Câu hỏi đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Đoàn Bình Thuận) gửi Thống đốc: Nhà ở xã hội đang là giải pháp cứu cánh cho nhiều gia đình có thu nhập thấp vượt qua khó khăn và ổn định cuộc sống. Chính phủ đã ban hành Nghị định 100 năm 2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư số 25 hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Tuy nhiên cho đến nay đã 2 năm trôi qua, chính sách này vẫn chỉ nằm trên giấy, không hiểu lý do vì sao vẫn chưa được triển khai tới các địa phương. Đại biểu đặt vấn đề, khi nào chính sách cho vay ưu đãi nhà ở xã hội theo Nghị định 100 được triển khai?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Phúc, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Ngân sách Nhà nước sẽ cấp vốn cho ngân hàng chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng được chỉ định cho vay ưu đãi nhà ở xã hội; Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 25 hướng dẫn thực hiện và chỉ định 4 ngân hàng thương mại cho vay.
Thống đốc Lê Minh Hưng thừa nhận, đúng là đến nay việc cho vay chưa thực hiện được do trong thời gian qua, ngân sách Nhà nước khó khăn. Đến nay, mới có Ngân hàng chính sách xã hội được bố trí 1.062 tỷ đồng để cho vay nhà ở xã hội nhưng vẫn chưa được cấp vốn; ngân hàng thương mại còn lại chưa được bố trí để cấp bù chênh lệch lãi suất. Để thực hiện chủ trương của Nhà nước, hiện Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Ngân hàng chính sách xã hội trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn trước. Tuy nhiên, trước mắt, Ngân hàng chính sách xã hội sẽ tự huy động 500 tỷ đồng để thực hiện ngay chương trình nhà ở xã hội trong năm 2018. Thống đốc Lê Minh Hưng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương bố trí nguồn vốn nhằm triển khai ngay chủ trương này của Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Đoàn Bình Thuận) chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Điều tra nghiêm minh các hành vi gian lận thẻ ATM
Trả lời câu hỏi của đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) liên quan đến việc gian lận trong thanh toán thẻ ATM trong thời gian qua, Thống đốc Lê Minh Hưng thừa nhận hành vi gian lận trong thanh toán thẻ đang gia tăng đáng lo ngại tại Việt Nam và các nước. Theo thống kê, năm 2015, tổng số tiền thiệt hại do các hành vi gian lận trong giao dịch thanh toán thẻ là hơn 21 tỷ USD, bình quân 100 USD giao dịch thẻ thì thiệt lại là 7 cent, tương đương 0,07%. “Mức thiệt hại của Việt Nam hiện chỉ bằng một phần ba mức bình quân thế giới và hiện tượng này đang có chiều hướng gia tăng”, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.
Thống đốc nhận định nguyên nhân là do bảo mật của các ngân hàng còn có lỗ hổng, người dùng lại không không bảo mật tốt thông tin cá nhân khiến kẻ xấu lợi dụng, chiếm đoạt tiền; đơn vị chấp nhận thẻ còn lỗ hổng trong bảo mật thông tin. “Cá biệt có tổ chức chấp nhận thẻ thông đồng với kẻ xấu, thực hiện gian lận trong các giao dịch chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ”, Thống đốc cho hay.
Trước tình trạng có chiều hướng gia tăng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, rà soát thiệt hại do hành vi gian lận thẻ, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn cho các trường hợp cụ thể. Thời gian vừa qua, thực hiện yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, nhiều tổ chức tín dụng đã giải quyết kịp thời, bảo đảm quyền lợi chính đáng của khách hàng, một số ngân hàng đã ứng tiền bồi hoàn cho khách hàng hoặc miễn lãi suất cho khách hàng ngay trong thời gian cơ quan chức năng còn điều tra, làm rõ nguyên nhân.
Giải pháp trong thời gian tới, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung hoàn thiện các quy định pháp lý về an ninh, an toàn, đặc biệt chuyển đổi hệ thống từ thẻ từ sang thẻ chip để bảo đảm tính bảo mật cao hơn. Đồng thời, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về bảo đảm an toàn và bảo mật hệ thống thông tin, hệ thống thanh toán; tăng cường công tác điều tra, giám sát hệ thống thanh toán thẻ; phối hợp với Bộ Công an khẩn trương điều tra nghiêm minh các hành vi gian lận, đặc biệt qua đó cảnh báo với các tổ chức tín dụng và người dùng thẻ nêu cao cảnh giác trong nâng cao tính bảo mật.
Chủ động giữ ổn định tỷ giá
Trả lời ý kiến của đại biểu Bùi Thanh Tùng (TP Hải Phòng) về điều hành tỷ giá, Thống đốc Lê Minh Hưng thừa nhận việc này rất khó, bởi phải đánh giá mục tiêu điều hành và tác động đối với nền kinh tế. "Điều hành tỷ giá vừa phải kiểm soát được lạm phát vừa phải tính toán nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ, tác động với giá hàng nhập khẩu và có tâm lý kỳ vọng", Thống đốc nói.
