Theo Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh sẽ tham dự và chỉ đạo; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long sẽ chủ trì diễn đàn.

Quang cảnh họp báo. 

Diễn đàn được tổ chức nhằm kịp thời nhận diện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc pháp lý liên quan; qua đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển; đồng thời, để tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thanh Tú cho biết, trong đại dịch và hậu đại dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có rất nhiều nỗ lực phòng, chống dịch bệnh đồng thời thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Các chính sách được ban hành rất nhiều và rất nhanh, nhưng phản ứng chính sách, điều chỉnh chính sách còn có những điểm chậm, chưa hợp lý.

“Chúng tôi đã tổng hợp lại và nội dung này sẽ nằm trong Phiên thảo luận thứ nhất với chủ đề “Tiếp cận các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế và quản trị rủi ro pháp lý”, Vụ trưởng Nguyễn Thanh Tú nói. 

Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 được tổ chức trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đang “đau đầu” để lựa chọn, đề xuất, quyết định giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển (cũng như điều chỉnh, xử lý các vấn đề phát sinh) trước những tác động mạnh mẽ, sâu rộng của đại dịch Covid-19 và tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, nền kinh tế toàn cầu đã và đang đối mặt với nhiều bất ổn, khó lường. 

Diễn đàn được tổ chức với mục tiêu trở thành một kênh trao đổi, kết nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Qua những ý kiến phản ánh từ phía doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương có thêm thông tin, nắm bắt được một cách sâu sát tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp để từng bước có giải pháp tháo gỡ. Ngược lại, doanh nghiệp cũng nhận diện được tầm quan trọng của thể chế, pháp luật trong việc đảm bảo ổn định và thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, hiểu rõ hơn về vai trò của doanh nghiệp trong đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả. 

 Vụ trưởng Nguyễn Thanh Tú trả lời câu hỏi của Báo Quân đội nhân dân. 

Đây là hoạt động mang tính chất đặc trưng, liên ngành của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành do Bộ Tư pháp chủ trì, thể hiện cam kết, quyết tâm của Bộ Tư pháp trong việc nhận diện và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.  

CHIẾN THẮNG