Trước những thách thức mới, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 31-NQ/TW, tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù với các chính sách mới vượt trội hơn, đột phá mạnh mẽ hơn cho TP Hồ Chí Minh. Quán triệt Nghị quyết số 31-NQ/TW, Quốc hội đang chuẩn bị ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. Khát vọng, yêu cầu phát triển đặt ra cho thành phố đầu tàu nhiều cơ hội và thách thức trong việc biến cơ chế đặc thù thành xung lực phát triển...
Bài 1: Nhận rõ thách thức, khai thác triệt để lợi thế đặc thù
Quý I-2023, chỉ số tăng trưởng kinh tế của TP Hồ Chí Minh giảm sâu, chỉ đạt 0,7%. Kết quả này tạo dư luận đa chiều trong đời sống xã hội. Nhiều chuyên gia cho rằng đó chỉ là khó khăn tạm thời. Luồng ý kiến khác bày tỏ hoài nghi về tính hiệu quả của cơ chế đặc thù. Với sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TP Hồ Chí Minh đã xác định rõ mấu chốt thách thức, từng bước tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn để đặt trọng tâm cho đòn bẩy kinh tế, tiếp tục tận dụng, khai thác lợi thế của cơ chế đặc thù thúc đẩy tăng trưởng...
Khó khăn chỉ là tạm thời, không phải do lỗi cơ chế
“Trận thua đậm” là cách nói của đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh về chỉ số tăng trưởng kinh tế quý I-2023. Rõ ràng, với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, việc TP Hồ Chí Minh tụt xuống sát đáy bảng xếp hạng chỉ số tăng trưởng kinh tế so với các địa phương khác đặt ra rất nhiều thách thức, áp lực cho lãnh đạo thành phố. Đánh giá về thực trạng và nguyên nhân của sự tụt dốc này cần có cái nhìn khách quan, toàn diện. Chúng tôi đã liên hệ với một số chuyên gia kinh tế có thâm niên nghiên cứu về kinh tế TP Hồ Chí Minh để tìm hiểu vấn đề này. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển bền vững TP Hồ Chí Minh) khẳng định:
- Chúng tôi đã theo sát và nghiên cứu sâu tình hình kinh tế của TP Hồ Chí Minh từ nhiều năm nay. Sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế thời gian qua không phải bất ngờ mà là kết quả đã được dự báo từ sớm, từ xa. Sau khi khống chế thành công đại dịch Covid-19, đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng của những tác động lớn, đó là sự biến động phức tạp của thị trường tài chính toàn cầu và sự khó khăn của thị trường bất động sản, cùng với đó là những điểm nghẽn của thị trường tài chính trong nước, sự hao hụt nhân lực và tiềm lực trong một số phân khúc quan trọng của nền kinh tế. Các gói hỗ trợ kích thích chuỗi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch chưa đủ mạnh để vực dậy tiềm lực cho các doanh nghiệp. Những nguyên nhân này tác động đến cả nền kinh tế, ảnh hưởng đến tất cả các địa phương, song, với vị thế đô thị đầu tàu, TP Hồ Chí Minh là địa phương chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề nhất. Đây cũng chính là những nguyên nhân gián tiếp dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công thấp; vòng xoay của dòng vốn bị nghẽn, doanh thu từ các dịch vụ của thị trường nội địa thấp. Bên cạnh đó là sự ì ạch trong nhiều phân khúc của bộ máy hành chính công. Trong bối cảnh đó, một “trận thua đậm” của kinh tế là khó tránh khỏi.
    |
 |
Sự chuyển động mạnh mẽ của các dự án hạ tầng giao thông theo cơ chế đặc thù sẽ góp phần tháo gỡ điểm nghẽn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng (mạng lưới giao thông hiện đại ở TP Thủ Đức) Ảnh: THANH TOÀN |
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thị Mỹ Nương (Tổng giám đốc Công ty Đào tạo lãnh đạo và Dịch vụ phát triển bền vững) cũng đồng tình với nhận định trên và nhấn mạnh, những khó khăn này chỉ là tạm thời. Nhận rõ thách thức, đột phá mạnh mẽ để khơi thông các điểm nghẽn, thành phố sẽ khai mở có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh vốn có để lấy lại đà tăng trưởng.
