Vì sao hộ kinh doanh không muốn “lớn”?
Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 5,5 triệu hộ kinh doanh cá thể, trong đó có 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế và có hơn 2 triệu hộ đang sản xuất nhỏ lẻ; giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 10 triệu lao động. Trong suốt mấy chục năm qua, nhìn vào bức tranh tổng thể của khu vực KTTN có thể thấy, số hộ kinh doanh cá thể chiếm số lượng rất lớn nhưng hầu như không có nhiều chuyển biến rõ nét.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Phạm Quang Hải, chủ một cửa hàng bán đồ gia dụng, điện tử có quy mô tương đối lớn trong Chợ thương mại Cầu Bươu (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, hiện cửa hàng của anh luôn có 5-7 nhân viên, từ người bán hàng đến nhân viên vận chuyển, giao hàng... Công việc của vợ chồng anh chỉ là quản lý, giao việc cho nhân viên và thu tiền. Khi được hỏi về lý do không thành lập DN để hoạt động chuyên nghiệp hơn và có nhiều điều kiện mở rộng kinh doanh, anh Phạm Quang Hải tỏ ra e ngại vì các thủ tục hành chính rườm rà; phải thuê nhân viên để làm sổ sách, giấy tờ về thuế, làm tăng chi phí vận hành... Quan trọng hơn cả là hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh, anh Hải sẽ được hưởng ưu đãi về thuế vì được áp dụng hình thức thuế khoán.
Ngư dân Đà Nẵng thu hoạch cá sau một chuyến ra khơi. Nếu được tổ chức tốt thì các đội tàu của ngư dân có thể trở thành các doanh nghiệp đánh bắt hải sản. Ảnh: TTXVN.
Chị Nguyễn Thị Hải Yến từng là giám đốc một doanh nghiệp tư nhân (DNTN) ở TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Từ một hộ kinh doanh cá thể mặt hàng chè đặc sản Tân Cương, chị đã thành lập công ty cũng kinh doanh mặt hàng này. Thế nhưng, sau 3 năm tồn tại, chị phải xin giải thể DN và trở lại là một hộ kinh doanh. Lý do chính được chị Yến đưa ra là chi phí để quản lý DN lớn hơn rất nhiều so với chi phí để quản lý hộ kinh doanh, kể cả chi phí chính thức và chi phí không chính thức.
Đây chính là thực trạng chung của các hộ kinh doanh cá thể ở nước ta, đa phần, tâm lý chung của các hộ này là không muốn “lớn”, mặc dù có không ít hộ kinh doanh có đủ điều kiện để thành lập DN. Mặt khác, vì các điều kiện kinh doanh của hộ với điều kiện kinh doanh của DN khác nhau nên hơn 5,5 triệu hộ kinh doanh của cả nước không muốn phát triển lên nấc thang cao hơn là thành lập DN. Ví dụ, khi thành lập một DN chế biến bánh kẹo thì phải có rất nhiều loại giấy phép, với những thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra; nhưng một hộ kinh doanh, sản xuất thủ công ở các làng nghề thì sẽ hạn chế được rất nhiều giấy phép.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hộ kinh doanh thường rất thận trọng khi quyết định chuyển thành DN. Bởi vì hiện tại, các cơ sở kinh doanh được áp dụng chính sách thuế khoán chứ không phải dựa trên quy mô. Khi trở thành DN, họ phải thuê nhân viên kế toán và thực hiện các thủ tục hành chính phức tạp hơn. Không chỉ thủ tục về thuế, thủ tục về lao động, mà còn thủ tục về phòng cháy, chữa cháy, công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp... khiến chi phí hoạt động tăng lên. Với những DN siêu nhỏ, doanh thu dưới một tỷ đồng/năm thì rõ ràng, một năm phải chi phí thêm từ 60 đến 70 triệu đồng để thuê kế toán là khoản chi phí không hề nhỏ.
Đưa ra quan điểm lý giải vì sao các hộ kinh doanh mãi vẫn không chịu “lớn”, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho rằng, một phần nguyên nhân do các cơ chế quản lý của Nhà nước thiết kế chưa thuận lợi và các chính sách hỗ trợ phải tăng cường năng lực cho DN. Theo kinh nghiệm một số nước Tây Âu, khi bắt đầu khởi sự kinh doanh, dù ở bất cứ lĩnh vực nào cũng bắt buộc phải hiểu rõ những điều kiện tối thiểu khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Ở một số nước tiên tiến, khi DN bắt đầu kinh doanh, ngoài yêu cầu đăng ký kinh doanh thì DN phải đạt một số tiêu chuẩn, được cơ quan quản lý kiểm tra và DN sẽ được đào tạo về kỹ năng quản trị. Còn ở nước ta, những quy định, chế tài này đều đã có nhưng chưa đủ và chưa phổ biến.
