Toạ đàm nhằm ghi nhận các  ý kiến, quan điểm xây dựng của các nhà khoa học, các chuyên gia về tính đặc thù của hoạt động dầu khí trong quá trình xây dựng Luật Dầu khí sửa đổi; vị trí, chức năng của PVN trong quản lý các hoạt động dầu khí.

Quang cảnh toạ đàm. 

Luật Dầu khí ra đời năm 1993 là mốc quan trọng đánh dấu sự hình thành của hệ thống các văn bản pháp lý về dầu khí và được bổ sung, sửa đổi vào năm 2000 và năm 2008 để từng bước hoàn thiện. Tuy nhiên, bối cảnh quốc tế và trong nước đã có nhiều thay đổi, tác động lớn đến sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện hoạt động dầu khí đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc chưa được điều chỉnh bởi Luật Dầu khí và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn luật hoặc quy định chưa phù hợp hoặc chưa đồng bộ, chồng chéo với các quy định pháp luật khác. Vì lý do trên, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) cho phù hợp với bối cảnh mới để loại bỏ các bất cập, vướng mắc phát sinh, đồng thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí là cần thiết.

Mục đích cơ bản của việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) nhằm hoàn thiện khung pháp lý về dầu khí, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống luật pháp trong các hoạt động dầu khí, phù hợp với các cam kết quốc tế và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

Phát biểu mở đầu toạ đàm, ông Lê Ngọc Sơn, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn PVN cho biết: "Những năm qua đặc biệt là năm 2020, khủng hoảng kép do dịch Covid-19 và giá dầu suy giảm đã tác động rất tiêu cực đến nền kinh tế thế giới cũng như trong nước, trong đó dầu khí là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất".

Ông Lê Ngọc Sơn, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn PVN phát biểu tại toạ đàm. 

Ông Lê Ngọc Sơn cũng cho hay, với nguyên tắc xây dựng, sửa đổi bổ sung Luật Dầu khí trên cơ sở 6 nhóm chính sách lớn mà Bộ Công Thương trình Chính phủ tại Tờ trình số 9601/TTr-BCT ngày 14-12-2020 về đề nghị xây dựng Luật Dầu khí (thay thế Luật Dầu khí 1993, sửa đổi bổ sung năm 2000 và 2008), trên cơ sở nhận diện các bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Dầu khí hiện hành, ngày 19-10-2021 Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã gửi ý kiến cho Bộ Công Thương về Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi với các mục tiêu: Đề xuất các sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khung pháp lý phù hợp cho hoạt động dầu khí; khôi phục tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí để thu hút được nguồn vốn đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài.

Cùng với đó, bảo đảm tính logic, đồng bộ, thống nhất giữa các nội dung của Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi. “Nguyên tắc đặt ra là các nội dung luật pháp về dầu khí giúp cho hoạt động dầu khí trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam nói chung và hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nói riêng mang đầy đủ đặc trưng, đặc thù của ngành dầu khí theo thông lệ Quốc tế”- ông Lê Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Ông Trần Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương phát biểu tại toạ đàm. 

Tham luận tại toạ đàm, các ý kiến khẳng định, trải qua 60 năm hình thành và phát triển, đến nay, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã xây dựng được hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm thăm dò khai thác - phát triển công nghiệp khí - điện - chế biến và dịch vụ dầu khí, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng đất nước.

Góp ý tại toạ đàm, ông Trần Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương khẳng định, dầu khí là ngành đặc thù, công nghệ nguồn của các ngành nghề khác. Quy hoạch của ngành dầu khí là để phát triển các ngành điện, công nghiệp phụ trợ, chế tạo… Ông Trần Thanh Tùng cho biết, trong 6 nhóm chính sách lớn của dự thảo luật, gia hạn hợp đồng dầu khí là quan trọng bởi lẽ thời gian tìm kiếm thăm dò dầu khí lâu hơn.

Tin, ảnh: VŨ DUNG