Một trong những sự kiện quan trọng liên quan đến chiến lược và các giải pháp gỡ khó cho kinh tế TP Hồ Chí Minh ngay từ quý II-2023 là chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thường trực Chính phủ tại thành phố, diễn ra vào trung tuần tháng 4 vừa qua. Sau khi thị sát, kiểm tra tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm và làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo kịp thời, tập trung một số giải pháp giải quyết các đề xuất, kiến nghị của thành phố. Thông báo số 161/TB-VPCP ngày 28-4-2023 “Kết luận của Thường trực Chính phủ tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế-xã hội”, đã khẳng định: Với nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, TP Hồ Chí Minh có đầy đủ yếu tố phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ, trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho vùng và cả nước...
Thông báo cũng nêu rõ: Thành phố còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn và thách thức: Tiềm năng, lợi thế, tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu dẫn dắt, truyền cảm hứng, tạo động lực đối với vùng và cả nước chưa được khai thác hiệu quả...
Qua đánh giá của Thường trực Chính phủ và nhận định của giới chuyên gia, có thể thấy những khó khăn dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế của TP Hồ Chí Minh không phải do lỗi của cơ chế đặc thù cũng như tiềm năng, tiềm lực của thành phố như một số ý kiến nhận định. “Trận thua đậm” của tăng trưởng kinh tế quý I-2023 chỉ là khó khăn tạm thời.
Tháo gỡ điểm nghẽn, tự tin vượt qua thách thức
Theo giới chuyên gia, đây không phải là lần đầu tiên đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn. Bà Trần Thu Hồng, nguyên Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu lương thực TP Hồ Chí Minh, một trong những cán bộ chủ chốt của ngành lương thực thành phố, thực hiện chủ trương đột phá, “vượt rào” thời bao cấp của lãnh đạo thành phố, góp phần mở ra tư duy cho công cuộc đổi mới của Đảng năm 1986. Doanh nhân Trần Thu Hồng năm nay 68 tuổi, ngụ tại quận Gò Vấp. Bà Hồng chia sẻ về những khó khăn chồng chất của kinh tế TP Hồ Chí Minh trước đổi mới. Chính từ môi trường gian khó, đầy thách thức ấy, lãnh đạo thành phố mới có tư duy đột phá, đổi mới. Nhắc lại những kỷ niệm thời “vượt rào” đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ mua lương thực về cung cấp cho người dân TP Hồ Chí Minh, bà Trần Thu Hồng muốn lấy đó làm dẫn chứng để so sánh với những khó khăn hiện nay. Theo bà Hồng, trong hành trình phát triển, chắc chắn sẽ có những lúc giậm chân tại chỗ hoặc thụt lùi. Đó là quy luật tất yếu. Vấn đề là các cấp, các ngành, giới doanh nghiệp... không nên hốt hoảng, bi quan mà cần nhìn thẳng vào những điểm nghẽn để có giải pháp tháo gỡ. Bài học rút ra ở đây là càng những lúc khó khăn, càng phải bình tĩnh, đoàn kết, thống nhất, tự tin để tìm cách vượt qua.
Thông báo số 161/TB-VPCP nêu rõ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng: Tập trung tháo gỡ vướng mắc và tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn về trái phiếu, bất động sản; về phòng cháy, chữa cháy; quy hoạch, giao đất, định giá đất... Đây là những vấn đề TP Hồ Chí Minh có thuận lợi về cơ chế đặc thù nhưng quá trình vận hành đang bị nghẽn do chưa khai thác hết lợi thế.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng đề xuất giải pháp: Trong bối cảnh hiện nay, thành phố cần khai thác mạnh mẽ ba nguồn lực cốt lõi và là thế mạnh của địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp, đó là: Đất đai, con người và công nghệ. Để hoạt động hiệu quả hơn, hệ thống doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh tái cấu trúc nâng cấp toàn diện chuỗi sản xuất, kinh doanh, chú trọng nâng cấp hệ thống quản trị nội bộ; phát triển tư duy mới trong vận hành doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thị Mỹ Nương nhấn mạnh: Thành phố kiến tạo các mô hình, hệ sinh thái, môi trường kinh doanh mới theo những tiêu chuẩn chất lượng cao như trong các FTA thế hệ mới đã cam kết. Tri thức hiện đại, đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội là ba phạm trù nền tảng quan trọng nhất phải được xây dựng và phát triển theo xu hướng hội nhập...
