Cải cách hành chính tạo cú huých lớn cho thị trường bất động sản
Thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh bị đóng băng từ năm 2023 đến quý I năm 2024, ghi nhận tình hình tăng trưởng âm, đặc biệt là quý I năm 2023 ghi nhận kết quả kinh doanh âm sâu đến 16,2%.
Đến đầu quý II-2024, thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh mới có dấu hiệu tăng trưởng dương trở lại, tuy nhiên vẫn phải đối diện với vô vàn khó khăn như: Thị trường nhà ở thiếu nguồn cung dự án, thiếu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại ít phân khúc “vừa túi tiền”, giá nhà liên tục “neo” ở mức độ cao gây tồn kho bất động sản, nhiều dự án bất động sản bị ngưng triển khai hoặc chưa triển khai thực hiện, nhà đầu tư gặp khó khăn vì quy trình, thủ tục đầu tư cồng kềnh, tốn kém... Đồng thời các yếu tố như kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, và các yếu tố biến động quốc tế cũng gây ảnh hưởng nặng nề lên thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh.
 |
Thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh (mới) có nhiều động lực phục hồi tăng trưởng sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh SỸ BẮC
|
Theo TS Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, việc sáp nhập TP Hồ Chí Minh với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ là bước ngoặt về mặt tổ chức hành chính mà còn mở ra kỳ vọng cho thị trường bất động sản sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng mới với sự hình thành của hàng loạt dự án chất lượng, quy mô lớn.
Sau khi sắp xếp lại bộ máy hành chính vào ngày 1-7, TP Hồ Chí Minh vươn mình trở thành siêu đô thị đầu tiên tại Việt Nam với hơn 14 triệu dân, mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, kết nối và hợp tác quốc tế. Những vận hội này sẽ kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản đang chững. Việc mở rộng địa giới hành chính giúp TP Hồ Chí Minh gỡ nút thắt về hạ tầng, đồng thời mở ra không gian phát triển mới, đặc biệt là hướng biển. Ba khu vực hợp nhất tạo nên liên kết chiến lược, thúc đẩy tái cấu trúc đô thị và kinh tế.
Theo các chuyên gia của Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh, dù việc sáp nhập mở ra nhiều cơ hội, thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh vẫn đối mặt không ít khó khăn như sự chênh lệch trong quy hoạch, hạ tầng và tốc độ phát triển giữa các khu vực, sự chênh lệch thu nhập, chất lượng nguồn nhân lực giữa các khu vực đến việc chia sẻ và chuẩn hóa dữ liệu chưa đồng bộ giữa các địa phương. Vì vậy, trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh cần gấp rút triển khai các giải pháp đồng bộ để nắm bắt thời cơ bứt phá của thị trường bất động sản.
Giải pháp thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản
TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, giải pháp đầu tiên là phải nhanh chóng kiện toàn và vận hành suôn sẻ bộ máy chính quyền mới sau sáp nhập. TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh: “Việc tăng cường đối thoại, trao đổi, nắm bắt địa bàn mới là rất cần thiết. Chính quyền địa phương mới cần bảo đảm đầy đủ điều kiện về nơi ăn ở, làm việc và đi lại cho đội ngũ cán bộ, công chức và gia đình".
Đồng tình với quan điểm trên, TS Phạm Trần Hải, Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh cần điều chỉnh nhanh chóng quy hoạch hậu sáp nhập nhằm lấp đầy “khoảng trống” pháp lý, tránh gián đoạn các hoạt động kinh tế - xã hội và đầu tư công, chủ động giải quyết các bất cập và tối đa hóa lợi thế, tạo đà cho TP Hồ Chí Minh nắm bắt vận hội mới.
Tiếp theo đó, cần nhanh chóng gỡ nút thắt pháp lý để trợ lực cho thị trường bất động sản vươn mình. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Thương mại Xây dựng Lê Thành cho rằng một trong những nguyên nhân khiến hàng trăm dự án vướng mắc là do thủ tục, quy định chồng chéo. Cần nhanh chóng tháo gỡ các vấn đề pháp lý để tránh lãng phí nguồn lực đất đai, thất thu ngân sách nhà nước đồng thời tạo cơ hội để nguồn cung nhà ở được cải thiện.
Trước tình hình đó, TP Hồ Chí Minh với việc ban hành, thực hiện nhiều nghị định có ý nghĩa quan trọng như Nghị định số 75/2025, Nghị quyết số 171/2024/QH15 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đã giúp tháo gỡ nút thắt về quyền sử dụng đất, đặc biệt là đối với các dự án nhà ở thương mại. Sự ra đời của Nghị định số 192/2025/NĐ-CP về việc phát triển nhà ở xã hội cũng tạo nên cú hích mạnh mẽ để tháo gỡ các “nút thắt” tồn tại lâu nay, mở rộng cơ hội an cư cho hàng triệu người thu nhập thấp.
Tiếp nối những thành công đó, cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng hành lang pháp lý đủ chặt chẽ, hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển bứt phá của thị trường bất động sản. Các chuyên gia bất động sản cũng nhận định thị trường bất động sản đang cần những tín hiệu rõ ràng từ cơ quan quản lý sau khi sáp nhập, nếu các dự án được tháo gỡ thành công sẽ tạo hiệu ứng tốt để các doanh nghiệp quay lại “đường đua”.
Một trong những giải pháp có yếu tố quyết định đến sự phát triển của thị trường bất động sản tại TP Hồ Chí Minh chính là định hướng phát triển TP Hồ Chí Minh trở thành “Siêu đô thị” đúng nghĩa. Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, để thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh bứt phá sau sáp nhập, thành phố cần tập trung xây dựng nền tảng quản trị đô thị hiệu quả, thông minh và có tầm nhìn dài hạn. Trong đó, phát triển hạ tầng - đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị - phải được xem là ưu tiên hàng đầu. Việc quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới metro trong không gian đô thị mở rộng không chỉ giải tỏa điểm nghẽn giao thông, mà còn tạo động lực lan tỏa cho các khu đô thị mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút dòng vốn đầu tư.
Đối với bất động sản công nghiệp, cần đẩy mạnh việc thu hút nguồn vốn FDI để xây dựng các khu công nghiệp. Đầu năm 2025, TP Hồ Chí Minh và các vùng lân cận phía Nam vẫn tiếp tục là tâm điểm của đầu tư nước ngoài, kéo theo thị trường bất động sản công nghiệp tăng trưởng mạnh khi nguồn cung và nhu cầu không ngừng tăng lên. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, sau sáp nhập, TP Hồ Chí Minh với vị thế mới sẽ đẩy mạnh phát triển hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính và mở rộng không gian phát triển, qua đó tạo lực đẩy cho bất động sản công nghiệp bứt phá.
Bài, ảnh: HÀ THU
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.