Trước sự phát triển của khoa học-công nghệ và mô hình kinh doanh, thương mại mới, Bình Dương xác định tiếp tục đột phá, đưa đề án TPTM phát triển cao hơn là vùng đổi mới sáng tạo (ĐMST), tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Giải pháp thông minh 

Tỉnh Bình Dương với sự đồng hành của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp-CTCP (Becamex IDC) đã thực hiện đề án TPTM từ năm 2016 và luôn bám sát yêu cầu chuyển đổi kinh tế theo hướng ĐMST, số hóa. Tỉnh xây dựng nền móng TPTM từ “đòn bẩy” khu liên hợp đô thị-dịch vụ-công nghiệp với vai trò chiến lược bên cạnh lõi trung tâm là khu đô thị thành phố mới Bình Dương. Đến nay, đề án TPTM đã định hình và trực tiếp tham gia giải quyết nhiều thách thức hiện hữu của tỉnh như: Thu hẹp khoảng cách giữa công nghiệp và thương mại, dịch vụ, giải phóng sức ép về quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông, phát triển nguồn nhân lực... Trả lời câu hỏi: Bình Dương được gì sau thời gian xây dựng TPTM? Đáp án chính là việc Bình Dương được Tổ chức Cộng đồng thông minh thế giới bình chọn vào tốp 21 thành phố có chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu 5 năm liên tiếp. Đồng thời, Bình Dương cũng 3 lần liên tiếp vào tốp 7 cùng với các thành phố của những nước tiên tiến như: Canada, Brazil, Australia...

leftcenterrightdel
Các tòa nhà khu vực trung tâm Thành phố mới Bình Dương được vận hành với các giải pháp thông minh. Ảnh: HẠ LONG 

Trao đổi với chúng tôi, TS Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Văn phòng TPTM Bình Dương tâm đắc: “Bình Dương và Becamex IDC đã xây dựng các bộ giải pháp cùng sản phẩm dịch vụ TPTM và khu công nghiệp thông minh trên nền tảng thực hiện quá trình tự làm chủ các giải pháp công nghệ. Qua đó, triển khai vào thực tiễn để ứng dụng trong quá trình phát triển, giúp tỉnh tự nâng cấp hạ tầng, hỗ trợ mạnh mẽ các nhà đầu tư chuyển đổi dần mô hình phát triển từ thâm dụng lao động sang thâm dụng tri thức, thâm dụng công nghệ”.

Theo TS Phạm Tuấn Anh, Bình Dương tự hào khi xây dựng được nền tảng "Beca smart city platform". Từ đó, phát triển những giải pháp thông minh mang thương hiệu riêng như: Nhà máy xử lý nước thải thông minh, đèn đường thông minh, camera an ninh thông minh, bãi đỗ xe thông minh, quản lý vận hành thông minh... Các giải pháp trên thiết thực tạo môi trường sống thông minh, xanh, sạch, thân thiện với môi trường để thu hút doanh nghiệp công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây chính là những “viên gạch” đầu tiên cho quá trình tự làm chủ các giải pháp công nghệ và triển khai thực tiễn của các doanh nghiệp trong tỉnh.

Minh chứng cụ thể về giải pháp quản lý tòa nhà thông minh tại Trung tâm thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương, TS Phạm Tuấn Anh cho biết, nhiệm vụ chính của ứng dụng này là đem lại một nền tảng quản lý điều hành tập trung. Toàn bộ dữ liệu hoạt động của tòa nhà đều được tổng hợp lại và truyền tải lên theo các giao diện 2D, 3D, digital twin (bản sao kỹ thuật số) giúp người quản lý có đầy đủ thông tin, dữ liệu để vận hành tòa nhà. Qua đó, hướng đến xây dựng tòa nhà thân thiện với môi trường và tiết kiệm tối đa tài nguyên sử dụng, chi phí vận hành.

Đến khu vực thành phố mới Bình Dương, chúng ta sẽ cảm nhận được diện mạo đô thị khang trang, sạch đẹp, nhiều mảng xanh và thân thiện. Các khu đô thị mới đều được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội với giao thông kết nối liên vùng, liên khu vực. Không gian đô thị vùng ĐMST với tòa nhà trung tâm hành chính, Trung tâm thương mại thế giới thành phố mới Bình Dương, tòa nhà của Becamex IDC trở thành biểu tượng, mang dấu ấn năng động, sáng tạo riêng có của Bình Dương. Bên trong đó, các hoạt động được vận hành bằng những giải pháp thông minh. Tỉnh cũng đưa vào hoạt động Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh Bình Dương trên 22 lĩnh vực với hơn 600 chỉ tiêu để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Từ việc xây dựng TPTM, Bình Dương đã đúc kết ra mô hình 5 lớp của đề án Vùng ĐMST Bình Dương gồm: Quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông công cộng, xây dựng văn hóa ĐMST, phát triển kinh tế cân bằng, chuyển đổi số và phát triển công nghiệp 4.0, phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, hệ sinh thái số và ĐMST đang được phát triển mạnh mẽ tại Bình Dương như: Vườn ươm doanh nghiệp Becamex, Trung tâm sản xuất tiên tiến, Trung tâm thương mại thế giới Bình Dương, các phòng Fab lab (phòng thí nghiệm chế tạo) hiện đại... đã và đang đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp và người dân, mang lại cuộc sống ngày càng thông minh hơn.

