Ông Nguyễn Hồng Minh.

Phóng viên (PV): Ông đánh giá vai trò của ngành dầu khí đối với quốc gia như thế nào trong những năm qua?

Ông Nguyễn Hồng Minh: Đối với Việt Nam, ngành dầu khí đang đóng góp quan trọng về dầu, khí, điện vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Đến nay, ngành dầu khí đã khai thác được gần 400 triệu tấn dầu, 150 tỷ mét khối khí đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sản xuất 170 tỷ kWh điện (chiếm khoảng 15% tổng công suất lắp đặt và 30% tổng sản lượng điện cả nước), 55 triệu tấn sản phẩm xăng dầu (chiếm 33% tổng nhu cầu cả nước). Tỷ trọng đóng góp của dầu khí trong cơ cấu năng lượng Việt Nam rất cao, bình quân 40% tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, khoảng 35% tổng nhu cầu tiêu thụ năng lượng cuối cùng trong giai đoạn từ năm 2005 đến nay.

Liên tục nhiều năm liền ngành dầu khí đã đóng góp cho tăng trưởng GDP với tỷ trọng hơn 20%, chiếm hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước, khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Kể cả trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất trong nước suy giảm thì ngành dầu khí vẫn duy trì tăng trưởng, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường. Qua 60 năm không ngừng nỗ lực từ buổi ban đầu để xây dựng và phát triển được một hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí đến vận chuyển, chế biến, lọc hóa dầu và phân phối tiêu thụ, ngành dầu khí đã thực hiện được chiến lược của Đảng và Nhà nước, trở thành biểu tượng năng lượng cho phát triển đất nước.

Hoạt động khai thác, thăm dò dầu khí trên biển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Ảnh do PVN cung cấp.

PV: Hiện nay, ngành dầu khí đang phải đối mặt với những thách thức gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Minh: Hiện nay, ngành dầu khí đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đó là cơ chế tài chính cho công tác khoan thăm dò dầu khí còn nhiều vướng mắc, chồng chéo dẫn đến việc gia tăng trữ lượng không đáng kể và gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn chưa được phê duyệt Quy chế quản lý tài chính của công ty mẹ PVN nên hoạt động tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và rất dễ dẫn tới các sai phạm. Trong khi đó, sự suy giảm các nguồn năng lượng truyền thống, trong đó có dầu khí là nguồn tài nguyên quý giá không thể tái tạo cũng đang là thách thức lớn.

PV: Ngành dầu khí những năm gần đây ít ký được các hợp đồng lớn và thu hút vốn FDI. Vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?

Ông Nguyễn Hồng Minh: Nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu USD, thậm chí hàng tỷ USD để đầu tư vào ngành dầu khí chúng ta. Tuy nhiên, thực tế là những năm gần đây, PVN ký được rất ít hợp đồng dầu khí mới, khiến hoạt động khoan thăm dò rất èo uột với vốn đầu tư cho hoạt động này chỉ bằng 25% so với giai đoạn trước đây. Nguyên nhân chính là do cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài vào tìm kiếm thăm dò gia tăng trữ lượng trước đây đã không còn phù hợp và chưa được sửa đổi nên hoạt động này đang bế tắc. Có thể những quy định đó trước đây là tốt, nhưng đến bây giờ thị trường đã thay đổi, chúng ta chưa thay đổi sẽ không theo kịp...

PV: Theo ông, ngành dầu khí phải làm thế nào để vượt qua thách thức?

Ông Nguyễn Hồng Minh: Trước hết, ngành dầu khí phải tái cấu trúc để hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn. Trong đó, cần nâng cao hệ thống quản trị và công nghệ để theo kịp với bước tiến của các đối tác. Đặc biệt, Luật Dầu khí cần sớm được sửa đổi cho phù hợp với bối cảnh mới nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ngành. Bên cạnh đó, cần nâng cao giá trị sử dụng khí tự nhiên bằng cách đẩy mạnh đầu tư chế biến sâu khí thiên nhiên, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành dầu khí. Ngoài ra, việc lập kho dự trữ năng lượng quốc gia sẽ là giải pháp để đối phó với tình trạng khẩn cấp khi có gián đoạn về nguồn cung; đẩy mạnh tìm kiếm thăm dò các nguồn tài nguyên năng lượng, trong đó có dầu khí là giải pháp thường xuyên nhằm tăng cường khả năng khai thác sản xuất các nguồn năng lượng sơ cấp, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

LA DUY (thực hiện)