Bài 1: Tập trung giải quyết tồn đọng

Một trong những mặt công tác chính sách được Quân khu 2 phấn đấu đẩy nhanh tiến độ trong thời gian qua là giải quyết tồn đọng chính sách đối với thương binh, liệt sĩ theo Nghị định 31 của Chính phủ Quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, bảo đảm chặt chẽ, đúng chế độ, chính sách, không để dây dưa, kéo dài…

Nhiều khó khăn chi phối

Làm việc với Phòng Chính sách, Cục Chính trị Quân khu 2, các anh đã cung cấp cho chúng tôi những thông tin cơ bản, quan trọng về công tác chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công trên địa bàn quân khu.

leftcenterrightdel
Thực hiện chi trả chế độ trợ cấp 1 lần đối với đối tượng dân công hỏa tuyến theo Quyết định 49 của Thủ tướng Chính phủ, tại TP Việt Trì, Phú Thọ. 
Là nơi trực tiếp xảy ra các cuộc chiến đấu ác liệt trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, hiện nay trên địa bàn Quân khu 2 vẫn còn hàng nghìn thương binh, liệt sĩ chưa được công nhận, giám định để được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, vì nhiều lý do khác nhau.

“Hiện nay, tổng số hồ sơ tồn đọng theo số liệu khảo sát là 1.432 trường hợp”, Trung tá Hà Văn Sơn, Trợ lý Phòng Chính sách cho biết. Cũng theo các cán bộ Phòng Chính sách, hiện có rất nhiều khó khăn tác động đến công tác giải quyết tồn đọng về chính sách, như thời gian hy sinh, bị thương của các đối tượng tính đến nay quá lâu; phần lớn nhân chứng tuổi đã cao, sức khỏe yếu; một số đơn vị đã giải thể nên khó khăn trong việc xác minh; việc lưu giữ hồ sơ, danh sách quân nhân hy sinh, bị thương ở một số đơn vị không được đầy đủ…

Bên cạnh đó, cũng có nhiều khó khăn từ phía đối tượng và thân nhân như có những trường hợp trước đây đã được báo tử, xác nhận là tử sĩ hoặc quân nhân từ trần, nay thân nhân đối tượng khai là chưa được báo tử hoặc mất tin, mất tích. Có những trường hợp trong hồ sơ, lý lịch, giấy tờ gốc liên quan không ghi bị thương, sức ép, nhưng lại tự ghi vào hoặc tẩy xóa, tô lại, viết đè lên, thậm chí có người còn bỏ giấy tờ gốc, mua giấy tờ giả để lập hồ sơ. Cùng với đó, hồ sơ giấy tờ của một số đối tượng lâu ngày chữ viết nhòe, rách nát, mối mọt nên việc thẩm định hồ sơ rất khó khăn…

Tại Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ, chúng tôi cũng được nghe chia sẻ về những khó khăn trong trong công tác này. Thượng tá Đào Đức Hanh, Phó chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ cho biết: Phú Thọ là một trong những tỉnh có đối tượng chính sách nhiều nhất của Quân khu 2, trong khi đó địa bàn rộng, trình độ dân trí không đồng đều…chi phối rất lớn đến quá trình tiếp nhận, thẩm định, xác minh…

Tại Sư đoàn 316, Thượng tá Phạm Viết Khánh, Phó chính ủy sư đoàn cho biết: Trong giải quyết tồn đọng về chính sách, khó khăn nhất đối với đơn vị là việc lưu trữ hồ sơ. Qua nhiều năm sử dụng, hồ sơ giấy tờ bị mất, rách, nhòe; ngoài ra kết quả giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị của sư đoàn có nội dung chưa đầy đủ và chính xác…, nên rất khó khăn trong việc tìm kiếm, tra cứu thông tin.

Đa dạng biện pháp tiến hành

Theo Trung tá Phạm Văn Trường, Phó trưởng Phòng Chính sách (Cục Chính trị Quân khu 2), công tác giải quyết tồn đọng về chính sách đối với thương binh, liệt sĩ đòi hỏi phải được tiến hành khẩn trương, nhằm bảo đảm cho thương binh, thân nhân liệt sĩ được hưởng chế độ sớm nhất có thể, song đây cũng là mặt công tác phải được tiến hành đúng nguyên tắc, quy trình để không xảy ra sai sót, và cũng cần thấu tình, đạt lý để tránh những thiệt thòi không đáng có đối với những người đã hy sinh xương máu cho đất nước.

