Thượng tá Phạm Viết Khánh.
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Phó chính ủy Sư đoàn 316, đồng chí có thể khái quát đôi nét về sự đóng góp của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ sư đoàn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong chặng đường 66 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của đơn vị?
Thượng tá Phạm Viết Khánh: Sư đoàn 316 là sư đoàn chủ lực đủ quân của Bộ Quốc phòng và Quân khu 2, có nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác do quân khu và Bộ Quốc phòng giao.
Được thành lập ngày 1-5-1951, tính đến nay Sư đoàn 316 đã trải qua hơn 66 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành. Là đơn vị luôn “đi trước, về sau”, sư đoàn đã tham gia chiến đấu trên nhiều chiến trường như: Tây Bắc, Thượng Lào, Điện Biên Phủ, Tây Nguyên, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và làm nhiệm vụ quốc tế tại các tỉnh Bắc Lào, giành được nhiều chiến công xuất sắc và thành tích vẻ vang. Trong các cuộc kháng chiến, có gần 8 nghìn cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn đã anh dũng ngã xuống trên khắp các chiến trường; đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả.
PV: Như vậy có thể khẳng định, sự đóng góp, hy sinh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 là rất lớn lao. Vậy trong những năm qua, công tác giải quyết chính sách tồn đọng được đơn vị tiến hành như thế nào, thưa đồng chí?
Thượng tá Phạm Viết Khánh: Trước hết cần phải khẳng định, giải quyết tồn đọng về chính sách sau chiến tranh được Sư đoàn 316 coi là nhiệm vụ chính trị của đơn vị, đồng thời là nhiệm vụ trọng tâm của ngành chính sách sư đoàn. Làm tốt nhiệm vụ này đồng nghĩa với việc chúng ta đã tri ân thiết thực đối với công lao của lớp người đi trước.
Có thể nói, việc giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh đòi hỏi phải được tiến hành khẩn trương để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các đối tượng chính sách một cách sớm nhất, song cũng cần sự cẩn trọng, chính xác, khách quan trên cơ sở nguyên tắc. Một trong những nội dung được đơn vị chú trọng trong thực hiện công tác này là việc coi trọng lưu trữ hồ sơ, quản lý giấy tờ. Hiện nay, các loại hồ sơ, giấy tờ liên quan đến công tác chính sách đã được đơn vị cập nhật trên phần mềm vi tính do Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị cung cấp), bảo đảm tính chính xác, dễ tìm. Cùng với đó, đơn vị cũng tích cực phối hợp với các địa phương, tiến hành xác minh; cung cấp hồ sơ giải quyết chế độ thương binh, liệt sĩ bảo đảm chính xác, kịp thời, đúng thủ tục, nguyên tắc. Trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2017, đơn vị đã đề nghị giám định thương tật và bệnh tật cho 15 đồng chí bị thương và 6 đồng chí bị bệnh được hưởng trợ cấp hằng tháng; tiếp nhận 634 công văn, đơn thư đề nghị giải quyết chế độ thương binh, cấp giấy chứng nhận bị thương và đề nghị cho 458 trường hợp đủ điều kiện giám định thương tật.
Đại diện lãnh đạo Sư đoàn 316 và đại diện các ban, ngành, đoàn thể cắt băng khánh thành và trao tặng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách.
PV: Được biết công tác “Đền ơn đáp nghĩa” được Sư đoàn 316 tổ chức khá hiệu quả trong những năm qua, đồng chí có thể thông tin rõ hơn về nội dung này?
Thượng tá Phạm Viết Khánh: Trước hết, đơn vị đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, để cán bộ, chiến sĩ trong toàn sư đoàn nhận thức sâu sắc rằng, những thành quả chúng ta có được hôm nay được xây đắp lên từ những đóng góp to lớn và sự hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng; qua đó đưa hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trở thành việc làm tự nguyện, tự giác, thường xuyên của mỗi cơ quan, đơn vị và của từng cán bộ, chiến sĩ.
