Tôi làm việc cho một công ty tư nhân ở TP Thuận An, tỉnh Bình Dương. Đầu tháng 6, tình hình dịch diễn biến phức tạp nên công ty đóng cửa. Không việc làm, tôi chỉ biết quanh quẩn ở trong nhà trọ, chờ dịch bệnh lắng xuống để tiếp tục trở lại làm việc. Thế nhưng càng chờ thì mọi việc lại không như mình mong muốn.

Dịch bệnh bùng phát mạnh, khu dân cư bị phong tỏa. Là người lao động, cuộc sống thường ngày vốn đã chật vật, khi khu trọ bị phong tỏa lại càng khó khăn hơn. Trước đó, ông xã về quê giải quyết công chuyện, biết tin trên thành phố giãn cách xã hội nên không trở lại nữa. Vậy là căn phòng trọ chỉ có tôi và con trai. Hằng ngày mẹ con vẫn gắng cầm cự bằng những phần quà an sinh do địa phương tặng.

Ở khu nhà trọ chật hẹp, mọi sinh hoạt đều bất tiện, bức bối. Đã vậy những ám ảnh về dịch bệnh luôn đè nặng lên tinh thần mọi người. Những tiếng còi hú liên hồi, những bóng áo trắng thoáng qua, nhưng người bệnh được chuyển đi. Tất cả tôi đều nghe thấy, nhìn thấy. Nỗi lo sợ dâng lên.

Thế rồi nỗi lo ấy cũng đã đến. Một đêm, cô em dâu thuê nhà trọ ở bên cạnh kêu mệt, ho, sốt. Tôi liền gọi con trai chạy sang dìu cô em lên xe máy đưa đến Bệnh viện đa khoa An Phú (Thuận An, Bình Dương). Qua xét nghiệm, bác sĩ cho biết cô đã nhiễm SARS-CoV-2. Tình hình bệnh diễn biến xấu và cuối cùng cô đã ra đi mãi mãi. Chồng cô cũng đã qua đời 7 năm, con cháu gái trở thành đứa trẻ mồ côi ba mẹ. Chứng kiến cảnh đó, tôi không cầm được nước mắt.

leftcenterrightdel
Chị Đỗ Thị Minh Nguyệt (bên phải) và mẹ chồng cách ly tại nhà sau điều trị Covid-19. 

Chưa hết thương em dâu thì tôi thấy trong người có những biểu hiện khác thường. Người hâm hấp nóng, thỉnh thoảng lại ho. Tôi nghi đã mắc Covid-19 liền gọi điện cho y tế địa phương. Ngay sau đó, tôi được các bác sĩ khám và chuyển đến Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5B (Bình Dương). Tất cả diễn ra rất nhanh trong ngày 21-8. Tôi không nghĩ được gì nhiều, trong đầu thoáng hiện ra cảnh tượng đưa cô em dâu đến viện. Tôi thấy ám ảnh, bất an.

Khi tôi vào viện, con trai liền sang với bà nội ở gần đó. Thật không ngờ chính con trai đã ủ bệnh trong người. Thế rồi bà nội cũng bị mắc Covid-19. Vậy là cả bà và cháu đều được đưa đến bệnh viện dã chiến. Những ngày đó tôi nghe điện thoại mà lòng như lửa đốt. Điều gì đang xảy ra đối với gia đình tôi? Dịch bệnh trở thành thứ tai họa đã đổ ập lên đầu những người thân của tôi. Thật đau đớn và xót xa.

Tôi động viên mình rằng sẽ sớm khỏe lại thôi vì bản thân không mắc các bệnh nền. Chắc chắn các bác sĩ sẽ cứu chữa được. Tôi phải sống để làm chỗ dựa cho gia đình để còn nuôi con, nuôi cháu. Tôi vừa lo chữa bệnh vừa nắm tình hình người thân. May sao qua điều trị, con trai đã khỏe trở lại và được xuất viện sớm. Mẹ chồng tôi cũng vậy, bà đã khỏi bệnh sau 2 lần xét nghiệm âm tính.

Trong khi người thân dần bình phục thì tình trạng sức khỏe của tôi lại diễn biến xấu. Qua mỗi ngày tôi lại thấy yếu hơn. Người lả đi không nhấc nổi mình, lúc nào cũng cảm thấy tức ngực, khó thở. Các bác sĩ phải cho tôi thở oxy dòng cao HFNC. Có những lúc tôi rất mệt nói với bác sĩ rằng: “Em bỏ cuộc rồi”. Tôi bị suy hô hấp, không muốn ăn uống gì. Ý nghĩ buông xuôi đã hiển hiện trong tâm trí.

Có nhiều lúc tôi đã miên man thiếp đi, khi tỉnh dậy thấy mẹ chồng và các bác sĩ, điều dưỡng ở bên. Mẹ tôi khỏi bệnh được xuất viện nhưng xin ở lại chăm sóc vì thấy tôi yếu quá. Mẹ bảo rằng: “Con phải ráng sống để còn về với chồng con”.
Mắt tôi nhắm nghiền thều thào: “Bác sĩ ơi! Em xin chuyển đi, cho mẹ chồng về đi”. Thế nhưng bác sĩ động viên rằng: “Chị chưa đến nỗi nào. Cố gắng tập thở, ăn một chút để lấy sức”.

Trong thời điểm cam go ấy, mỗi lần mở mắt ra tôi lại nhìn thấy bóng áo trắng của bác sĩ, thấy gương mặt của mẹ khắc khổ lo âu. Tất cả đều chăm chú dõi theo diễn biến sức khỏe của tôi. “Còn hy vọng là còn cứu chữa” tôi đã nghe được điều đó.
Vậy nên không thể buông xuôi để chọn sự ra đi vô nghĩa. Đằng sau còn nhiều người đang chờ tôi trở về. Tôi lại gắng gượng để “chiến đấu” giành giật sự sống với tử thần.

Các bác sĩ trong bệnh viện dã chiến rất tận tình. Mỗi ca thay trực đều vào thăm nom sức khỏe của tôi, đưa từng suất ăn, chia từng viên thuốc. Các bác sĩ, điều dưỡng mặc đồ bảo hộ kín mít, tôi không biết mặt chỉ nhớ những cái tên quen thuộc như bác sĩ Tuấn, bác sĩ Vương, điều dưỡng Hóa viết trên áo bảo hộ. Họ đã tận tình chữa trị, chăm sóc trong suốt những ngày tôi nằm viện. Cả cuộc đời này tôi mãi biết ơn các bác sĩ.

Sau điều trị tích cực, đầu tháng 10 tôi được xuất viện. Trở về cách ly tại nhà, tôi vẫn thực hiện theo sự hướng dẫn của bác sĩ, tập thở, uống thuốc, dưỡng sức khỏe. Qua những ngày tháng nằm viện, tôi mới thấy trân quý sự sống.

Nay mai khi sức khỏe ổn định, tình hình trở lại bình thường, tôi sẽ lại lao động, gắng phụng dưỡng mẹ già, chăm lo gia đình. Những buồn đau sẽ lùi vào quá khứ. Cuộc sống mới lại mở ra với những điều tốt đẹp đang đón đợi ở phía trước.

ĐỖ THỊ MINH NGUYỆT (ấp Phú Hữu, xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) 

leftcenterrightdel

leftcenterrightdel

leftcenterrightdel

leftcenterrightdel

leftcenterrightdel