Tôi không muốn mình được viết kiểu “tấm gương” đại loại như: “Một bác sĩ già đi chống dịch”. Tôi xung phong mà. Hơn nữa, trong cuộc chiến chống đại dịch này, có không ít nhân viên y tế còn nhiều tuổi hơn tôi đang lặng lẽ cống hiến sức lực của mình. Họ cũng như tôi, không muốn! Nhưng có một sự thật vô cùng lớn mà mọi người cần biết, cuộc chiến chống đại dịch này đang nằm trong tay những người trẻ tuổi.

Thời nào cũng thế, những người trẻ tuổi là những người sống lý tưởng. Ngay từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát, khi có thông tin lấy người tình nguyện đi chống dịch, nhiều thanh niên ở bệnh viện tôi xung phong, trong đó có Tuấn Anh, bác sĩ trẻ đang học hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Tuấn Anh xung phong đi trong khi chưa tiêm mũi vaccine nào. Tôi biết, trong đoàn còn nhiều người như vậy. Nhưng họ vẫn đi vì biết người dân đang cần.

leftcenterrightdel

Các bác sĩ trẻ trao đổi khi bàn giao những ca bệnh nặng. Ảnh do nhân vật cung cấp. 

Người mang lại ấn tượng “đậm” nhất đối với tôi là PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Anh cùng với ê kíp lãnh đạo trẻ chỉ mất vài ngày để mở một bệnh viện hồi sức cấp cứu cao nhất ở Bình Dương. Nhiều người ca ngợi hành động kịp thời này vì đã tạo chỗ dựa cho anh em y tế ở địa phương đang kiệt sức.

Phải có một năng lượng khủng khiếp mới có thể hoàn thành núi công việc trong một thời gian ngắn. Đối nội, đối ngoại, chuyên môn, hậu cần, nhân sự... Nếu không là những người trẻ tuổi, không thể làm được. Bây giờ, Đại học Y Hà Nội thành chỗ dựa cho cả tỉnh Bình Dương, địa phương có hơn 100.000 người mắc Covid-19. Tuy nhiên, với việc áp dụng đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế, số lượng bệnh nhân ra viện của Bình Dương những ngày qua đã lập những kỷ lục. Có ngày lên đến gần 5.000 người được ra viện. Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh nhiều hơn số người nhiễm mới.

Thực tâm, tôi thích nhất lực lượng hỗ trợ của Đại học Y Hà Nội, họ vừa là lãnh đạo, đồng thời cũng là “tướng lĩnh” thực chiến. Họ cũng mặc đồ bảo hộ (PPE) chui vào “vùng đỏ” mãi không thấy ra, chỉ thấy tiếng léo nhéo gọi bộ đàm ra hỏi xét nghiệm, thêm thuốc men, điều hành công việc.

Phải hàng tiếng sau mới thấy họ ra ngoài, quần áo ướt sũng, mồ hôi như giội nước. Ngày nào cũng như thế, cả tháng trời nay. Và họ không chỉ giỏi thực chiến mà còn có lý thuyết rất vững vàng, đúng kiểu nội trú của Y Hà Nội. Căn bệnh bí ẩn đang thách đố ngành y cả thế giới. Với chúng ta, nó lại càng là thách thức. Nhưng những người trẻ tuổi đang làm những gì tốt nhất cho người bệnh.

Những người trẻ tuổi từ phía Bắc tiếp tục vào. Tôi biết, trong mấy ngày đầu, các bạn đang sốc nặng. Sau khi ở buồng bệnh ra, nhiều bạn nữ ngồi thất thần. Chắc không ai có thể ngờ tình hình bệnh tật lại khốc liệt đến thế. Cộng với quá tải về sức chịu đựng của con người, mệt, mất nước, đuối sức và ám ảnh bệnh tật. Không sao, mấy ngày đầu chưa quen, mệt thì cứ nghỉ, nhưng không ai nỡ nghỉ, vì nghỉ thì phần việc của mình lại chất lên vai người khác. Rồi rất nhanh, sức trẻ lại vượt lên. Tôi lại nghe thấy tiếng cười đùa trêu chọc nhau xen lẫn tiếng ồn ào đủ mọi cung bậc của một khoa/phòng thời chiến.

Chiều, sau khi từ buồng bệnh nhân ra, trong lúc xếp hàng chờ tắm khử trùng, tôi chỉ cho mấy bạn trẻ hình ảnh TP Hồ Chí Minh từ xa. Thành phố hoa lệ ngày nào, giờ đang oằn mình chống dịch, biết đến khi nào mới yên để các bạn trẻ này đi chơi, thăm TP Hồ Chí Minh một lần trước khi quay về Bắc. Tỷ lệ tử vong ở Bình Dương đang ở mức thấp, một phần thưởng cho nỗ lực của những người trẻ tuổi. Chắc cái ngày chiến thắng đó sắp đến.

Các bài viết cộng tác với Chuyên mục "Covid-19 - Nhật ký đối mặt" xin gửi về địa chỉ email: kinhte@qdnd.vn và dientu@qdnd.vn. 

Bác sĩ THẾ DÂN

 Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ

leftcenterrightdel
 

 

leftcenterrightdel
 

 

leftcenterrightdel
 

 

leftcenterrightdel
 

 

leftcenterrightdel