Nhà tình nghĩa và những ngày công nghĩa tình

Theo Trung tá Phạm Văn Trường, Phó trưởng Phòng Chính sách (Cục Chính trị Quân khu 2), “đền ơn đáp nghĩa” là nội dung công tác luôn được lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ các cấp trong toàn quân khu quan tâm thực hiện bằng cả tình cảm và trách nhiệm. Trong những năm qua, lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 2 đã xây dựng 276 nhà tình nghĩa tặng các đối tượng chính sách trị giá 21,8 tỉ đồng; thăm, tặng quà, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đối tượng người có công với cách mạng, thương binh, gia đình liệt sĩ với số tiền gần 15 tỉ đồng; tu sửa nghĩa trang liệt sĩ với gần 6 nghìn ngày công.

Trong năm 2017, Quân khu 2 được Bộ Quốc phòng giao xây dựng 22 nhà tình nghĩa. Tuy nhiên, ngoài 22 ngôi nhà được giao, quân khu đã vận động xã hội hóa được thêm 4 nhà ở và một nhà y tế tặng thương binh, bệnh binh nặng đang điều dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ.

leftcenterrightdel
Đại diện Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ và đại diện các ban, ngành, đoàn thể cắt băng khánh thành và trao tặng nhà tình nghĩa ở Hạ Hòa, Phú Thọ.
Tìm hiểu tại Sư đoàn 316, chúng tôi được biết, từ năm 2012 đến nay, sư đoàn đã dành hơn 3.700 ngày công giúp địa phương tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, bia tưởng niệm và giúp đỡ các gia đình chính sách; khám bệnh, tư vấn và cấp thuốc miễn phí tại 13 xã thuộc các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái. Đặc biệt, đơn vị đã triển khai xây dựng 10 nhà tình nghĩa (riêng năm 2017 là 3 nhà) và 12 nhà đồng đội, trị giá hơn 1,5 tỉ đồng. Thượng tá Phạm Viết Khánh, Phó Chính ủy Sư đoàn 316 phấn khởi chia sẻ: Ngoài giá trị 70 triệu đồng/nhà tình nghĩa, đơn vị còn tích cực hỗ trợ ngày công trong quá trình triển khai xây dựng nhà.

Điều đáng nói là mỗi khi triển khai xây dựng nhà tình nghĩa, các đơn vị của Sư đoàn 316 đều huy động từ 10 đến 12 cán bộ, chiến sĩ tham gia nhiều phần việc. Đặc biệt, đơn vị còn chọn những đồng chí có “hoa tay” xây dựng đảm nhiệm phần việc thợ xây và phụ xây. Bằng tình cảm và trách nhiệm của mình, những “thợ xây” tay trái đã tạo ra những ngôi nhà kiên cố, chất lượng, và giá trị ngày công mà các anh gửi gắm vào mỗi ngôi nhà trung bình từ 100 đến 150 triệu đồng.

Ở Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ, hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” cũng được lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ các cấp quan tâm chú trọng. Riêng năm 2016, Bộ CHQS tỉnh vận động đóng góp xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 200 triệu đồng; xây dựng, trao tặng 2 nhà tình nghĩa; chăm sóc, phụng dưỡng 11 Bà mẹ Việt Nam anh hùng với số tiền hơn 130 triệu đồng.

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ.  
Trong những năm qua, hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” cũng đã được Bộ CHQS tỉnh Hà Giang triển khai tích cực, mang lại ý nghĩa sâu sắc và đạt hiệu quả cao. Đại úy Hoàng Thế Duyệt, phụ trách Ban Chính sách (Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Hà Giang) cho biết: Hiện Bộ CHQS tỉnh đang nhận chăm sóc, phụng dưỡng một Mẹ Việt Nam anh hùng. Trong các năm từ 2012-2017, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã đóng góp 900 triệu đồng vào Qũy “Đền ơn đáp nghĩa”; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 5 nghìn lượt người; đóng góp hơn 4 nghìn ngày công lao động giúp đỡ các gia đình chính sách. Đặc biệt, Bộ CHQS tỉnh đã tiến hành xây dựng và trao 14 nhà tình nghĩa, 7 nhà đồng đội tặng các đối tượng chính sách và quân nhân có hoàn cảnh khó khăn…

