Hóa đơn điện tử sẽ giúp quản lý thuế tốt hơn
Lâu nay, việc quản lý hóa đơn chưa tốt đã dẫn tới hiện tượng các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh “trốn” xuất hóa đơn, từ đó trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, thu lợi cao và giảm giá bán hàng hóa, dịch vụ để cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, có tác động xấu tới sự phát triển lành mạnh của thị trường. Vấn đề này đã được các đại biểu Quốc hội đặt ra với người đứng đầu ngành tài chính trong phiên chất vấn sáng 16-11.
Đại biểu Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) đặt vấn đề, mặc dù ngành thuế đã có nhiều biện pháp quản lý hóa đơn bán hàng thông qua áp dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ phần mềm kê khai thuế và nộp thuế điện tử, nhưng tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn vẫn diễn ra rất phổ biến. Việc quản lý thiếu chặt chẽ, chế tài với doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh chưa nghiêm và thói quen mua hàng không lấy hóa đơn của người dân đã tạo kẽ hở gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận, việc người mua hàng ít dùng hóa đơn và có thói quen giao dịch bằng tiền mặt gây nhiều khó khăn cho công tác thu thuế. Để khắc phục tình trạng này, ngành tài chính đang xây dựng nghị định về hóa đơn điện tử. Nghị định này sẽ được trình Chính phủ trong năm 2017, vì hóa đơn điện tử có vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý, chống thất thu thuế.
Cùng với đó, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng nhắc tới giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền để người dân có thói quen lấy hóa đơn khi bán hàng; tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh thực hiện đề án không dùng tiền mặt trong trao đổi, mua bán hàng hóa trên thị trường. “Một giải pháp nữa, nếu kết nối được với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong vấn đề quản lý thuế, quản lý rủi ro cũng như những giao dịch đáng ngờ, cùng với tăng cường thanh tra, kiểm tra sẽ từng bước quản lý được việc này”, Bộ trưởng nói.
Quyết liệt chống chuyển giá
Chuyển giá là tình trạng các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) áp dụng mức giá đối với tài sản, hàng hóa, dịch vụ được chuyển dịch giữa doanh nghiệp tại Việt Nam với các doanh nghiệp khác cùng hệ thống ở nước ngoài nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế tại Việt Nam. Đây không phải là vấn đề mới, nhưng hậu quả vẫn đang xảy ra khiến ngân sách Nhà nước thất thu không nhỏ. Chính vì vậy, đại biểu Vũ Thị Thủy (Hải Dương) muốn được nghe giải pháp xử lý tình trạng này từ Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhìn nhận, chuyển giá lâu nay “là vấn đề rất bức xúc của xã hội, của Quốc hội cũng như đồng bào, cử tri”. Ngay từ năm 1995, Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn kiểm soát chuyển giá. Năm 2017, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành nghị định quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp phát sinh giao dịch liên kết. Sau đó, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư về vấn đề này. Trong hai văn bản mới nhất này đã có sự tham khảo kinh nghiệm và khuyến nghị của Tổ chức phát triển OECD.
Đại biểu Vũ Thị Thủy (Hải Dương) chất vấn Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng. Ảnh: TTXVN
Năm 2016, cơ quan thuế đã tiến hành 1.406 cuộc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp FDI. Kết quả đã truy thu, truy hoàn và phạt 1.310 tỷ đồng, tổng số giảm lỗ là 1.983 tỷ đồng, giảm khấu trừ hơn 3 tỷ đồng. Năm 2017, ngành thuế tiếp tục tiến hành thanh tra, kiểm tra với 1.288 doanh nghiệp FDI, qua đó truy thu, truy hoàn và phạt thuế 3.085 tỷ đồng, giảm lỗ 6.812 tỷ đồng, giảm khấu trừ 265 tỷ đồng.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, ngay từ giai đoạn đầu tư đã có thể xảy ra tình trạng chuyển giá. Đó là việc doanh nghiệp chuyển máy móc, thiết bị kê khống giá ở mức cao để tính khấu hao cao, qua đó giảm nghĩa vụ nộp thuế. Do vậy, “tư lệnh” ngành tài chính cho rằng, để chống chuyển giá thì cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành.
