Chuyến đi Tây Ninh tham gia công tác tình nguyện của tôi lần này là chăm sóc 16 em nhỏ mồ côi cha mẹ bị nhiễm Covid-19.

Trước khi xuống đây, có người hỏi rằng tôi không sợ Covid-19 ư? Vừa chăm sóc F0 ở Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh), giờ lại xuống Tây Ninh, còn công việc thì sao? Tôi chỉ mỉm cười, tự nhủ, ai cũng mong mình an toàn, giàu có, sung sướng cả... Nhưng lúc này, bao nhiêu em nhỏ mồ côi đang cần được giúp đỡ. Nếu không đi chuyến này, tôi sẽ day dứt lắm, tôi không cảm thấy bình yên mỗi sáng thức dậy.

Tôi nhớ về thời gian mình bị nhiễm Covid-19, được theo dõi, điều trị tại khu cách ly vào những ngày tháng 8 vừa rồi. Ngày nào tôi cũng được các bác sĩ của Bệnh viên Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh gọi điện hỏi thăm sức khỏe, hướng dẫn dùng thuốc đủ liều lượng và các bài tập thở; được những người chưa hề quen biết quan tâm, giúp đỡ...

Đó là những lúc tôi cảm nhận rõ nhất, trong lúc nguy nan, nếu được bàn tay ai đó đưa ra giúp đỡ, tình cảm đó quý giá biết nhường nào.

 Nguyễn Đắc Quý và các em nhỏ trong khu cách ly.

Tôi nhớ về khoảng 40 ngày (từ ngày 5-9 tới 17-10) tham gia chăm sóc, hỗ trợ các bệnh nhân điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn. Mỗi ngày khoác trên người bộ đồ bảo hộ từ 8 tới 10 tiếng đồng hồ, rất nóng và vướng víu, tôi mới hiểu phần nào sự vất vả của đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế. Tham gia trực ca đêm cùng các y, bác sĩ, tôi mới thấu hiểu được thế nào là đêm dài. Tôi biết được sự bình yên của người dân trong cơn đại dịch được đổi bằng bao nhiêu khổ cực, hy sinh thầm lặng của những người trên tuyến đầu.

Trong những ngày làm tình nguyện viên ở Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, tôi cũng chứng kiến biết bao chuyện vui buồn, để nhận ra rằng, hãy sống sao cho tử tế, yêu thương nhau khi còn có thể bởi cuộc sống thật vô thường...

Tôi nhớ ngày 11-10, khi bác sĩ thấy tình trạng của một bệnh nhân đã quá yếu, liền thông báo với người nhà vào bệnh viện để gặp lần cuối và làm các thủ tục. Nhưng, cả gia đình người bệnh đang đi cách ly tập trung, phải một tuần nữa mới được về.

Và bệnh nhân ấy đã không thể cầm cự để chờ đợi thêm được. Cô mất vào buổi sáng, đúng thời điểm người con trai được ra khỏi khu cách ly. Anh tới ngay bệnh viện nhưng không còn kịp. Anh ngồi bệt xuống sảnh khu cấp cứu và khóc, nhìn theo xe đưa thi thể mẹ khuất dần...

Ngày 4-11, qua thông tin của người bạn, tôi biết về 16 em bé ở mái ấm Mây Ngàn (xã Cẩm Giàng, huyện Gò Dầu) đang phải đi cách ly tập trung tại Trường Tiểu học Bến Đình, huyện Gò Dầu. Các em đang rất cần người chăm sóc, động viên tinh thần. Tôi đã tới Tây Ninh.

Ngày đầu vừa xuống đây, nhìn những đứa trẻ gương mặt ngơ ngác ngồi chờ xét nghiệm, ánh mắt hoảng hốt khi nghe tiếng xe cấp cứu mà tôi rưng rưng nước mắt. Từ nhỏ, chúng chưa từng được cảm nhận tình mẫu tử thiêng liêng, chưa được ấp ôm hơi ấm gia đình trọn vẹn.

Những đứa trẻ ở đây lớn lên bằng vòng tay của những người xa lạ nhưng giàu lòng nhân ái. Tôi biết được hơn bao giờ hết, lúc này, những đứa trẻ cần người dỗ dành, yêu thương, che chở.

Ngày ngày công việc của tôi là theo dõi sức khỏe, hướng dẫn các bé uống thuốc; dọn dẹp vệ sinh và dành thời gian vui chơi, trò chuyện cùng các em. Các em rất ngoan, biết nghe lời.

Ngày 14-11, nhờ sự giúp đỡ của người thân và bạn bè, tại khu cách ly, tôi cùng một chị tình nguyện viên tổ chức sinh nhật cho các em. Nhìn thấy bánh kem, cơm gà, nước ngọt... các em hân hoan, reo hò.

Chúng còn bảo, tụi con cứ tưởng cách ly sẽ buồn lắm, nào ngờ còn được tổ chức sinh nhật với nhau. Cũng có những đứa trẻ, khi nhận được món quà là chiếc đồng hồ đồ chơi đeo tay, đến khi ngủ say vẫn còn ôm chặt trong lòng. Nhìn ánh mắt, nụ cười của nhiều đứa trẻ lần đầu biết tới sinh nhật, tôi hạnh phúc biết nhường nào. Giây phút ấy đã cho tôi hiểu rằng, cho đi là hạnh phúc.

NGUYỄN ĐẮC QUÝ (Tân Phước, phường 6, quận 10, TP Hồ Chí Minh)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài viết cộng tác với Chuyên mục "Covid-19 - Nhật ký đối mặt" xin gửi về địa chỉ email: kinhte@qdnd.vn và dientu@qdnd.vn.