Chúng ta tri ân với cha mẹ, với thầy cô, với những người đã dìu dắt, giúp đỡ mình lớn khôn, trưởng thành là tình cảm tự nhiên. Nhưng có một tình cảm sâu nặng hơn, cao cả hơn, đó chính là tri ân đối với những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Trong trái tim người Việt, hình ảnh Quảng trường Ba Đình tại Thủ đô Hà Nội từ lâu đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, bởi nơi đó không chỉ có Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, mà còn có Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của cả nước (Đài tưởng niệm Bắc Sơn). Với chiều cao gần 13m, mặt ngoài ốp bằng đá hoa cương trắng ngà, Đài tưởng niệm Bắc Sơn tựa như ngọn nến khổng lồ thắp lên nền trời xanh. Hơn 24 năm qua, kể từ ngày khánh thành (7-5-1994) đến nay, Đài tưởng niệm Bắc Sơn tuy không ngút ngàn khói hương trầm mặc, nhưng “ngọn nến" ấy luôn cháy rực trong tâm khảm mỗi đồng bào, chiến sĩ, bởi đó là hình tượng kết tinh hương hồn của gần 1,2 triệu liệt sĩ trên khắp mọi miền Tổ quốc hội tụ về đây.

Đông đảo người dân đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm, tri ân trước phần mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ TNXP Ngã ba Đồng Lộc. Nguồn: sggp.org.vn

Có lẽ hầu như nước nào cũng có danh hiệu anh hùng để tuyên dương những cá nhân đã có cống hiến đặc biệt và dũng cảm hy sinh vì sự an toàn, bình yên của cộng đồng. Nhưng hiếm thấy nước nào có danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng như ở Việt Nam. Bởi trong quan niệm của người Việt, có những người con anh hùng là do những người mẹ anh hùng. Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ ở xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) có chồng, 9 con trai, 1 con rể và 2 cháu ngoại là liệt sĩ, đã trở thành hình tượng người mẹ bất tử trong lòng dân Việt Nam. Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ ở TP Tam Kỳ (Quảng Nam) giờ đây không chỉ là một điểm đến tâm linh, một địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau, mà còn là biểu tượng về sự dâng hiến, hy sinh vĩ đại của 127.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong cả nước.

Chỉ còn 3 ngày nữa (24-7) là đến ngày giỗ lần thứ 50 của 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Về mặt địa lý, Ngã ba Đồng Lộc như hàng vạn ngã ba trên dải đất hình chữ S. Nhưng nửa thế kỷ qua, Ngã ba Đồng Lộc là ngã ba ký ức “máu và hoa”, ngã ba của niềm thương nỗi nhớ, ngã ba tâm linh, ngã ba mà “Nghìn năm sau lịch sử sẽ còn ghi” (Huy Cận). Thế nên, bất cứ ai khi đi qua địa danh này đều dừng lại để thắp một nén tâm nhang trên 10 mộ liệt sĩ nữ TNXP-10 đóa hoa bất tử trong lòng mình.

Nhắc lại những câu chuyện trên để thêm một lần minh chứng tình cảm hướng nội là một trong những nét đặc trưng tâm lý của người Việt. Vì mang trong mình tính cách hướng nội đó, nhiều gia đình tuy không có con em là liệt sĩ, nhưng vào mỗi dịp Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7 hằng năm, họ vẫn mua hoa quả, thắp nén nhang thơm trên ban thờ tổ tiên để tỏ lòng thành kính anh linh các liệt sĩ như những người thân yêu của mình. Nhiều người con công tác xa quê, mỗi khi đi tảo mộ người thân vào dịp Tết Nguyên đán cũng không quên vào thắp hương ở nghĩa trang liệt sĩ hay nhà tưởng niệm liệt sĩ của quê nhà.

“Cây có gốc mới nở cành xanh ngọn/Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu”. Không ai lớn lên, trưởng thành mà không có cội nguồn, gốc gác. Bởi vậy, thành tâm trân trọng những thành quả cách mạng của ông cha, một lòng tri ân với những người đã cống hiến, hy sinh xương máu vì Tổ quốc không chỉ là một nghĩa cử văn hóa cao đẹp, mà còn là bổn phận, trách nhiệm của những người đang sống hôm nay. Thể hiện trọn vẹn những cử chỉ ân tình đó là một lần làm cho tâm hồn con người thêm thanh thản và qua đó góp phần làm sáng đẹp nghĩa nước tình dân.

THIỆN VĂN