khai 44 tổ tự quản với gần 680 thành viên, quản lý 112 cột mốc và các bến cảng; 393 tổ an ninh trật tự thôn, bản, khu; 46 tổ tàu thuyền an toàn-đoàn kết... 

 (còn nữa)

VIỆT HÀ - ANH MINH - DUY ĐÔNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.