Giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ khá tốt

Tính đến ngày 20-7, giá trị giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh Bình Dương là 6.783 tỷ đồng (đạt 55,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Tuy tỷ lệ giải ngân vốn tương đương so với cùng kỳ năm 2022 nhưng giá trị giải ngân gấp gần 2,5 lần. Một số dự án trọng điểm được bố trí vốn lớn như giải phóng mặt bằng Quốc lộ 13 cơ bản phấn đấu hết quý III giải phóng xong. Dự án đường vành đai 3-TP Hồ Chí Minh đã chi 2.600 tỷ đồng để giải tỏa đền bù và tạo được quỹ đất sạch khởi công 2/4 gói đầu tư.

Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, đặc thù của kế hoạch đầu tư công năm 2023 là tổng vốn lớn 21.793 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với năm 2022, tỷ lệ vốn bố trí cho các công trình trọng điểm chiếm gần 70%. Tỉnh yêu cầu các địa phương, chủ đầu tư khẩn trương giải ngân vốn các dự án đền bù, giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm (tuyến Vành đai 3, Vành đai 4, Quốc lộ 13, ĐT746...) và thi công các dự án có khả năng hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm, phối hợp di dời các hạng mục cơ sở hạ tầng.

Giải ngân đầu tư công tốt giúp nâng cao chất lượng hệ thống giao thông tại Bình Dương.

Liên quan đến vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường, UBND tỉnh Bình Dương luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và tổ giải quyết khó khăn vướng mắc các dự án bất động sản thường xuyên lắng nghe nhiều chiều, chủ động tháo gỡ những khó khăn thuộc thẩm quyền. Cùng với đó, các ngành, các cấp chủ động rà soát, phân loại tình hình hoạt động của từng nhóm doanh nghiệp, từng doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ tích cực với tinh thần sẻ chia, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm xuất khẩu của tỉnh, kịp thời, đầy đủ các chính sách của Trung ương hỗ trợ cho doanh nghiệp.  

Trao đổi về các giải pháp phục hồi sản xuất, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết: Ba vấn đề hiện nay đối với doanh nghiệp đang cần là vốn, nhân lực kỹ thuật và thị trường. Qua 6 tháng đầu năm 2023, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh giảm đến hơn 17%, cho thấy thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường và doanh nghiệp, tỉnh đã cho ra đời tổ tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, hằng ngày đưa những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp để bàn thảo với các sở, ngành để giải quyết từng sự việc.

Thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh hình thành cảng logistics như cảng An Tây và tập trung các tuyến giao thông trọng điểm kết nối vùng như đường vành đai 3 và vành đai 4... nhằm kết nối chuỗi cung ứng, chuỗi hạ tầng, tạo động lực cho hệ thống logistics tiếp tục phát triển. Trong đó, tạo thuận lợi thông thương hàng hóa nhằm giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Tỉnh tiếp tục nghiên cứu giải pháp khơi thông, kích cầu tiêu dùng góp phần tiêu thụ hàng hóa do doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất đang gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu.

Quyết tâm cao hơn trong chỉ đạo điều hành

Theo bà Trần Thị Minh Hạnh, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế tỉnh có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa thật sự rõ nét. Mức tăng trưởng kinh tế còn thấp so với các năm qua. Tuy nhiên, so với tốc độ tăng trưởng của cả nước và các tỉnh, thành phố lân cận thì mức tăng trưởng của tỉnh khá tích cực. HĐND tỉnh nhận định rằng, với tốc độ phát triển kinh tế này trong giai đoạn hiện nay là sự cố gắng, nỗ lực rất tích cực của các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị của tỉnh. 

Các đoàn doanh nghiệp nước ngoài tham quan, tìm hiểu môi trường đầu tư tại Bình Dương.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thông tin rằng: Từ nay đến cuối năm, UBND tỉnh và các ngành, địa phương tiếp tục quyết tâm cao hơn trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, chủ động, phối hợp chặt chẽ, phát huy những kết quả đạt được, tranh thủ mọi nguồn lực, cơ hội, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, nắm chắc tình hình, phân tích, dự báo, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế để có giải pháp phù hợp, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng kinh tế: Tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.

Tại kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh Bình Dương khóa X mới đây, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 22 Nghị quyết quan trọng. Trong đó, có các Nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh, sửa đổi, bổ sung nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021-2025, ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Dương… Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương cho rằng, kỳ họp thứ 11 tiếp tục có đổi mới, sáng tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn. HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh khẩn trương triển khai các Nghị quyết vừa được thông qua, đặc biệt là cá​​c quy định mới, chính sách mới và các quy định được điều chỉnh, bổ sung để bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo.

LONG GIANG