Theo Thống đốc, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng tỷ giá trung tâm, điều hành linh hoạt và trong diễn biến tỷ giá được dựa vào cung-cầu thị trường và điều hành vĩ mô của Chính phủ trong từng thời kỳ. Việc áp dụng tỷ giá trung tâm từ đầu năm 2016 khiến diễn biến tỷ giá và thị trường ngoại hối rất tích cực: Năm 2016 mua vào hơn 9 tỷ USD và từ đầu năm 2017 đến nay Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm được 7 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối lên hơn 46 tỷ USD. Nhờ tỷ giá ổn định nên đã củng cố lòng tin của các nhà đầu tư, xuất khẩu 10 tháng đầu năm nay tăng mạnh, xuất siêu 2,8 tỷ USD.
“Chúng tôi nhận thức trong điều hành phải chủ động, linh hoạt để ứng phó trước những diễn biến khó lường của thị trường quốc tế. Với quy mô dự trữ ngoại hối, chính sách điều hành hiện nay hoàn toàn có thể chủ động giữ ổn định tỷ giá", Thống đốc Lê Minh Hưng tin tưởng.
Ưu tiên bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền
Trả lời đại biểu Tô Bích Châu (TP Hồ Chí Minh), Thống đốc khẳng định, trong bất cứ trường hợp nào, việc xử lý các tổ chức tín dụng đều phải đặt mục tiêu đầu tiên là “an toàn hệ thống, củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, không gây đổ vỡ ngân hàng ngoài tầm kiểm soát”, tùy trường hợp cụ thể, đặc biệt, sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét, xử lý.
"Trong thời gian tới, với việc tăng cường cơ cấu lại, chất lượng hoạt động ngân hàng sẽ bảo đảm mục tiêu an toàn, ổn định hơn. Ngân hàng Nhà nước có nhiều công cụ khác nhau để đánh giá thực trạng, kiểm soát tình hình, bảo đảm không có đổ vỡ nào ngoài tầm kiểm soát", Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Không có cơ sở cho thấy “3 tỷ USD chuyển tiền mua nhà ở Mỹ”
Đại biểu Phạm Đình Cúc (Vũng Tàu) băn khoăn về con số người Việt Nam đang chi 3 tỷ USD mua nhà ở nước ngoài. “Số lượng này có phải là người Việt Nam sang Mỹ để mua bất động sản không? Việc giám sát dòng tiền ra nước ngoài của Ngân hàng Nhà nước thế nào", đại biểu chất vấn.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng, không có cơ sở nào cho thấy đây là con số chuyển tiền mua bất động sản tại Mỹ. Thống đốc cho biết, con số thống kê trên có thể bao gồm cả những người Việt Nam định cư ở Mỹ nhưng chưa có quốc tịch Mỹ thì được tính là người Việt Nam.
Thống đốc cho hay, hiện có 43 dự án bất động sản đầu tư ra nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký là 920 triệu USD, chiếm 1/3 tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài. Năm 2017, có 3 dự án được cấp phép đầu tư sang Mỹ với vốn đăng ký là 15 triệu USD.
"Hiện Ngân hàng Nhà nước có cơ chế kiểm soát đầy đủ để giám sát hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài thông qua việc ban hành các quy định về trách nhiệm của tổ chức tín dụng được cấp phép, quy định xử phạt hành chính đối với các vi phạm về chuyển tiền ra nước ngoài. Thực tế, quy định về ngoại hối và các quy định có liên quan cũng đã kiểm soát chặt chẽ giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài. Để tránh việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật, trong thời gian tới, toàn ngành phối hợp cùng các bộ, ngành sẽ tăng cường kiểm tra xử lý, phát hiện các vi phạm để hạn chế chuyển tiền bất hợp pháp", Thống đốc khẳng định.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đã có 39 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn Thống đốc Lê Minh Hưng. Chủ tịch Quốc hội đánh giá phiên chất vấn sôi nổi, đại biểu đặt câu hỏi đúng, trúng vấn đề. Thống đốc dù lần đầu trả lời chất vấn nhưng theo Chủ tịch Quốc hội, đã nắm chắc vấn đề, trả lời thẳng và đưa ra được những giải pháp khắc phục. “Phần trả lời của Thống đốc nhận được sự hài lòng của đại biểu Quốc hội và được cử tri đánh giá cao. Đây là những vấn đề khó của ngành”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, thời gian qua, các giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước cơ bản phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, giữ được sự ổn định, mặt bằng lãi suất, thị trường ngoại hối, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước; các chỉ tiêu tiền tệ tín dụng, diễn biến phù hợp với định hướng đề ra; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; các giải pháp cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được triển khai, đạt kết quả ban đầu theo mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, các nội dung chất vấn vẫn nổi lên nhiều tồn tại, hạn chế, như việc cơ cấu lại ngân hàng yếu kém hiệu quả chưa rõ nét.; tình hình nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn còn ở mức cao và diễn biến phức tạp; tình trạng sở hữu chéo và vi phạm xử lý chưa được dứt điểm; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng cần có giải pháp quyết liệt hơn...
|
THẢO NGUYỄN