Câu chuyện đẹp từ sự tri ân

Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thủy là thương binh hạng 1/4 trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cuộc sống của ông gắn với Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ đã nhiều năm nay. Những mảnh đạn còn nằm trong sọ não luôn hành hạ ông mỗi khi trái gió, trở trời. Sự quan tâm của quân đội cũng như sự tri ân của thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay đối với những đóng góp của cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thủy đã viết nên một câu chuyện đẹp mà nhân vật chính trong câu chuyện ấy là con trai ông, Trung úy Nguyễn Thành Trung.

Trước mặt chúng tôi là một sĩ quan đẹp trai, cao to, vạm vỡ. Với nụ cười tươi, Trung kể về những ngày bươn chải ngoài đời trước đi về làm Trợ lý thể thao, thuộc Phòng Quân huấn, Bộ Tham mưu Quân khu 2.

Học Đại học Thể dục thể thao từ năm 2003-2007, ra trường Trung “chạy xô” làm huấn luyện viên, giáo viên ở rất nhiều nơi, từ Sở Thể dục thể thao Phú Thọ, Trường Cao đẳng Dược, Đại học Hùng Vương rồi các trường THPT trên địa bàn. Công việc không ổn định lại nay đây mai đó nên dẫu “cao to, đẹp trai” nhưng ra trường gần chục năm mà Trung vẫn là “lính phòng không”. Năm 2013, nhờ chính sách ưu đãi đối với con thương binh, bệnh binh nặng vào làm việc trong quân đội, theo Chỉ thị số 97/CT-BQP ngày 18-7-2011 của Bộ Quốc phòng, Nguyễn Thành Trung đã được tuyển dụng về Trường quân sự Quân khu 2, và đến năm 2016 được điều chuyển về công tác tại Phòng Quân huấn, Bộ tham mưu Quân khu.

“Nhờ chính sách ưu đãi và sự tri ân của quân đội đối với gia đình thương binh nặng nên công việc của tôi nay rất ổn định, bản thân luôn yên tâm công tác”, Trung chia sẻ. Sau khi được tuyển dụng vào quân đội, Trung quyết định lập gia đình và 2 vợ chồng anh đã có một cô con gái năm nay lên 3 tuổi.

Trung tá Phạm Văn Trường còn cho chúng tôi biết thêm, cách Phòng Chính sách không xa, cũng có một đồng chí được tuyển dụng về công tác tại Cục Chính trị Quân khu nhờ chính sách ưu đãi đối với con thương binh, bệnh binh nặng. Chị là một nữ phóng viên của Báo Quân khu 2.

leftcenterrightdel
Các y, bác sĩ thuộc Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ khám bệnh, tư vấn, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách và bà con nhân dân trên địa bàn huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. 
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27-7-1947/27-7-2017), các cơ quan, đơn vị trong toàn Quân khu 2 đã tích cực, chủ động phối hợp với các ngành liên quan, tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương đẩy mạnh các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa" như phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; đỡ đầu con liệt sĩ; chăm sóc, giúp đỡ thương binh nặng, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học nặng, thân nhân liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn; tặng sổ tiết kiệm, công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, gặp mặt tặng quà, khám chữa bệnh cấp thuốc miễn phí đối với cán bộ quân đội tham gia kháng chiến các thời kỳ có nhiều công lao cống hiến và người có công với cách mạng.

Thượng tá Phạm Viết Khánh, Phó Chính ủy Sư đoàn 316 cho biết thêm, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh, Liệt sĩ, trong các ngày từ 20 đến 25-7, các đơn vị thuộc Sư đoàn 316 sẽ phối hợp cùng các địa phương tu sửa nghĩa trang liệt sĩ. Thực hiện kế hoạch chung của Quân khu 2, vào tối 26-7, các đơn vị của sư đoàn sẽ đồng loạt thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn các đơn vị đóng quân.

HOÀNG HÀ – MẠNH THẮNG – VIỆT CƯỜNG

Bài 3: Giúp thương binh, bệnh binh vượt lên thương tật, làm giàu