Tích cực tiếp nhận và xử lý thông tin
Ở Sư đoàn 316, Đề án 1237 được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Sư đoàn đã triển khai xong việc giải mã phiên hiệu, ký hiệu đơn vị trong chiến tranh nhằm cung cấp chính xác thông tin về đơn vị, địa bàn, thời gian chiến đấu, nơi hy sinh, nơi an táng ban đầu của liệt sĩ. Thượng tá Phạm Viết Khánh, Phó chính ủy Sư đoàn 316 cho biết: “Đơn vị đã phối hợp với 42 Bộ CHQS tỉnh, thành phố, tiến hành thẩm tra, xác minh, chuẩn hóa các thông tin liệt sĩ; bàn giao 211 hồ sơ, sơ đồ mộ liệt sĩ tại Lào cho Đội quy tập mộ liệt sĩ Quân khu 2 và danh sách 3.921 liệt sĩ, 110 quân nhân của sư đoàn hy sinh, từ trần và mất tích tại Lào cho Cục Người có công (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội). Ngoài ra, đơn vị cũng đã cung cấp 482 thông tin liệt sĩ, mộ liệt sĩ cho các tổ chức và thân nhân liệt sĩ”.
Thiếu tá Nguyễn Đức Hiệp, Trợ lý Ban Chính sách (Phòng Chính trị, Bộ CHQS Hà Giang) trong một lần tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ tại Hà Giang.
Đại tá Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng Phòng Chính sách, Cục Chính trị Quân khu 2, nguyên Đội trưởng Đội quy tập mộ liệt sĩ Quân khu 2 tâm sự: Trong quy tập mộ liệt sĩ, một nội dung được chúng tôi đặc biệt coi trọng là phát hiện, tiếp nhận, xử lý thông tin về mộ liệt sĩ. Đội quy tập mộ liệt sĩ Quân khu 2 đã phối hợp với các địa phương và cơ quan chức năng của nước bạn Lào, trực tiếp đến tuyên truyền, vận động những người biết thông tin, đặc biệt là những người trước đây tham gia chống đối cách mạng Lào, có biết nơi an táng bộ đội Việt Nam hy sinh nhưng vì mặc cảm, e ngại, lo sợ nên không cung cấp thông tin. Đối với người già yếu, đơn vị dìu đi hoặc dùng võng khiêng, để họ dẫn đến nơi có mộ liệt sĩ. Thông qua các biện pháp đa dạng, đơn vị đã được nhân dân nước bạn cung cấp nhiều thông tin, từ đó quy tập thêm nhiều mộ liệt sĩ được chôn cất lẻ ở vùng sâu, vùng xa, trên núi cao, nơi tiếp giáp với biên giới các nước khác. Kết quả là từ cuối năm 1994 đến nay, Đội quy tập mộ liệt sĩ Quân khu 2 đã tìm kiếm, quy tập được 1.668 mộ liệt sĩ, trong đó 123 ngôi mộ có đủ họ tên, quê quán liệt sĩ.
Nhằm thực hiện hiệu quả Đề án 1237, trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã coi trọng công tác tập huấn và triển khai nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; đồng thời chỉ đạo xây dựng kế hoạch khảo sát, tìm kiếm và quy tập, xác định theo từng năm; tiến hành hướng dẫn các huyện, thành phố trình tự tiếp nhận, xử lý và quản lý phiếu cung cấp thông tin về nơi chôn cất liệt sĩ trong chiến tranh. Trong tuyên truyền, địa phương coi trọng việc hướng dẫn quần chúng nhân dân cách thức cung cấp thông tin, khi phát hiện mộ liệt sĩ. Cùng với đó, tỉnh đã thành lập tổ quy tập lâm thời để tổ chức khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ còn nằm ngoài nghĩa trang.
Đại úy Hoàng Thế Duyệt, phụ trách Ban Chính sách (Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang) cho biết: Trong những năm qua, Bộ CHQS tỉnh đã làm tốt công tác phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh, vận động nhân dân, cựu chiến binh và Ban CHQS các xã, thị trấn cung cấp thông tin về phần mộ liệt sĩ. Từ nguồn thông tin đó, Bộ CHQS tỉnh tiến hành xác minh, xây dựng kế hoạch tổ chức lực lượng tìm kiếm, cất bốc.
Nhờ sự động viên tích cực bằng cả tinh thần và vật chất, kết hợp với khen thưởng kịp thời theo quy định đối với những người cung cấp thông tin chính xác, nên trong những năm qua, nhiều bà con nhân dân trong quá trình chăn nuôi, kiếm củi, phát hiện được hài cốt liệt sĩ đều thông tin kịp thời đến cơ quan chức năng. Được bà con nhân dân đưa đường, tổ tìm kiếm lâm thời của Bộ CHQS tỉnh cơ bản tiếp cận an toàn, tổ chức cất bốc, đưa hài cốt liệt sĩ về bàn giao cho Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố, để tổ chức truy điệu, an táng theo đúng nghi lễ.