Trong 5 năm qua, đơn vị đã tổ chức thăm, tặng quà dịp Tết Nguyên đán, dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 đối với các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình chính sách, cán bộ nghỉ hưu có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền hơn 3,2 tỉ đồng; giúp các địa phương hơn 3.700 ngày công tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, bia tưởng niệm và giúp đỡ các gia đình chính sách; quyên góp ủng hộ Qũy “Đền ơn đáp nghĩa” gần 1,5 tỉ đồng; khám bệnh, tư vấn và cấp thuốc miễn phí tại 13 xã thuộc 3 tỉnh (Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái) cho 1.865 trường hợp, trị giá thuốc hơn 360 triệu đồng. Đặc biệt, từ năm 2012-2017, đơn vị đã xây dựng và trao tặng 10 nhà tình nghĩa, 12 nhà đồng đội, trị giá hơn 1,5 tỉ đồng và hỗ trợ ngày công làm nhà trị giá hơn 3,5 tỉ đồng.
Các y sĩ, bác sĩ của Sư đoàn 316 khám bệnh, cấp phát thuốc cho đối tượng chính sách xã Đội Bình, huyện Yên Sơn, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang.
PV: Hiện nay, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ theo Đề án 1237 đang được các cấp, các ngành và nhiều địa phương, đơn vị chú trọng quan tâm thực hiện. Vậy công tác đó được Sư đoàn 316 tiến hành ra sao, thưa đồng chí Phó chính ủy?
Thượng tá Phạm Viết Khánh: Sau khi có Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và Hướng dẫn số 1914/HD-VP ngày 16-7-2015 của Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia 1237 về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 316 và cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã chỉ đạo làm tốt việc quán triệt sâu kỹ tới 100% cán bộ, chiến sĩ, qua đó tạo nhận thức đúng đắn để tổ chức thực hiện Đề án.
Có thể nói, khi thực hiện Đề án 1237, có khá nhiều khó khăn đặt ra với đơn vị, như danh sách liệt sĩ của sư đoàn được đăng ký ở nhiều cấp, nhiều sổ (có liệt sĩ được đăng ký trong 15 sổ); nội dung đăng ký về liệt sĩ có nhiều trường hợp không thống nhất, không đầy đủ dữ liệu để khai thác. Việc quản lý, lưu trữ hồ sơ, danh sách, sơ đồ mộ liệt sĩ của đơn vị chưa đầy đủ. Hồ sơ lưu trữ qua nhiều năm quản lý sử dụng, phải di chuyển qua nhiều địa bàn, vùng khí hậu, trong khi giấy, mực có chất lượng hạn chế nên nhiều trang bị rách, mất, mờ, gây khó khăn rất lớn cho việc tìm kiếm, tra cứu thông tin...
Tuy nhiên, nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp và với sự vào cuộc tích cực của các thành phần có liên quan, đến nay, Sư đoàn 316 đã triển khai xong việc giải mã phiên hiệu, ký hiệu đơn vị trong chiến tranh nhằm cung cấp chính xác thông tin về đơn vị, địa bàn, thời gian chiến đấu, nơi hy sinh, nơi an táng ban đầu của liệt sĩ. Đơn vị đã phối hợp với 42 Bộ CHQS các tỉnh, thành phố, tiến hành thẩm tra, xác minh, chuẩn hóa các thông tin liệt sĩ; bàn giao 211 hồ sơ, sơ đồ mộ liệt sĩ tại Lào cho Đội quy tập mộ liệt sĩ của Quân khu 2 và danh sách 3.921 liệt sĩ, 110 quân nhân của sư đoàn hy sinh, từ trần và mất tích tại Lào cho Cục Người có công (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội). Ngoài ra, đơn vị cũng đã cung cấp 482 thông tin liệt sĩ, mộ liệt sĩ cho các tổ chức và thân nhân liệt sĩ.
Để tiếp tục đẩy nhanh việc thực hiện Đề án 1237, Sư đoàn 316 đề nghị Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị) chỉ đạo cơ quan chính sách các quân khu tạo điều kiện giúp đỡ sư đoàn trong việc rà soát, xác minh thông tin liệt sĩ, tử sĩ, đẩy nhanh tiến độ phối hợp rà soát, xác minh, bổ sung, chuẩn hóa thông tin liệt sĩ, mộ liệt sĩ của sư đoàn; đề nghị cấp có thẩm quyền tăng cường cán bộ ngành chính sách cấp sư đoàn bộ binh, bảo đảm có đủ lực lượng thực hiện nhiệm vụ này; đồng thời thường xuyên tổ chức bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách ở đơn vị cơ sở.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
HOÀNG HÀ – MẠNH THẮNG – VIỆT CƯỜNG (thực hiện)