Bảo vệ cơ chế đặc thù trước âm mưu chống phá của các thế lực thù địch

 Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ năng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái trên không gian mạng cho cán bộ, đảng viên. Đây là các hình thức, giải pháp góp phần đẩy mạnh thực hiện quan điểm “lấy xây để chống” trong thực hiện cơ chế đặc thù. Phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố tham gia vào các hoạt động này, chúng tôi có điều kiện thâm nhập thực tế để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị các cấp. Một trong những vấn đề khiến cán bộ, đảng viên bức xúc hiện nay là những thông tin thất thiệt, xuyên tạc nhằm phá hoại việc vận hành cơ chế đặc thù do các đối tượng cực đoan chính trị, thế lực thù địch thực hiện.

Chứng kiến đà lao dốc trên biểu đồ tăng trưởng kinh tế của thành phố trong quý I-2023, không gian mạng đã xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực, bộc lộ quan điểm bi quan, gây hoài nghi về tầm nhìn và tính hiệu quả của cơ chế đặc thù. Luồng quan điểm này cho rằng, TP Hồ Chí Minh được Trung ương quan tâm, ban hành nhiều nghị quyết quan trọng vận hành cơ chế đặc thù, nhưng tại sao tăng trưởng kinh tế lại tụt dốc? Trong khi đó, nhiều địa phương khác, trong đó có những tỉnh cận kề TP Hồ Chí Minh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dù không hưởng cơ chế đặc thù nhưng lại có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn hẳn. Thực trạng này đặt ra vấn đề, liệu cơ chế đặc thù có tạo ra động lực, môi trường thuận lợi cho TP Hồ Chí Minh phát triển, hay vai trò đầu tàu của thành phố đã đến lúc phải có đối trọng thay thế? Nên chăng, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cần hướng chính sách ưu tiên, dành cơ chế đặc thù vượt trội cho những địa phương giàu tiềm năng phát triển, thay vì cứ tiếp tục “rót” cho TP Hồ Chí Minh?...

Kiểu lập luận “cắt ngọn” này thực chất là chiêu trò tung hỏa mù để gây nhiễu thông tin, làm cho cán bộ, công chức e dè, không dám đổi mới, đột phá để phát triển. Qua theo dõi hoạt động chống phá của các thế lực thù địch thông qua những sản phẩm truyền thông trên không gian mạng, có thể thấy, họ đã và đang cố tình đánh tráo khái niệm, phủ nhận tính đột phá, khả thi của cơ chế đặc thù, gây hoang mang dư luận. Họ muốn tác động vào tư tưởng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị và dư luận xã hội, gây mất niềm tin vào các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước đối với TP Hồ Chí Minh và hiệu quả của cơ chế đặc thù, qua đó phá hoại vị thế đầu tàu của TP Hồ Chí Minh.Họ cho rằng, việc ban hành cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh chứng tỏ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đã “lỗi thời”, “lạc hậu”, “rách đâu vá đó”...; rằng cơ chế đặc thù không những không tạo động lực cho thành phố phát triển, ngược lại còn gây xáo trộn, rối ren trong bộ máy hành chính công, dẫn đến nhiều cán bộ, công chức, viên chức phải nghỉ việc. Họ cho rằng, Nghị quyết số 54/2017/QH14 mới áp dụng hơn 5 năm đã bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập, bất khả thi, phải đề xuất thay thế bằng nghị quyết mới, là biểu hiện của tính “nửa vời” trong hoạch định chính sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ... Mới đây, khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, họ tiếp tục xuyên tạc rằng, đây là nghị quyết “bất khả thi” đối với TP Hồ Chí Minh...Trong quá trình chúng ta xây dựng dự thảo nghị quyết mới để thay thế Nghị quyết 54 với tinh thần bổ sung các chính sách vượt trội, đột phá cho TP Hồ Chí Minh, các đối tượng thù địch cố tình lèo lái, xuyên tạc rằng, càng phân cấp, phân quyền mạnh thì càng tạo môi trường, điều kiện cho tham nhũng phát triển. Khoét sâu vào những hạn chế, bất cập trong các phân khúc nhất định của hệ thống chính trị và những khó khăn của nền kinh tế, họ cho rằng, sẽ không có bất cứ cơ chế đặc thù nào tối ưu trong bối cảnh hiện nay, rằng muốn phát triển thì phải thay đổi toàn diện, thay đổi tất cả...

 Cách lèo lái, dẫn dắt dư luận theo kiểu “lộng giả thành chân” nêu trên rất nguy hiểm. Chiêu trò ấy dễ đánh lừa tâm lý của những người yếu bản lĩnh, dẫn đến hoang mang, dao động, không nhiệt huyết với công việc, thờ ơ, quay lưng với khát vọng phát triển của thành phố và đất nước.


leftcenterrightdel

Cán bộ, công chức trẻ TP Hồ Chí Minh tổ chức hoạt động dã ngoại giáo dục tinh thần yêu nước tại các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố. Ảnh: THANH KIM TÙNG 

Thực chất, những luận điệu xuyên tạc nêu trên đã cố tình bóp méo bản chất của vấn đề. Bởi, Nghị quyết 54 xác định rất rõ, những cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Hồ Chí Minh là thí điểm. Quá trình thí điểm, căn cứ vào tính khả thi và hiệu quả trên thực tế để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế. Đó là cách làm hợp quy luật. Sau hơn 5 năm áp dụng thí điểm cơ chế đặc thù, từ tổng kết thực tiễn, dự báo xu hướng phát triển, chúng ta tiếp tục nghiên cứu xây dựng, ban hành nghị quyết mới trên cơ sở điều chỉnh, bổ sung những chính sách, quy định mới mang tính vượt trội, đột phá. Đó là cách làm khoa học, hoàn toàn đúng cả về phương diện lý luận và thực tiễn.Nhận thức đúng để có sự thống nhất cao trong cả hệ thống chính trị về cơ chế đặc thù là giải pháp quan trọng trên lĩnh vực chính trị tư tưởng, văn hóa. PGS, TS Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh các cơ chế, chính sách mới áp dụng mang tính thí điểm, sẽ không tránh khỏi những vấp váp, bất cập, hạn chế. Chúng ta cần thấy đó là điều bình thường. Không vì những bất cập, hạn chế, khuyết điểm mà nảy sinh tư tưởng phủ nhận, mắc mưu các thế lực thù địch.

