Vững tin trở về trạng thái bình thường mới
Bên lề Hội nghị Thành ủy TP Hồ Chí Minh lần thứ 9, khóa X, diễn ra vào ngày 14-10, đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố chia sẻ với chúng tôi: “Chưa thể nói TP Hồ Chí Minh đã trở lại trạng thái bình thường mới hoàn toàn, nhưng được như thế này là rất mừng. Thành phố đang dần dần từng bước mở ra”. Để có được câu nói như vậy trước các nhà báo, TP Hồ Chí Minh đã phải trải qua những ngày tháng cực kỳ cân não, cực kỳ gian nan, vất vả với những thử thách chưa từng có.
 |
Đường phố TP Hồ Chí Minh sau khi nới lỏng giãn cách xã hội. |
Từ ngày 1-10 đến nay, đường phố của TP Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An đã đông đúc trở lại. Tuy không thể tấp nập bằng lúc chưa có dịch nhưng tiếng xe cộ với những hàng quán, cơ sở sản xuất, kinh doanh được mở cửa trở lại, cũng khiến chúng ta ấm lòng. Nhiều người đã nói với chúng tôi, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp đã giúp các tỉnh, thành phố phía Nam khống chế và kiểm soát được dịch bệnh. Điều này chứng tỏ niềm tin của nhân dân vào tổ chức đảng, vào chính quyền là rất lớn.
Hơn 20 ngày qua, quan điểm của TP Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận là nới lỏng phục hồi kinh tế phải dựa trên nguyên tắc an toàn, linh hoạt theo kết quả phòng, chống dịch (PCD). Những ngày gần đây, số ca nhiễm Covid-19 ở các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giảm đáng kể. Riêng TP Hồ Chí Minh có ngày giảm xuống dưới 900 ca, còn các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai trên dưới 500 ca, tỉnh Long An dưới 50 ca (có hôm không ghi nhận ca nhiễm mới). Những ca bệnh nặng phải điều trị và ca tử vong cũng giảm rất sâu. Không những vậy, đội ngũ y, bác sĩ ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương còn cơ động xuống một số tỉnh miền Tây Nam Bộ như Sóc Trăng, Bạc Liêu để hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 và công tác PCD. Lãnh đạo thành phố cũng có kế hoạch đi các tỉnh, thành phố trong cả nước để trao đổi về kinh nghiệm chống dịch. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng, là cơ sở để các địa phương vững tin trở về trạng thái bình thường mới.
 |
Công nhân khu Công nghiệp VSIP1 (Thuận An-Bình Dương) thi đua lao động sản xuất trong điều kiện bình thường mới. |
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết: “Hiện nay, Bình Dương cơ bản đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, nới lỏng nhưng chúng tôi vẫn không buông lỏng công tác quản lý. Tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, phải tiếp tục duy trì cao độ công tác PCD”. Với sáng kiến xây dựng mô hình đưa y tế lưu động hoạt động gần dân ở cơ sở, tỉnh Bình Dương cũng mạnh dạn cho phép nhiều lĩnh vực được hoạt động trở lại, nhất là việc tham gia giao thông, sinh hoạt của người dân.
Ở quy mô cấp huyện, tỉnh Đồng Nai không ghi nhận địa phương nào ở cấp độ 3, 4. Vì thế, địa phương cũng cho phép nhiều lĩnh vực được hoạt động. Khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, số doanh nghiệp quay trở lại sản xuất cũng tăng theo. Còn tỉnh Long An vừa triển khai các biện pháp thích nghi với trạng thái bình thường mới, vừa quản lý chặt các địa bàn có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh. Dù các ca nhiễm giảm sâu nhưng Long An chỉ thực sự mở cửa khi đáp ứng đủ các điều kiện PCD.
Quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội
Trong Hội thảo khoa học “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025” do UBND thành phố tổ chức vào sáng 16-10, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đều cho rằng, phục hồi và phát triển KTXH chỉ có thể thực hiện được khi làm tốt công tác PCD.
Theo PGS, TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, đại dịch Covid-19 trong hai năm (2020-2021) đã lấy đi của thành phố 292.957 tỷ đồng, tương đương với 12 tỷ USD. Để phục hồi và phát triển KTXH, thành phố phải nỗ lực cực lớn và rất cần tăng tỷ lệ điều tiết để lại cho ngân sách TP Hồ Chí Minh từ 18 đến 23% của Quốc hội. Mặt khác, cần sử dụng nguồn lực tài trợ cho các gói hỗ trợ tức thời và các gói kích cầu đầu tư mang tính trung hạn cho doanh nghiệp (DN); mở rộng hoạt động kinh tế để DN và người dân tự tổ chức lại sản xuất với động lực tự nhiên; triển khai nhanh những dự án quan trọng bị ngưng trệ... Ngoài ra, thành phố phải tiếp tục có chính sách chăm lo tốt an sinh cho người dân, trong đó, chú ý quan tâm đến trẻ em. Sau hơn 20 ngày nới lỏng giãn cách, 60% DN ở TP Hồ Chí Minh phục hồi sản xuất với quy mô 83%.
