Đối diện khó khăn

Dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư đã ảnh hưởng nặng nề, toàn diện đến hoạt động SXKD và đầu tư của Petrovietnam ở cả 5 lĩnh vực hoạt động chính, trong đó các lĩnh vực: Lọc hóa dầu và phân phối sản phẩm dầu khí; công nghiệp khí; công nghiệp điện; dịch vụ dầu khí chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề nhất.

Người lao động dầu khí làm việc trên biển.

Chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị gián đoạn, đứt gãy, lưu thông hàng hóa, sản phẩm, nguyên nhiên vật liệu của các đơn vị đã gặp khó khăn do nhân lực, phương tiện vận chuyển phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch chặt chẽ như xét nghiệm PCR, cách ly trước và sau khi di chuyển ra khỏi các tỉnh, thành… Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm khí, điện, xăng dầu và hóa dầu suy giảm mạnh do giãn cách xã hội và siết chặt giao thông; tồn kho sản phẩm cao dẫn đến các nhà máy lọc dầu đã phải giảm công suất, nguy cơ dừng sản xuất trong thời gian tới là rất lớn, cụ thể: Sản lượng khí khô cung ứng và tiêu thụ 8 tháng đầu năm 2021 giảm 15% so với với cùng kỳ năm 2020; kinh doanh xăng dầu và các sản phẩm hóa chất, phân bón đều giảm mạnh so với cùng kỳ; tồn kho xăng dầu của các Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn tăng cao dẫn đến phải giảm công suất xuống mức tối thiểu và đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động. Công tác tổ chức làm việc kéo dài ngoài biển và ở nước ngoài (Malaysia, Brunei, Quarta…); việc nhập cảnh chuyên gia nước ngoài vào các nhà máy, công trình dầu khí gặp nhiều khó khăn làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như Sông Hậu 1, Thái Bình 2,… ảnh hưởng tiến độ bảo dưỡng tổng thể, sửa chữa tại một số nhà máy, công trình tại các đơn vị thành viên. Không chỉ khó khăn từ dịch bệnh Covid-19, Petrovietnam còn gặp phải những vướng mắc không nhỏ do cơ chế, chính sách chưa được điều chỉnh kịp thời như Luật Dầu khí, cơ chế đầu tư cho lĩnh vực E&P,… Hiện, Petrovietnam có 48 nhóm việc đang được kiến nghị cần được Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tháo gỡ. Cùng với việc phải bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động, duy trì ổn định hoạt động SXKD, Petrovietnam còn phải chịu áp lực hết sức nặng nề đối với các chỉ tiêu, nhiệm vụ mới được giao.

Thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp

Đứng trước muôn vàn khó khăn, với mục tiêu “bảo đảm sức khỏe cho người lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh đầu tư tiếp tục duy trì ổn định, an toàn, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm thông suốt”, cùng với nhận diện các khó khăn và cơ hội phát sinh để giữ vững kết quả đã đạt được trong 8 tháng đầu năm, bảo đảm dòng tiền hoạt động của các đơn vị thành viên được thông suốt đáp ứng tốt nhu cầu SXKD và đầu tư, hoàn thành kế hoạch cả năm 2021 ở mức cao nhất”, tập đoàn đã và đang thực hiện quyết liệt, đồng bộ 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp ứng phó dịch Covid-19. Đối với việc bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động, Petrovietnam tập trung vào tiếp tục nghiêm túc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động và SXKD cao hơn so với yêu cầu chung; tiếp cận các nguồn vaccine và tổ chức tiêm vaccine an toàn, bảo đảm 2 liều/1 người cho toàn bộ người lao động; sẵn sàng trang thiết bị an toàn phòng chống dịch tại tập đoàn và các đơn vị để kịp thời hỗ trợ cho các đơn vị khi phát sinh nhu cầu… Đối với sản xuất kinh doanh-đầu tư duy trì ổn định an toàn, liên tục, Petrovietnam tập trung tổ chức thực hiện tốt phương châm “ba tại chỗ”, “hai điểm đến, một cung đường” đối với người lao động trực tiếp làm việc tại các nhà máy, dự án, công trình dầu khí. Chủ động áp dụng các kịch bản xuất hiện F0 tại khu vực sản xuất (đã được xây dựng) để đưa ra phương án ứng phó phù hợp; chia sẻ, điều phối nguồn lực, nhân lực, vật lực (kho chứa) để giảm áp lực tồn kho giữa các đơn vị trong Petrovietnam; xây dựng các kịch bản điều hành hoạt động SXKD trong toàn tập đoàn bảo đảm linh hoạt và phù hợp với các chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Công nhân dầu khí trên công trường nhà máy khí.

Để bảo đảm lưu thông nguyên nhiên vật liệu sản xuất, sản phẩm nhằm duy trì công tác tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm thông suốt góp phần ổn định thị trường; trong đó tập trung thực hiện bám sát các diễn biến của thị trường, rà soát số liệu tồn kho, nhu cầu thuê kho của các đơn vị trong bối cảnh nhu cầu các sản phẩm đang giảm sút nghiêm trọng. Để bảo đảm tiến độ các dự án đầu tư, Petrovietnam đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án hoàn thành trong năm 2021, 2022; phân cấp triệt để trong công tác quản trị đầu tư, đi đôi với tăng cường giám sát kiểm tra thực hiện; hoàn thành các thủ tục liên quan đến đầu tư lĩnh vực E&P để trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt/thông qua làm cơ sở triển khai thực hiện; tập trung cho các dự án E&P trong khu vực truyền thống. Xác định những tháng cuối năm còn nhiều khó khăn, thách thức, để giữ vững kết quả đã đạt được, Petrovietnam tiếp tục tập trung 5 nhóm giải pháp. Trong đó, yêu cầu người đại diện/thủ trưởng các đơn vị triển khai cập nhật, dự báo diễn biến của dịch bệnh, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện kịp thời việc tiêm vaccine mũi 2 cho người lao động toàn tập đoàn. Bảo đảm SXKD-đầu tư duy trì ổn định an toàn, liên tục.

Xây dựng mô hình hoạt động tại các nhà máy, công trường phù hợp từng giai đoạn kiểm soát dịch bệnh bảo đảm chủ động trong hoạt động SXKD; triển khai đồng bộ chuyển đổi số và ứng dụng các nền tảng số ở tất cả các đơn vị trong tập đoàn, (tập trung triển khai thống nhất hệ thống ERP); hoàn thành số hóa toàn bộ nghiệp vụ, quy trình, hệ thống quản trị trong năm 2021; chủ động nắm bắt thời cơ, tiếp tục đẩy mạnh “quản trị biến động”, thường xuyên cập nhật dữ liệu, dự báo thị trường, đưa ra kịch bản tối ưu, đảm bảo hiệu quả cho các hoạt động của tập đoàn… Petrovietnam tin tưởng, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao và tạo điều kiện thuận lợi của Đảng, Chính phủ, của các cấp, các ngành và các địa phương, cùng với truyền thống “vượt khó”-giá trị cốt lõi của văn hóa Petrovietnam, người lao động dầu khí sẽ nỗ lực, kiên cường để có thể hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Bài, ảnh: AN SƠN