Những ngày u ám đã qua, những âu lo mang tên Covid-19 tạm lắng lại. Hà Nội lại trở lại cuộc sống quen thuộc vốn có - đông đúc và náo nhiệt.
Với tôi, Hà Nội là cả một bầu trời ký ức: Những ngày xưa cũ, hiện tại và chắc chắn sẽ cả là tương lai nữa.
Thực ra, tôi không phải là người Hà Nội, nhưng từ những ngày đầu lập nghiệp ở nơi đây, tôi đã dành cho Hà Nội một tình cảm thật đặc biệt. Sau 20 năm, tình cảm ấy vẫn vẹn nguyên như cái thuở ban đầu. Nó tựa như tình cảm dành cho quê hương của tôi. Đôi lúc, cảnh bụi bặm, khói xe, tắc đường của Hà Nội khiến tôi mệt mỏi, chán nản nhưng chỉ xa vài ngày thôi đã nhớ.
 |
Cán bộ, nhân viên Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. |
Và, những ngày Hà Nội thấm mệt vì Covid-19, những ngày Hà Nội bị phong tỏa, tôi mới thấy mình quay quắt nhớ cái ồn ã thường nhật của Thủ đô đến nhường nào, đặc biệt là nỗi nhớ mùa Thu Hà Nội. Khi heo may chạm ngõ các cửa ô cũng là lúc hoa sữa tỏa hương nồng nàn khắp phố phường, phảng phất đâu đó mùi thơm cốm mới, và cả vị chè sen ngọt dịu... Đấy là lúc Hà Nội vào Thu. Trong 4 mùa ở Hà Nội, có lẽ mùa Thu được nhiều người thích nhất. Tôi cũng vậy.
Năm nay, Thu Hà Nội không còn trọn vẹn dáng hình Thu trước. Thay vì ồn ào xe cộ, thu ảm đạm, vắng lặng hơn. Thay vì hối hả mỗi sớm, mỗi chiều, thu chầm chậm đến. Những quán cà phê vắng lặng, để nắng cô đơn hắt trước thềm. Tiếng lá vàng lạo xạo trên mặt phố sao nghe rõ ràng đến thế.
Sở dĩ, tôi vẫn có thể cảm nhận được sự khác biệt của mùa Thu Hà Nội, bởi ngày ngày tôi vẫn đi trên những con phố quen để đến nơi tôi công tác - nơi đang cùng cả nước gồng mình tham gia phòng, chống dịch - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhận được lệnh của Bộ Quốc phòng tăng cường chi viện lực lượng vào hỗ trợ miền Nam chống dịch, ngày 21-9, hơn 200 bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã nhanh chóng chuẩn bị quân tư trang lên đường với quyết tâm cao nhất.
Không ngại gian khổ, hiểm nguy, các y, bác sĩ đã xung kích, xông pha vào tuyến đầu để giành giật sự sống cho các bệnh nhân mắc Covid-19. Trong số các chiến sĩ áo trắng, có nhiều người con còn nhỏ, chưa một lần công tác xa nhà. Nhưng đặt trách nhiệm của người thầy thuốc lên trên hết, khó khăn, bỡ ngỡ cũng dần qua.
Điều đáng trân trọng, các bạn trẻ không chỉ dám đi đến nơi xa đầy khó khăn, gian khổ, nguy hiểm mà còn ra đi theo tiếng gọi của Tổ quốc mặc hoàn cảnh. Trong nhiều bạn trẻ đó, có đồng chí Nguyễn Văn Tuấn một đoàn viên trẻ Khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với nhiệt huyết “…Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” đã khẩn trương thu xếp công việc gia đình, gấp rút chuẩn bị quân tư trang, sẵn sàng lên đường chống dịch.
Trong khi hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, hai con còn nhỏ, vợ công tác cùng trong bệnh viện, khớp gối sau phẫu thuật chưa hồi phục hoàn toàn, đồng chí Tuấn cho biết bản thân không lo lắng khi tham gia hỗ trợ tăng cường cho TP Hồ Chí Minh vì đã được trang bị kiến thức và những kỹ năng phòng, chống dịch Covid-19.
Đồng đội, đồng nghiệp của tôi tạm chia tay mùa Thu Hà Nội với niềm tin chiến thắng, với lời hẹn trở lại Thủ đô vào một ngày gần nhất
Giờ đây, khi dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh từng bước được kiểm soát, các đồng nghiệp của tôi trở lại Thủ đô yêu dấu.
Hà Nội hôm nay đã trở lại nhịp sống bình thường mới, mang sắc thái, sức sống mới, hoàn toàn khác so với ngày các đồng nghiệp của tôi lên đường vì miền Nam ruột thịt.
Và, Thu Hà Nội vẫn nồng nàn, chờ đón những người trở lại như lời hò hẹn hôm nào.
Thiếu tá QNCN Vũ Thị Kim Oanh, Khoa Vật lý Trị liệu-Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108