Đến TP Hồ Chí Minh, tôi cùng hai đồng đội (một bác sĩ và một học viên) làm nhiệm vụ tại trạm y tế lưu động ở phường 7, quận Gò Vấp. Chúng tôi khám, điều trị bệnh nhân Covid-19 (F0) và các bệnh thông thường tại nhà. Thời điểm ấy, phường 7 là "vùng đỏ" với dân số khoảng 35.000 người, do đó, ngay từ đầu chúng tôi xác định công việc sẽ rất vất vả. Bệnh nhân Covid-19 được chia đều cho 3 thành viên tổ quân y phụ trách.

Mỗi ngày, mỗi chúng tôi nhận thêm 10-20 ca F0 mới, thời điểm cao nhất riêng tôi phụ trách 175 F0/85 hộ gia đình. Hằng ngày, tôi gọi điện nắm tình hình sức khỏe, tư vấn cho các F0 qua điện thoại, Zalo, khám trực tiếp khi cần thiết, chỉ định thuốc, phát thuốc và cấp cứu tại nhà. Có những đêm tôi phải thực hiện đến 3 ca cấp cứu, 2-3 giờ sáng mới được nghỉ.

leftcenterrightdel
Thượng sĩ Phạm Tuấn Thành chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại nhà. 

Việc điều trị cho F0 tại nhà gặp không ít khó khăn. Ngoài thuốc do Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) và địa phương cấp, chúng tôi làm công tác dân vận, huy động từ nhiều nguồn để người dân được đáp ứng thuốc đầy đủ và miễn phí. Việc tiên lượng, đánh giá tình trạng bệnh cũng khó khăn hơn khi không có sự hỗ trợ cận lâm sàng, đòi hỏi chúng tôi phải luôn theo dõi sát bệnh nhân, hỏi và khám bệnh tỉ mỉ hơn.

Thực tế, không ít F0 tuổi cao, có bệnh nền kết hợp nhưng không đồng ý đi bệnh viện, đây cũng là một khó khăn lớn. Một trường hợp F0 do tôi phụ trách, là cụ bà 84 tuổi, tiền sử viêm dạ dày, rối loạn tiền đình, sau 4 ngày dương tính với virus SARS-Cov-2 thì mệt hơn nhiều, chỉ số SpO2 giảm còn 90-92%, chán ăn, uống kém. Tôi chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thuốc chống đông, chống viêm, thuốc bổ trợ, đồng thời quyết định truyền dịch tại nhà để nâng cao thể trạng người bệnh.

Mặc dù từng thực tập truyền và theo dõi truyền dịch rất nhiều lần, thậm chí đã nắm rõ quy trình xử trí phản vệ, song khi phải chịu trách nhiệm trực tiếp, tôi cũng khá căng thẳng và lo lắng. 3 ngày liên tục truyền dịch cho bệnh nhân là những ngày tôi thực sự vất vả, mỗi ngày 7 tiếng đồng hồ liên tục trong đồ bảo hộ, nóng, mệt và đói vì nhịn ăn trưa. Nhưng tôi luôn tập trung cao độ, không vì thế mà lơ là công việc, bởi hơn ai hết, tôi hiểu rõ tính chất, rủi ro nhiệm vụ mình đang làm.

Sau 3 ngày đó, thể trạng bệnh nhân tốt lên, sau 7 ngày, chỉ số SpO2 được cải thiện, bệnh nhân dừng thuốc chống đông, chống viêm, đến ngày thứ 14 thì kết quả test nhanh âm tính. Tôi và đồng đội nhận được nhiều lời cảm ơn và tri ân từ gia đình bệnh nhân. Cụ bà còn hóm hỉnh giục tôi lấy vợ và hứa sẽ tham dự đám cưới của tôi.

Nhờ tinh thần hết lòng vì người bệnh, khắc phục mọi khó khăn mà tổ quân y chúng tôi được nhân dân phường 7 hết mực tin tưởng, yêu quý. Người dân gửi cho chúng tôi đồ ăn, dụng cụ sinh hoạt, từ bát, đũa đến bếp ga, tủ lạnh...

Chúng tôi ai nấy đều xúc động trước tình quân dân thắm thiết, sâu nặng. Tình cảm đó cùng những ngày tháng tham gia chống dịch là kỷ niệm tôi sẽ nhớ mãi, là động lực để tôi tiếp tục chiến đấu và hoàn thành mọi nhiệm vụ, góp phần chiến thắng đại dịch.

 Các bài viết cộng tác với Chuyên mục "Covid-19 - Nhật ký đối mặt" xin gửi về địa chỉ email: kinhte@qdnd.vn và dientu@qdnd.vn.

Thượng sĩ PHẠM TUẤN THÀNH

 (học viên Lớp DH51A, Hệ 2, Học viện Quân y)

leftcenterrightdel
 

 

leftcenterrightdel
 

 

leftcenterrightdel
 

 

leftcenterrightdel