Phát biểu tại buổi họp báo, Chánh văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, trong quý I, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 văn bản do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng. Tính đến ngày 26-3, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành được 31 văn bản quy định chi tiết 12 luật đã có hiệu lực.

Bộ Tư pháp cũng đã thẩm định 4 đề nghị xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội; 25 dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), trong đó có một số đề nghị, dự án quan trọng như: Đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế... 

Bộ đã kiểm tra theo thẩm quyền 466 văn bản (của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương); 8 văn bản được kết luận trước năm 2021 đã được các Bộ, ngành, địa phương xử lý.

 Quang cảnh buổi họp báo.

Về công tác thi hành án dân sự (THADS), trong 5 tháng, từ ngày 1-10-2020 đến 28-2-2021, các cơ quan THADS 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thi hành xong 178.437/401.574 việc có điều kiện thi hành án (đạt tỷ lệ 44,43%), tương ứng với số tiền khoảng 19.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 13,5%. Bên cạnh đó, Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã trình Ban Bí thư Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật xử lý vi phạm hành chính.

Hiện nay, Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân” nhằm phổ biến kiến thức, nâng cao hiểu biết về pháp luật, mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), tạo sức lan tỏa lớn để thu hút người dân tham gia; đổi mới, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL và góp phần tích cực động viên, khuyến khích các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia cuộc bầu cử. Cuộc thi được tổ chức từ ngày 1-4 đến ngày 30-4-2021.

Trong quý II-2021, Bộ Tư pháp sẽ tập trung quán triệt, ban hành Chương trình hành động và tổ chức triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII; tiếp tục triển khai thi hành tốt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; thực hiện thẩm định các đề nghị xây dựng, dự thảo VBQPPL bảo đảm chất lượng, tiến độ; theo dõi, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; chỉ đạo thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Hoàn thành bảo đảm tiến độ, chất lượng nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế sau khi được ban hành. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện, trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua: “Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021”.

Tin, ảnh: THÙY DUNG