Phóng viên (PV): Thưa ông, người chăn nuôi và doanh nghiệp đang thua lỗ do giá gia cầm xuống thấp nhưng giá bán tới tay người tiêu dùng vẫn ở mức cao. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Thanh Sơn: Đây chính là bất cập trong chuỗi cung ứng lâu nay đối với sản phẩm chăn nuôi nói chung, gia cầm nói riêng. Hiện nay, giá bán tại các trang trại chăn nuôi rất thấp, thậm chí dưới giá thành sản xuất nhưng giá đến tay người tiêu dùng vẫn rất cao, thậm chí gấp 3 lần so với giá tại trang trại chăn nuôi. Đây là “căn bệnh” cố hữu đối với hệ thống tiêu thụ nông sản ở Việt Nam nói chung, sản phẩm chăn nuôi nói riêng.
 |
Ông Nguyễn Thanh Sơn. Ảnh: DIỆP ANH
|
Nghịch lý nữa là những hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ, trang trại chăn nuôi của người Việt đang dần bị loại khỏi “cuộc chơi” trong khi quy mô, số trang trại chăn nuôi của doanh nghiệp FDI lại ngày càng phát triển. Hiện có một “cuộc chiến” giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội và người chăn nuôi. Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách đặc thù để hỗ trợ nhóm yếu thế này, nhất là đối với các nông hộ như nhiều nước vẫn làm. Ví như các nước EU, với những sản phẩm nông sản giá rẻ nhập khẩu thì họ có chính sách hỗ trợ để nông dân giảm thua thiệt; Việt Nam tại sao lại không, khi người chăn nuôi đang phải “gồng mình” chịu lỗ?
PV: Ông có thể cho biết cụ thể hơn về giá thành sản phẩm chăn nuôi và giá bán hiện nay?
Ông Nguyễn Thanh Sơn: Ví dụ, từ năm 2022 cho đến nay, giá thành sản xuất gà ta và gà ta lai khoảng 58.000 đồng/kg, trong khi giá bán chỉ được 50.000-52.000 đồng/kg. Giá bán cho người tiêu dùng không giảm đáng kể.
PV: Đâu là nguyên nhân tạo nên nghịch lý này, thưa ông?
Ông Nguyễn Thanh Sơn: Đây là bất cập của hệ thống cung ứng, phân phối tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi lâu nay. Hiện hệ thống phân phối, tiêu thụ sản phẩm vẫn phụ thuộc quá lớn vào thương lái. Người chăn nuôi thì bị thương lái ép giá, bán dưới giá thành nhưng qua các khâu: Vận chuyển, giết mổ, bán lẻ... giá bị đẩy lên cao, thậm chí gấp 2-3 lần.
PV: Ông đánh giá như thế nào về khó khăn hiện nay của chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng? Giải pháp nào để giải quyết vấn đề này?
Ông Nguyễn Thanh Sơn: Chưa bao giờ ngành chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi gia cầm gặp khó khăn như hiện nay. Nguyên nhân là do các ngành kinh tế đã gây ảnh hưởng đến tổng cầu của ngành chăn nuôi. Vì vậy, giá bán sản phẩm chăn nuôi đứng ở mức thấp, thậm chí dưới giá thành sản xuất. Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam vừa đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị để đánh giá, nhìn nhận thực trạng chăn nuôi gia cầm hiện nay, qua đó đưa ra các giải pháp trước mắt cũng như giải pháp căn cơ, lâu dài để ngành chăn nuôi gia cầm ở nước ta phục hồi, phát triển bền vững.
 |
Một trang trại chăn nuôi gia cầm tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: NGHINH XUÂN |
Tuy nhiên, trong khó khăn hiện nay vẫn le lói những cơ hội để chăn nuôi gia cầm ở nước ta tiếp tục phát triển. Thứ nhất, so với nhu cầu của gần 100 triệu dân nước ta, mức độ tiêu thụ sản phẩm thịt gia cầm vẫn ở mức thấp, chẳng hạn như lượng trứng mà người Việt Nam tiêu thụ. Nó đi ngược lại so với mức độ tiêu thụ của thế giới. Lượng thịt gia cầm thế giới tiêu thụ ở mức 45-50% tổng lượng thịt người tiêu dùng sử dụng; trong khi ở Việt Nam, lượng thịt gia cầm tính theo đầu người hiện mới chỉ đạt 25-30% tổng lượng thịt các loại. Thứ hai là năng lực sản xuất của người chăn nuôi lẫn các doanh nghiệp khá tốt. Vì vậy, chúng ta có điều kiện và cơ hội giảm giá thành, tăng năng suất. Khi giá thành giảm, năng suất tăng, chất lượng bảo đảm, sản phẩm chăn nuôi sẽ có cơ hội xuất khẩu. Dự báo từ năm 2024, kinh tế thế giới sẽ có sự phục hồi thì tổng cầu về sản phẩm gia cầm sẽ tăng lên.
Trước mắt, để bước qua những khó khăn này, Chính phủ, các bộ, ngành cần có các giải pháp quyết liệt để hỗ trợ, phục hồi ngành chăn nuôi gia cầm, nhất là rà soát lại chính sách trong chăn nuôi. Vì rất nhiều chính sách hiện nay trong chăn nuôi tính khả thi chưa cao. Việc tiếp cận của doanh nghiệp với gói hỗ trợ của Chính phủ trong lĩnh vực chăn nuôi hiện vẫn thấp (tín dụng, thuế thu nhập doanh nghiệp). Việc xem xét tiếp tục giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp chăn nuôi; khoanh nợ, hỗ trợ nguồn vốn cho người chăn nuôi trong vòng 2-3 năm tới để họ gượng dậy, có vốn phục hồi sản xuất là rất quan trọng.
Bước tiếp đến là chúng ta phải xem xét lại chiến lược sản xuất trong ngành chăn nuôi. Dường như trong nhiều năm qua, chúng ta đã mải mê thúc đẩy sự phát triển về số lượng dẫn đến tổng cung đã vượt tổng cầu lớn. Vì thế, chiến lược của ngành chăn nuôi thay vì phát triển ồ ạt tổng đàn thì nên chăng duy trì ở mức độ tổng đàn vừa phải; cần tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng. Bước tiếp nữa là phải kiểm soát việc nhập khẩu sản phẩm gia cầm ồ ạt trong thời gian qua. Hiện chúng ta có cơ hội để xuất khẩu các sản phẩm gia cầm, nhưng lại bị vướng các hiệp định thú y. Rất nhiều doanh nghiệp muốn xuất khẩu trứng, thịt gà, trứng vịt muối nhưng vướng các vấn đề về “hàng rào” kỹ thuật.
Nhóm giải pháp nữa rất quan trọng chính là chúng ta cần chuẩn hóa lại số liệu thống kê. Bởi vì số liệu thống kê trong chăn nuôi gia cầm hiện nay dường như chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Đây chính là hệ lụy khiến chúng ta sẽ không có đủ căn cứ hoạch định chính sách để phát triển ngành hàng này. Vì thế, chúng ta cần phải chuẩn hóa số liệu để đánh giá thực chất hơn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
NGUYỄN KIỂM (ghi)