Việt Nam là một trong những quốc gia mà phần lớn nguồn nước phụ thuộc từ các quốc gia lân cận do đất nước chúng ta nằm ở hạ lưu phần lớn các dòng sông chính. Vì vậy, việc sử dụng nguồn nước sao cho hiệu quả, đồng thời giảm thiểu tác động thiệt hại từ lũ lụt gây ra cũng là vấn đề lớn đặt ra hiện nay. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Hoàng Hiệp đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề này với phóng viên các cơ quan báo chí.

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Bộ Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp. 

Phóng viên (PV): Thưa Thứ trưởng, xin thứ trưởng cho biết tầm quan trọng và ý nghĩa của Quy hoạch Phòng chống thiên tai (PCTT) và thủy lợi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt?

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Quy hoạch về PCTT và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là 1 trong 38 quy hoạch quốc gia, chuyên ngành chúng ta phải xây dựng. Quy hoạch này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sớm nhất. Quy hoạch này có rất nhiều điểm mới, trong đó điểm đầu tiên chính là quan điểm thủy lợi sẽ đi trước để phục vụ các ngành, trong đó lấy nước làm gốc để các quy hoạch khác tuân thủ theo. Đây là một quan điểm mới và rất quan trọng. Như vậy, việc chủ động nguồn nước trong tất cả các tình huống có ý nghĩa quan trọng cho việc phát triển kinh tế-xã hội phát triển nhanh và bền vững.

Vấn đề thứ hai, quy hoạch PCTT và thủy lợi quốc gia phải phù hợp với quy hoạch quốc gia, các quy hoạch chuyên ngành khác. Các địa phương căn cứ vào quy hoạch này để từ đó xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế riêng, quy hoạch chi tiết của từng vùng, từng ngành, từng địa phương. Trong quy hoạch này cũng nói rõ những vấn đề trọng tâm, trọng điểm cần phải làm ngay, những vấn đề cần phải nghiên cứu nhằm đảm bảo mục tiêu an ninh nguồn nước của Việt Nam là rất quan trọng.

PV: Vì sao trong quy hoạch thủy lợi lại phải gắn với PCTT, thưa thứ trưởng? 

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Trong đột phá chiến lược của quốc gia chúng có 3 đột phá chiến lược, trong đó đột phá về hạ tầng thì hạ tầng cho nông nghiệp, trong đó hạ tầng thủy lợi đóng vai trò rất quan trọng. Hạ tầng thủy lợi ngoài việc phục vụ cho kinh tế-xã hội phát triển nói chung thì nó còn vấn đề rất quan trọng đảm bảo phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Chúng ta đã biết nước là nguồn gốc để cho các quy hoạch khác, đặc biệt nước là gốc để các quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội muốn phát triển bền vững phải theo nguồn nước. Phát triển hạ tầng thủy lợi góp phần rất quan trọng ở nhiều lúc là quyết định trong việc phòng chống giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, lấy vụ như: phòng chống sạt lở đất, lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn...

Thực thi quy hoạch này sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động của biến đổi khí hậu tác động đến nguồn nước, các dòng sông hiện nay đều bị tụt đáy, đáy sông ngày càng bị bào mòn. Ví dụ sông Hồng- dòng sông mẹ của chúng ta ở miền Bắc trung bình mỗi năm bị tụt khoảng 1 cm. Như vậy, nhiều công trình thủy lợi không thể lấy nước, nó gây ra ô nhiễm cho hạ du, khó khăn cho sản  xuất, sinh hoạt. Hay câu chuyện hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng sớm hơn, kéo dài hơn, nguy cơ ngày càng khốc liệt hơn. Ở miền Trung thì lũ lụt ngày càng khốc liệt, cực đoan hơn, gây thiệt hại nhiều hơn trước, sụt lún, sạt lở đất, đá ở các tỉnh miền núi. Chính vì vậy, việc triển khai thực hiện tốt quy hoạch này góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

leftcenterrightdel
Trạm bơm Phù Sa, thị xã Sơn Tây, Hà Nội đưa nước từ sông Hồng lên kênh, mương phục vụ sản xuất nông nghiệp.  

PV: Thưa Thứ trưởng! Vấn đề cung cấp nước cho các đảo, huyện đảo như trong quy hoạch PCTT và thủy lợi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vậy, Bộ NN-PTNT sẽ  thực hiện việc này như thế nào? 

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Về nguyên tắc trong quy hoạch thủy lợi lần này đảm bảo tuyệt đối nước sinh hoạt cho các khu dân cư, không để một hộ dân nào không có nước sinh hoạt. Chúng ta đang triển khai công tác này. Riêng trên các đảo, nhưng đảo có đông dân cư, những đảo chúng ta quy hoạch thành trung tâm hậu cần nghề cá thì chắc chắn phải có nguồn nước ổn định. Hiện có rất nhiều đảo chúng ta có thể làm hồ chứa nước để tránh trường hợp chỉ đợi nước mưa, lấy ví dụ như đảo Thổ Chu (Kiên Giang). Các đảo lớn thì phải nghiên cứu giải pháp này. Những đảo nào không thể xây hồ chứa nước thì phải xây bể chứa để tích nước vào mưa, cùng với đó lắp đặt hệ thống máy sử dụng màng lọc RO lọc nước biển thành nước ngọt.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Bài, ảnh: NGUYỄN KIỂM (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.