Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 của Chính phủ mới đây.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, báo cáo về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một báo cáo có phạm vi và lĩnh vực rất rộng. Vì vậy, ban soạn thảo sẽ cố gắng tiếp thu tối đa để làm nổi bật những nội dung mới, nổi trội, những thành tích; đồng thời, tập trung vào nhược điểm, những tồn tại, hạn chế khắc phục, thấy rõ bức tranh về tiết kiệm, chống lãng phí trong năm vừa qua, những tiến bộ và những vấn đề cần phải khắc phục trong thời gian tới.
 |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có “lỗ hổng”, cần siết lại. |
Liên quan đến thể chế, Chính phủ thực hiện 3 đột phá của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra là tích cực trong vấn đề hoàn thiện thể chế. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc dẫn chứng việc Bộ Tài chính năm 2021 tham mưu cho Chính phủ ban hành 43 nghị định và 126 thông tư.
"Hôm nay chúng ta ban hành nghị định này thì mấy năm sau lại bất cập với thực tiễn, lại phải sửa. Hiện nay, chúng tôi đang sửa Nghị định 153 về vấn đề phát hành trái phiếu riêng lẻ. Biến động thực tiễn khi Luật Chứng khoán và Nghị định 153 ra đời rất muốn mình tiếp cận với điều kiện phát hành và mọi điều kiện của thế giới, tuy nhiên sau khi ban hành lại thể hiện "lỗ hổng", đã có những vi phạm cho nên cần phải siết lại”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhận định.
“Chúng tôi đã nhận diện được sơ hở này và cảnh báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Bộ Tài chính đã có 5 thông cáo báo chí, 4 cuộc trao đổi về những rủi ro trong phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp. Bộ cũng có 3 văn bản chấn chỉnh và yêu cầu thanh tra. Đây cũng là vấn đề cần xử lý để làm trong sạch thị trường, đi vào nền nếp”, Bộ trưởng Tài chính cho biết.
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại diện cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội cũng đánh giá thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh nhưng có dấu hiệu “nóng”; tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có doanh nghiệp “lách luật” phát hành trái phiếu sai quy định. Cùng đó còn có tình trạng một số cá nhân, doanh nghiệp thao túng thị trường chứng khoán gây thiệt hại cho nhà đầu tư, thất thoát lãng phí nguồn lực trong nhân dân.
Nêu ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng bày tỏ băn khoăn về thị trường vốn, thị trường trái phiếu.
Dẫn lại thông tin báo chí phản ánh rằng “năm 2021, huy động trái phiếu doanh nghiệp lên đến hơn 700.000 tỷ đồng, trong đó 44% liên quan đến lĩnh vực bất động sản”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: Trước đây, các doanh nghiệp lấy trái phiếu hoặc đi vay tiền để trả nợ; nhưng đến nay, việc đi vay đã bị siết chặt, cùng đó là tác động của dịch bệnh, dẫn đến việc doanh nghiệp không có dòng tiền để trả nợ.
“Năm ngoái, Bộ Tài chính giảm huy động được mấy chục nghìn trái phiếu là rất tốt, bởi lẽ giải ngân tốc độ như vậy sẽ bớt lãng phí cho nhà nước. Điều này rất đáng biểu dương”, Chủ tịch Quốc hội nói song cũng nhấn mạnh năm 2021 tăng trưởng rất “nóng” về thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Sau đó, kết luận về nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng lưu ý, Chính phủ phải chú ý đến lĩnh vực tiết kiệm, chống lãng phí liên quan đến tín dụng Nhà nước, tài sản trong các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng cổ phần Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước và tình hình tăng trưởng “nóng” của thị trường chứng khoán gần đây.
|
HẰNG PHƯƠNG