Tỉnh Bình Dương cũng có 5 nhóm giải pháp trọng tâm để phục hồi KTXH trong năm 2021. Đó là: Thực hiện các giải pháp mở cửa trở lại những hoạt động sản xuất, kinh doanh theo lộ trình; tập trung khơi thông dòng vốn đầu tư phát triển; tạo đột phá trong cải cách hành chính; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; cung cấp thông tin chính thống, công khai, minh bạch, khách quan để ổn định tâm lý, tạo đồng thuận xã hội, PCD hiệu quả. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho rằng, việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trong những tháng cuối năm 2021 chủ yếu phụ thuộc vào kết quả PCD và khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh của DN. Dù rất khó khăn nhưng địa phương vẫn có nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư với nước ngoài, gần đây nhất là tổ chức hội nghị trực tuyến với hai tập đoàn lớn của Nhật Bản là NTT East và TOKYU.
Còn tỉnh Đồng Nai và Long An đã lên kế hoạch tháo gỡ khó khăn cho DN. Những vấn đề tập trung tháo gỡ bao gồm: Hỗ trợ tiêm vaccine và tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người lao động; làm việc với các ngân hàng giúp DN vay vốn; bảo đảm y tế ở các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất; hỗ trợ xây dựng các nhà máy “xanh”, nhà trọ “xanh”... Đồng chí Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An chia sẻ: “Phục hồi và phát triển KTXH là đòi hỏi khách quan, cấp bách hiện nay. Vì thế, chính quyền, DN và người dân phải chung sức, đồng lòng mới thực hiện được”.
 |
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương và Tổng công ty Becamex IDC tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư với Tập đoàn NTT East (Nhật Bản). |
Những ngày qua, việc nhiều người lao động ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung-Tây Nguyên, miền Tây Nam Bộ trở lại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam làm việc là một tín hiệu đáng mừng. Các địa phương và DN cần phải có kế hoạch đón người lao động thật chặt chẽ và đưa ra những chủ trương, chính sách đúng đắn để giữ chân người lao động như: Bố trí nơi ăn nghỉ chu đáo; chăm lo y tế tận tình; bảo đảm an sinh tốt... Có như vậy, việc khôi phục và phát triển KTXH mới đạt hiệu quả cao.
Liên kết để thực hiện mục tiêu kép
Hiện nay, quan hệ chuỗi cung ứng hàng hóa giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là nhân tố quan trọng cho phát triển kinh tế toàn vùng nhưng đã bị đứt gãy nghiêm trọng. Vì vậy, các địa phương cần chủ động phối hợp với nhau để khai thông các tuyến vận tải, logistics, chấm dứt tình trạng chia cắt theo ranh giới hành chính gây khó khăn cho DN và người lao động.
Theo các chuyên gia kinh tế, những chính sách, thủ tục hành chính của các địa phương đều phải cân nhắc ở cấp độ toàn vùng với mục tiêu phục hồi kinh tế gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh. Không vì chống dịch mà gây ra tình trạng "cát cứ", làm ảnh hưởng đến kinh tế toàn vùng. TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận phải từng bước phục hồi nguồn cung lao động cho các khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất, phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Các địa phương cũng cần hỗ trợ cho ngành y tế, nâng cấp trang thiết bị, hỗ trợ vốn vay, tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ phục hồi sản xuất.
Liên kết vùng, quy hoạch vùng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các địa phương trong điều kiện bình thường mới. Trong cuộc hội thảo do Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan liên quan phối hợp tổ chức ngày 13-10 với chủ đề “Phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt an toàn với đại dịch Covid-19: Khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các địa phương xây dựng lộ trình phù hợp để thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đồng thời phải liên kết tận dụng được các tiềm năng, lợi thế sẵn có của nhau và hạn chế việc triệt tiêu động lực của các địa phương với nhau.
Hơn 5 tháng chống dịch Covid-19, các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã rút ra được nhiều bài học xương máu, đúc kết được những kinh nghiệm quý báu trong PCD để chia sẻ với các địa phương trong cả nước. Dù có nhiều mất mát, tổn thất lớn về con người, về kinh tế nhưng tinh thần chống dịch ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An trong hơn 160 ngày khiến chúng ta phải khâm phục và trân trọng. Hình ảnh các y sĩ, bác sĩ, chiến sĩ quân đội, công an, tình nguyện viên... nơi tuyến đầu, sẽ mãi mãi được nhân dân nơi đây khắc ghi với sự mến mộ và lòng tri ân sâu sắc.
Bài và ảnh: PHI HÙNG - HÙNG KHOA
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