Theo TS Ngô Minh Đức, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, khi xây dựng TPTM, Bình Dương đã đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng công nghệ, những trung tâm dữ liệu lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế, phòng thí nghiệm thực hành về công nghệ 4.0, dây chuyền sản xuất mẫu với sự hợp tác từ các hãng công nghệ lớn của thế giới... tại Trường Đại học Quốc tế Miền Đông. Qua đó, cung cấp phương tiện giúp chuyển đổi ý tưởng mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào đời sống thực tế.

Hệ sinh thái xanh trong đô thị thông minh

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của việc xây dựng TPTM, Bình Dương và Becamex IDC đã và đang phát triển hệ sinh thái kiểu mới, bổ sung cho mô hình công nghiệp-đô thị-dịch vụ trước đây. Đó là hệ sinh thái ĐMST và khoa học-công nghệ, xây dựng các khu công nghiệp thông minh, đô thị thông minh, xanh, bền vững. Tỉnh tiến tới xây dựng các khu công nghiệp gắn liền với khoa học-công nghệ để thu hút những ngành có giá trị gia tăng cao, góp phần đưa nền công nghiệp Bình Dương đi lên phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Becamex IDC cho biết: "Becamex IDC sẽ đồng hành với Bình Dương kiến tạo hạ tầng mềm mới cho tỉnh. Đó là hạ tầng về nghiên cứu và phát triển những phương tiện sản xuất mới, môi trường làm việc khoa học để thu hút nguồn nhân lực tri thức tham gia quá trình chuyển đổi hệ sinh thái sản xuất gia công sang hệ sinh thái nghiên cứu phát triển và làm chủ công nghệ. Becamex IDC kết hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu và phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái thông minh thế hệ mới mà trước mắt là tại huyện Bàu Bàng. Qua đó, hướng tới thế hệ công nghiệp tập trung và tự động hóa, tự hành và phát triển bền vững cho tỉnh và vùng Đông Nam Bộ".

Để xây dựng hệ sinh thái xanh và đột phá xây dựng TPTM, Bình Dương đang chuyển đổi công tác vận hành các khu công nghiệp của Becamex IDC thành khu công nghiệp thông minh, hệ sinh thái công nghiệp xanh, bền vững. Hệ thống các khu công nghiệp này sẽ ứng dụng những giải pháp thông minh của Bình Dương và được điều khiển, giám sát tại Trung tâm Điều hành thông minh Becamex trong thành phố mới Bình Dương. Mới đây, đơn vị thành viên của Becamex IDC đã ký kết hợp tác với đối tác NTT Data (thành viên của Tập đoàn NTT-Nhật Bản) trong triển khai các giải pháp ứng dụng TPTM và khu công nghiệp thông minh. Qua đó, hướng tới mục tiêu giúp doanh nghiệp Bình Dương làm chủ công nghệ và giải pháp TPTM toàn diện, bền vững.

Kế hoạch hành động thực hiện đề án TPTM Bình Dương giai đoạn 2022-2026 đã nêu rõ “tăng trưởng xanh” và bền vững trở thành chìa khóa cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Quá trình đột phá xây dựng TPTM, vùng ĐMST của Bình Dương được xác định cần trải qua hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 là xây dựng mới và nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành các khu công nghiệp xanh, thông minh với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0, giúp nhà đầu tư triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh nhanh chóng và hiệu quả. Giai đoạn 2 là phát triển các khu công nghiệp gắn liền với khoa học-công nghệ để thu hút các viện, trường trong và ngoài nước, hoạt động nghiên cứu phát triển và ĐMST, các ngành dịch vụ, dịch vụ số.

Theo đồng chí Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương, Trưởng ban điều hành TPTM Bình Dương, tỉnh luôn phấn đấu trở thành trung tâm, động lực liên kết vùng, tiếp tục là hình mẫu địa phương tiên phong trong nỗ lực vượt qua bẫy thu nhập trung bình, phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh. Ban điều hành TPTM và các cơ quan liên quan của tỉnh phối hợp với Becamex IDC tập trung đẩy mạnh các dự án trọng điểm của đề án TPTM, quyết tâm hoàn thiện, đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu của từng ngành; trong đó, tập trung vào công tác chuyển đổi số, khởi nghiệp ĐMST, xây dựng các khu công nghiệp sinh thái.

Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan. 

HỒNG GIANG