Nhờ phát huy tốt vai trò nòng cốt của Bộ CHQS tỉnh - Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 1237 tỉnh Hà Giang và sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các cấp, các ngành, sự hỗ trợ hiệu quả của quần chúng nhân dân, tính từ năm 2013 đến nay, tỉnh Hà Giang đã tìm kiếm, quy tập được 59 hài cốt liệt sĩ.
Sớm “khai thông” hành trình tìm kiếm
Với Thiếu tá Nguyễn Đức Hiệp, mỗi chuyến tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời anh. Nhưng có lẽ cuộc tìm kiếm diễn ra vào tháng 6 năm 2015 là kỷ niệm ấn tượng, sâu sắc hơn cả, bởi kết quả vượt ngoài mong đợi của lực lượng tham gia tìm kiếm.
Thiếu tá Nguyễn Đức Hiệp kể lại: Sau khi nhận được thông tin do bà con nhân dân thông báo ở cao điểm 685, thuộc thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thuỷ, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) có hài cốt liệt sĩ, tổ tìm kiếm lâm thời được giao nhiệm vụ lên đường, tiếp cận hiện trường, có sự hỗ trợ của đại diện cấp uỷ, chính quyền và Ban CHQS xã, cùng với lực lượng dân quân xã. Khi tổ công tác đến một cửa hang trên cao điểm 685 thì phát hiện một bộ hài cốt liệt sĩ. Sau khi tiến hành các thủ tục cần thiết, tổ tiến hành cất bốc. Sự thận trọng kết hợp với linh cảm của những người có thâm niên đi làm công việc thiêng liêng này khiến các anh tiếp tục rọi đèn pin xuống hang và phát hiện có những dấu hiệu cho thấy có thể có hài cốt liệt sĩ. Xuống hang, tổ công tác phát hiện 3 bộ hài cốt liệt sĩ như đang ở tư thế ôm lấy nhau trước lúc hy sinh.
Thiếu tá Nguyễn Đức Hiệp nghèn nghẹn giọng: Giây phút ấy thật thiêng liêng. Chúng tôi vô cùng xúc động vì sự hy sinh cao cả của các anh, và cũng phấn khởi bởi trong chuyến đi này đã đưa được 4 hài cốt liệt sĩ trở về sau bao năm các anh nằm trong hang núi.
Thành kính dâng hương tưởng nhớ, tri ân công lao các liệt sĩ vừa được Bộ CHQS tỉnh Hà Giang tìm kiếm, quy tập.
Theo các cán bộ Ban Chính sách (Bộ CHQS tỉnh Hà Giang), vị trí hài cốt liệt sĩ mà nhân dân cung cấp thông tin trong thời gian qua thường gần lối mòn trên đường bà con đi chăn nuôi, canh tác, lấy củi. Trong khi số lượng thống kê cho thấy số liệt sĩ cần tìm kiếm, quy tập ở Hà Giang hiện nay vào khoảng 1.315 hài cốt, phần lớn tập trung ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, đặc biệt là có mật độ lớn bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh.
Theo Đại tá Phạm Văn Vĩnh, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang, để có thể đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ thì cần phải “khai thông” những con đường, những khu vực có hài cốt liệt sĩ, bằng cách khẩn trương tổ chức rà phá bom mìn, vật nổ sau chiến tranh. Ngoài ra, đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép Hà Giang thành lập tổ tìm kiếm chuyên trách, thay vì tổ lâm thời như hiện nay. Khi có tổ chuyên trách với lực lượng, phương tiện kỹ thuật đúng, đủ theo quy định, thì việc tìm kiếm, quy tập chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Bộ CHQS tỉnh Hà Giang cũng mong muốn Ban chỉ đạo quốc gia 1237 kiến nghị với Chính phủ nâng mức hỗ trợ ngày công cho lực lượng tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong nước cho phù hợp với điều kiện thực tế, vì họ phải thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn rừng núi hiểm trở, đi lại rất khó khăn, gian khổ, còn nhiều bom mìn, vật nổ tạo ra nguy hiểm chực chờ.
Những ngày này, mưa vẫn đổ mỗi chiều trên đất Hà Giang. Dòng Sông Lô chảy ngang qua Bộ CHQS tỉnh ngầu đỏ, cuồn cuộn sóng. Một phần nước trong dòng sông ấy là từ những vách đá cao đổ xuống. Ở những đỉnh cao vời vợi ấy vẫn còn nhiều hài cốt liệt sĩ đang nằm lại sau chiến tranh. Chúng tôi chợt nhớ tới lời tâm sự chất chứa nỗi niềm của Đại tá Phạm Văn Vĩnh: Nếu chúng ta không đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, khi mưa lớn, đất đá sạt lở, hài cốt liệt sĩ đang nằm lại nơi núi cao sẽ bị cuốn ra sông suối và sẽ không bao giờ tìm được nữa.
Mong rằng bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh sớm được rà phá, để bước chân của các đội, tổ tìm kiếm tiến nhanh hơn. Và cũng mong rằng các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân tham gia trách nhiệm, nhiệt tình hơn nữa vào công việc thiêng liêng này, để hành trình trở về của các liệt sĩ thêm ngắn lại./.
HOÀNG HÀ – MẠNH THẮNG – VIỆT CƯỜNG