Để đẩy nhanh công tác giải quyết tồn đọng chính sách đối với thương binh, liệt sĩ, người có công, ngành chính sách Quân khu 2 đã triển khai nhiều biện pháp, như tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách các cấp; hướng dẫn tỉ mỉ, cụ thể cho đối tượng và thân nhân đối tượng trong kê khai, xác lập hồ sơ; các cấp tiếp nhận hồ sơ, thẩm định đến đâu báo cáo đến đó, thay vì chờ đợi đủ số lượng mới tổng hợp báo cáo; tổ chức xác minh kỹ hồ sơ tài liệu, giấy tờ nếu chưa bảo đảm tính pháp lý.

Trung tá Hà Văn Sơn chia sẻ: Các cấp trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ có trách nhiệm kiểm tra, xem xét, hoàn thiện hồ sơ theo thẩm quyền, báo cáo lên cấp trên trực tiếp. Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức bố trí xe và phân công cán bộ đưa đón các đối tượng thuộc phạm vi đơn vị quản lý đi giám định và nghe kết quả đối với từng cá nhân.

leftcenterrightdel
 Thực hiện chi trả chế độ trợ cấp một lần đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước theo Quyết định 142 của Thủ tướng Chính phủ, tại huyện Đoan Hùng, Phú Thọ.
Ở Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ, hoạt động tuyên truyền rất được coi trọng trong tiến hành công tác giải quyết tồn đọng chính sách. Theo đó, mặt công tác này, đặc biệt là nội dung giải đáp chế độ chính sách, được tuyên truyền sâu rộng trên đài Phát thanh-Truyền hình Phú Thọ, Báo Phú Thọ. Số điện thoại của Trợ lý chính sách cũng được công khai trên các phương tiện truyền thông đó để người dân có thể dễ dàng liên hệ khi cần thiết. Ngoài ra, Bộ CHQS Phú Thọ cũng đã phát hành cuốn tài liệu Một số nội dung cơ bản về chế độ chính sách và khen thưởng cống hiến tồn đọng, cấp đến Ban CHQS cấp xã. Một trong những biện pháp quan trọng khác được Phú Thọ coi trọng là phát huy tốt vai trò của Hội đồng chính sách các cấp, trong đó coi trọng thông tin, chính kiến của các thành phần như cựu chiến binh và người cao tuổi trong hội đồng.

Tại huyện Đoan Hùng (Phú Thọ), Trung tá Nguyễn Dũng Tiến, Chính trị viên Ban CHQS huyện Đoan Hùng cho biết, đã từng dự cuộc họp của Hội đồng chính sách tại các xã, cựu chiến binh và người cao tuổi thực sự là “nhân chứng sống” cung cấp nhiều thông tin quan trọng, để việc xác minh các đối tượng bảo đảm tính chính xác.

Ngoài ra, trong thời gian qua, Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ cũng đã tích cực thẩm định, xét duyệt, báo cáo cấp trên và hoàn thiện thủ tục chi trả chế độ cho các đối tượng theo Quyết định 62, 49, 15 đúng quy định; thực hiện tiếp công dân, giải đáp ý kiến về chế độ chính sách có hiệu quả, riêng trong năm 2016 đã giải quyết đơn thư cho 152 trường hợp.

Là đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Sư đoàn 316 (Quân khu 2) cũng rất coi trọng việc giải quyết chính sách thương binh, liệt sĩ. Thượng tá Phạm Viết Khánh cho biết: Giải quyết tồn đọng chính sách được sư đoàn xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, và là nhiệm vụ trọng tâm của ngành chính sách. Đơn vị đã coi trọng công tác quản lý hồ sơ; liên hệ chặt chẽ với các địa phương có liệt sĩ là cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn để phục vụ việc đối chiếu, xác minh. Nhờ đó, trong giải quyết tồn đọng chính sách, đơn vị đã tiếp nhận 634 công văn, đơn thư đề nghị giải quyết chế độ thương binh; tiến hành cấp giấy chứng nhận bị thương và đề nghị cho 458 trường hợp đủ điều kiện giám định thương tật./.

HOÀNG HÀ – MẠNH THẮNG- VIỆT CƯỜNG

Bài 2: “Đền ơn đáp nghĩa” thiết thực, hiệu quả