Những điểm sáng và dự báo khả quan
Trong bối cảnh khó khăn, bức tranh kinh tế thành phố vẫn có nhiều điểm sáng, tiêu biểu nhất là ngành du lịch. Theo báo cáo của Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, tính đến hết quý I-2023, tổng lượng khách du lịch đến thành phố đạt khoảng 8,6 triệu lượt, tăng gần 79,2% so với cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch đạt 36.112 tỷ đồng, tăng 77,2% so với cùng kỳ năm 2022. Ở đô thị đa dạng các loại hình dịch vụ như TP Hồ Chí Minh, du lịch chính là ngành kinh tế tổng hợp. Sự hồi phục, phát triển mạnh mẽ của du lịch là đòn bẩy thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư, hợp tác thương mại. Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy: Trong quý I-2023, các ngành dịch vụ như bán buôn, bán lẻ; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học-công nghệ; giáo dục và đào tạo; ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống... đều có mức tăng trưởng khá.
Chuyên gia kinh tế, TS Huỳnh Thế Du (giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng: Trong những giải pháp được Thường trực Chính phủ chỉ đạo, TP Hồ Chí Minh cần đột phá mạnh vào hai điểm nghẽn là giải ngân vốn đầu tư công và nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ. Giải quyết kịp thời và hiệu quả vấn đề mấu chốt này sẽ góp phần tạo đòn bẩy thúc đẩy các phân khúc, lĩnh vực khác cùng phát triển.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tiếp thu kiến nghị của giới chuyên gia, ngay trong dịp kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2023), TP Hồ Chí Minh đã có sự chuyển động mạnh mẽ về các dự án hạ tầng giao thông. Nhiều dự án trọng điểm chiến lược được khánh thành, khởi công chào mừng ngày lễ lớn của dân tộc, hướng tới Đại lễ 50 năm đất nước thống nhất vào năm 2025. Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây vừa thông xe đúng dịp lễ 30-4, tạo tiền đề thông xe toàn tuyến cao tốc Nha Trang-TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ vào cuối năm nay. Tuyến Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) sau khi được Thủ tướng Chính phủ thị sát, chạy thử thành công, đang gấp rút hoàn thiện những phần việc cuối cùng để khánh thành, đưa vào khai thác dịp 2-9 năm nay. Dự án Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, Nút giao thông An Phú, Quốc lộ 50 cũng vừa được khởi công. Dự án đường vành đai 3 sẽ khởi công trong quý II. Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đang triển khai đầu tư... Sự chuyển động của hàng loạt dự án trọng điểm là nhân tố quan trọng để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Đáng chú ý là đại đa số các dự án này đều được vận hành, quản lý theo những hình thức, giải pháp ưu tiên theo cơ chế đặc thù. Theo đồng chí Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố, những dự án trọng điểm lần lượt khánh thành, khởi công, sẽ có tác động tích cực đến các lĩnh vực xây dựng cơ bản, thu hút đầu tư, bất động sản, tài chính, ngân hàng... góp phần khơi thông những điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Với sự quan tâm chỉ đạo của Thường trực Chính phủ và sự quyết tâm của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, chúng tôi dự báo tăng trưởng kinh tế của thành phố trong quý II-2023 có thể đạt mức 1-1,4%. Trong trường hợp các mũi đột phá đều thành công, GRDP quý II của thành phố có thể tăng mức 3%. Vào cuối quý III, khi các điểm nghẽn cơ bản đã được tháo gỡ, dự báo GRDP của thành phố có thể đạt mức 14-15%, đỉnh cao nhất nhiều năm qua. Sang quý IV sẽ ổn định và cân bằng dần, GDP quốc gia đạt khoảng 6-7% và thành phố ở mức 6,5% cho đến hết năm 2024. Tính chung, dự báo của chúng tôi về GDP cả nước năm 2023 là 6-7%, GRDP của TP Hồ Chí Minh đạt 7-8%.
(Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng)
|
(còn nữa)
TÙNG SƠN - TRUNG KIÊN