 Đồng chí Võ Ngọc Quốc Thuận, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy quận 8 cho biết: Cơ chế đặc thù có vai trò hết sức quan trọng đối với bộ máy hành chính công ở cơ sở, vì đây là đầu mối gần dân, trực tiếp đồng hành với doanh nghiệp. Thấy rõ thành tựu, thuận lợi và cả những hạn chế, khó khăn để củng cố niềm tin, xây dựng tinh thần đoàn kết, thống nhất cao về tư tưởng, tích cực bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tính chất công việc trong cơ chế đặc thù là trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức. Thời gian qua, Quận ủy quận 8 đã chú trọng công tác giáo dục, trang bị kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức, nhất là lực lượng trẻ. Với tinh thần “lấy xây để chống”, bên cạnh củng cố vững chắc đội ngũ, Đảng bộ quận coi trọng công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong vận hành cơ chế đặc thù.

Thúc đẩy tinh thần cống hiến, bảo vệ người tài

Dưới góc nhìn văn hóa, TS Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị khu vực II) nêu vấn đề: Muốn vận hành cơ chế đặc thù hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển, cần tạo ra hệ sinh thái văn hóa đặc thù. Đó là Không gian văn hóa Hồ Chí Minh; môi trường văn hóa công sở; hành vi ứng xử, nếp sống văn hóa, tinh thần, thái độ phục vụ... của cán bộ, công chức; các tiêu chí, nội dung, biện pháp của phong trào thi đua yêu nước; tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức; cơ chế bảo vệ, khuyến khích người có tư duy đổi mới, đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm... Xây dựng môi trường văn hóa vận hành cơ chế đặc thù cũng là cách hiệu quả để thu hút nhân tài cho khu vực công. Làm việc trong môi trường áp dụng cơ chế đặc thù thì tinh thần, thái độ, phong cách và hiệu quả cống hiến của công bộc cũng phải thể hiện rõ chất đặc thù, đặc biệt là trong thời gian tới, khi thành phố được bổ sung các chính sách mang tính vượt trội, đột phá.

Nhiều chuyên gia mà chúng tôi tiếp xúc cũng đồng quan điểm, cho rằng: Trong bối cảnh hiện nay, việc chấn chỉnh đội ngũ quan trọng nhất là xốc lại tinh thần, kích thích khát vọng cống hiến cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; có hành lang pháp lý vững để bảo vệ, khuyến khích nhân tài. Làm việc trong cơ chế đặc thù, chắc chắn cán bộ, công chức, viên chức sẽ chịu nhiều áp lực hơn. Trong lúc chờ đợi sự sắp xếp, điều chỉnh, tăng biên chế cho các khu vực, vị trí trong bộ máy hành chính công, mỗi nhân tố của bộ máy cần được khơi dậy mạnh mẽ niềm tự hào, tinh thần cống hiến. Đó là biểu hiện cao nhất của văn hóa công bộc trong cơ chế đặc thù. Cùng với đó, việc áp dụng các chế độ, chính sách ưu đãi, các khoản phụ cấp tăng thêm từ cơ chế đặc thù đối với nguồn nhân lực trong bộ máy hành chính công cần được quan tâm mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn đối với từng khu vực, vị trí công tác. Hệ sinh thái văn hóa trong cơ chế đặc thù chính là sự vận dụng những nội dung, tiêu chí, giải pháp của cơ chế đặc thù vào môi trường văn hóa công sở; là tổng hòa các mối quan hệ, quyền, nghĩa vụ và lợi ích của tổ chức, cá nhân. Cần coi trọng công tác giáo dục và văn hóa nêu gương trong đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, làm nòng cốt lan tỏa tinh thần cống hiến, niềm tự hào cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân. Xây dựng hệ sinh thái văn hóa đặc thù chính là giải pháp “lấy xây để chống” nhằm củng cố vững chắc trận địa tư tưởng, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, góp phần tạo xung lực nội sinh trong thực hiện, vận hành cơ chế đặc thù.

Phát biểu tại hội nghị tập huấn công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức vừa qua, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Cần quán triệt sâu sắc quan điểm “lấy xây để chống” trong công tác tuyên truyền, giáo dục, củng cố vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các phần tử xấu, thế lực thù địch. Đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch là giải pháp vô cùng quan trọng để thành phố thực hiện thành công cơ chế đặc thù, phát triển bền vững...

 

Nắm chắc và dự báo sát đúng tình hình tư tưởng, nghiên cứu dư luận và tâm trạng xã hội; kịp thời xử lý thông tin và định hướng tư tưởng, dư luận gắn với giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của nhân dân, các vấn đề nhạy cảm, phức tạp phát sinh, đảm bảo thống nhất tư tưởng trong Đảng và đồng thuận xã hội... Thực hiện hiệu quả đề án tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu, độc của các đối tượng suy thoái, thế lực thù địch, phản động... Kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, lối sống cơ hội, thực dụng, nói không đi đôi với làm, xử lý đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...

(Trích Văn kiện Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025)

TÙNG SƠN - TRUNG KIÊN