Từ đầu năm 2024 đến nay, hàng loạt công trình hạ tầng quy mô lớn đã được khởi động hoặc tăng tốc triển khai. Đáng chú ý là Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh - tuyến đường huyết mạch đang được đẩy nhanh thi công, mang đến kỳ vọng mở toang cánh cửa phát triển cho các khu vực Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và tiếp nối khu vực thuộc tỉnh Bình Dương cũ, Long An cũ và Đồng Nai hiện nay. Bên cạnh đó, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã vận hành và dự kiến nối dài góp phần thay đổi diện mạo giao thông đô thị và gia tăng giá trị bất động sản khu vực vùng ven của trung tâm TP Hồ Chí Minh mới. Các tuyến kết nối chiến lược khác như cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, cầu Thủ Thiêm 4 , mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cùng hàng loạt dự án cải tạo quốc lộ, tỉnh lộ… đang tạo ra mạng lưới kết nối đa chiều, giúp TP Hồ Chí Minh giãn dân hợp lý và tái cấu trúc thị trường địa ốc.

Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong 6 tháng đầu năm 2025, khu vực phía Nam ghi nhận khoảng 32.000 sản phẩm mới được đưa ra thị trường, chiếm một nửa tổng nguồn cung toàn quốc (tăng 60% so với cùng kỳ năm 2024), tập trung chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Long An. Tại khu vực phía Đông thuộc TP Thủ Đức (cũ) gia tăng nguồn cung với hàng loạt dự án lớn như Vinhomes Grand Park, MT Eastmark City, The Global City…

Đường Võ Nguyên Giáp được mở rộng, kết hợp tuyến metro số 1 giúp kết nối khu vực phía Đông TP Hồ Chí Minh, tạo động lực bất động sản phát triển. 

Theo ông Võ Hồng Thắng, đại diện Công ty cổ phần DKRA Group, hạ tầng kết nối vùng cũng sẽ là yếu tố then chốt, với hàng loạt dự án trọng điểm như các tuyến metro được mở rộng, kết nối các trục giao thông liên vùng; mở rộng Quốc lộ 13, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu… tạo nền tảng liên kết chặt chẽ và hỗ trợ cho sự phát triển đồng bộ của thị trường bất động sản.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc Bộ phận Tiếp thị Dự án Nhà ở, CBRE Việt Nam cho rằng, sau sáp nhập địa giới hành chính, TP Hồ Chí Minh là siêu đô thị sẽ tạo cú hích lớn cho thị trường bất động sản. Số lượng dự án có thể tăng mạnh và phân bố đều hơn trên toàn vùng, thay vì chỉ tập trung như trước đây, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội, dự án có mức giá trung bình đáp ứng nhu cầu nhà ở thật của nhiều người có thu nhập thấp đến trung bình.

Sự đồng bộ giữa phát triển hạ tầng và cải cách thủ tục hành chính gắn với rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ đầu tư dự án còn 3 - 4 tháng đang tạo môi trường thuận lợi, khôi phục niềm tin của nhà đầu tư; thu hút nguồn vốn để thị trường bất động sản phục hồi một cách lành mạnh và bền vững. Hạ tầng dẫn đường cho chiến lược phát triển đô thị.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thay vì chạy theo tăng giá, thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh đang bước vào giai đoạn định hình lại theo trục hạ tầng. Những khu vực có kết nối tốt, quỹ đất còn dồi dào, giá mềm khu vực vùng ven, lân cận trung tâm TP Hồ Chí Minh sẽ là tâm điểm đầu tư trong trung và dài hạn. Hạ tầng giao thông không chỉ “mở lối” cho các dự án địa ốc, mà còn đóng vai trò dẫn dắt chiến lược phát triển đô thị, giúp TP Hồ Chí Minh từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị thông minh, đa trung tâm, liên kết vùng chặt chẽ và phát triển bền vững.

Bài, ảnh: THANH THANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.