Tỷ lệ nợ thuế bắt đầu giảm
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về vấn đề đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ đọng thuế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ, ngành đã rất kiên quyết thực hiện các biện pháp để thu hồi các khoản nợ đọng thuế. Chẳng hạn như việc ban hành thông báo nợ thuế và số tiền chậm nộp, các biện pháp cưỡng chế, nhắn tin, đôn đốc người nộp thuế; thành lập đoàn liên ngành để thu hồi nợ đọng và thực hiện cưỡng chế thu thuế. Nhờ vậy, tuy số nợ thuế tồn đọng còn lớn nhưng kết quả thu hồi khá tích cực.
Cụ thể, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, số thu hồi nợ đọng thuế năm sau luôn cao hơn năm trước. Bình quân giai đoạn 2011-2016 thu đạt 81% số nợ có khả năng thu hồi, trong khi tốc độ tăng nợ đọng thuế bình quân các năm là 16,3%. Năm 2011 thu được 20.036 tỷ đồng, năm 2012 thu được 22.751 tỷ đồng, năm 2013 thu được 27.000 tỷ đồng, năm 2014 thu được 31.920 tỷ đồng, năm 2015 thu được 37.582 tỷ đồng, năm 2016 thu được 42.543 tỷ đồng, 10 tháng năm 2017 thu được 39.894 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ thuế trên tổng thu ngân sách Nhà nước cũng đang bắt đầu giảm. Năm 2015, tỷ lệ này là 7,7%; năm 2016 là 6,7% và đến ngày 31-10-2017 là 6,1%. Thời gian tới, ngành tài chính sẽ tiếp tục tăng cường đôn đốc thu nợ, tiếp tục rà soát phân loại nợ, theo dõi và kiểm soát chặt các khoản nợ thuế, ban hành đầy đủ các thông báo để đẩy mạnh thu hồi nợ đọng thuế.
Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khi trả lời bổ sung về vấn đề này cũng nhấn mạnh chủ trương của Chính phủ là tăng cường chống thất thu, gian lận thuế, giải quyết nợ đọng thuế để tăng thu ngân sách Nhà nước, qua đó bảo đảm các nhiệm vụ chi ngân sách. Khu vực FDI sẽ được tăng cường chống chuyển giá, thực hiện cơ chế đăng ký giá trước trong Luật Quản lý thuế. Ở khu vực nội địa sẽ tiến hành thực hiện chế độ hóa đơn điện tử. Trong lĩnh vực hải quan sẽ tránh áp sai mã thuế, chống kê khai giá tính thuế thấp đi để chống thất thu thuế.
Tăng cường giao dịch qua thẻ
Một trong những vấn đề giúp quản lý tốt các giao dịch tiền tệ, qua đó chống thất thu thuế là khuyến khích giao dịch qua thẻ ATM thay vì dùng tiền mặt. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) thì vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình giao dịch bằng thẻ ATM. Đại biểu đã nêu vấn đề này khi chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, chiều 16-11.
Trả lời về vấn đề này, Thống đốc Lê Minh Hưng chia sẻ, thời gian qua, ngành ngân hàng rất lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và người dân về những vấn đề xung quanh ATM. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã yêu cầu các ngân hàng thương mại báo cáo đầy đủ về các biểu phí và những thay đổi phí về dịch vụ ngân hàng, trong đó có dịch vụ thanh toán thẻ để xem xét, phát hiện những bất cập. Mức phí áp dụng từ năm 2012 đến nay tối đa là 3.000 đồng/giao dịch rút tiền, dù lạm phát tăng nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không cho phép tăng phí giao dịch này.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết thêm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang thực hiện đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo chương trình của Chính phủ. Do vậy, thời gian tới, bên cạnh việc chỉ đạo rà soát cơ cấu lại mạng lưới máy ATM để bố trí hợp lý hơn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng chỉ đạo để nghiên cứu ứng dụng những loại hình cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến để đáp ứng nhu cầu ngay cả ở vùng sâu, vùng xa, chẳng hạn như mô hình ngân hàng di động…
Qua ngày chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, nhìn chung, đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân đánh giá tương đối tốt phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và phần trả lời chất vấn nửa cuối buổi chiều ngày 16-11 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để những vấn đề trọng yếu của tài chính, tiền tệ đang đặt ra thì cần sự nỗ lực rất lớn của hai người đứng đầu hai ngành nói trên trong thời gian tới.
Về phần trả lời chất vấn liên quan tới lĩnh vực tài chính, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều chủ trương, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia. Tuy nhiên, các nội dung chất vấn vẫn nổi lên nhiều tồn tại, hạn chế. Bộ trưởng Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan cần tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra để khắc phục. |
CHIẾN THẮNG