Cần không gian quản trị phù hợp cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
Các điều kiện để hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN đã được đơn giản hóa rất nhiều khi có Luật DN năm 2014. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh khi phát triển lên DN, để DN hoạt động hiệu quả và có thể mở rộng sản xuất, kinh doanh lại là câu chuyện dài mà rất cần sự trợ giúp của Nhà nước. Nếu không, rất có thể DN sẽ lại rơi vào vòng luẩn quẩn, bởi chỉ sau một vài năm sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, DN không đủ nguồn lực để duy trì hoạt động sẽ dẫn tới phá sản. Mục tiêu mà Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 35 không chỉ là số lượng DN thành lập mà thực chất là để nâng chất lượng hoạt động của DN, để kinh doanh thuận lợi hơn, quản trị tốt hơn, tiếp cận nguồn lực dễ hơn... mang lại tăng trưởng cho nền kinh tế.
Không gian trưng bày sản phẩm gốm Bát Tràng, TP Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Theo tính toán của VCCI, khi trở thành DN chính thức hoạt động theo Luật DN thì chi phí tuân thủ trên lợi nhuận, trên doanh thu của DN tăng lên rất lớn. Điều ảnh hưởng trực tiếp đến việc hộ kinh doanh cá thể lên thành DN có tác động lớn nhất là thủ tục về kế toán và thuế. Trước hết, các quy định về chế độ kế toán và thuế đang áp dụng cho DN siêu nhỏ thì cũng áp dụng các chế độ như của DN vừa hay nhỏ. DN nhỏ hay siêu nhỏ vẫn phải duy trì hệ thống sổ sách kế toán, kết thúc năm phải lập báo cáo tài chính bắt buộc và bảng cân đối kế toán. Ngoài ra, DN phải gửi hồ sơ khai quyết toán thuế cho cơ quan thuế, trong đó có nhiều mục mà đối với DN nhỏ khi vừa phát triển lên từ hộ kinh doanh sẽ rất phức tạp. Các DN cũng phải tuân thủ các quy định về công bố thông tin. Ví dụ, theo quy định của Luật Kế toán, những DN nhỏ, siêu nhỏ vẫn phải thực hiện công bố tài chính, phải lập báo cáo tài chính, với rất nhiều chỉ tiêu, như: Tình hình tài sản, nợ phải trả, vốn chủ sở hữu... Đặc biệt, chỉ khoảng 2-3 ngày sau khi có giấy chứng nhận đăng ký thành lập, DN phải thực hiện, tuân thủ một loạt thủ tục. Đây là một gánh nặng rất lớn. Vì vậy, một trong những yêu cầu trong thời gian tới là cần phải đơn giản hóa các thủ tục này; cần có một chế độ pháp luật về kế toán, về thuế đơn giản, thân thiện, không khác nhiều so với những điều mà các hộ kinh doanh đang thực hiện, để khi đăng ký DN, họ thấy được lợi ích nhiều hơn thì mới tạo ra động lực.
Một vấn đề nữa khiến các hộ kinh doanh cá thể không có động lực chuyển thành DN chính là việc thỏa thuận thuế hay trốn thuế ở các hộ kinh doanh dễ dàng hơn. Vì vậy, cần phải tạo ra một sân chơi công bằng trong kinh doanh. Khi những lợi thế của hoạt động hộ kinh doanh về giảm thuế không còn nữa thì khi ấy, động lực chuyển thành DN sẽ tích cực hơn. Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, bởi những DN siêu nhỏ đặc biệt nhạy cảm với việc tăng chi phí về thủ tục hành chính. Đối với những DN này, một vài triệu đồng đóng phí thủ tục hành chính cũng tác động lớn đến doanh thu, lợi nhuận. Bên cạnh đó, phải có thiết chế hỗ trợ DN nhỏ và vừa, như đại lý thuế, dịch vụ kế toán hỗ trợ DN siêu nhỏ...
Muốn một hộ kinh doanh phát triển thành DN thì điều quan trọng nhất là môi trường hoạt động. Chính phủ khuyến khích các hộ kinh doanh từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức. Tuy nhiên, hiện khung chính sách về hỗ trợ cho DN vẫn chưa bảo đảm tính nhất quán, mới tập trung vào khuyến khích thành lập DN, hỗ trợ, động viên khởi nghiệp. Vì vậy, chính sách hỗ trợ phải toàn diện cho tất cả các khâu sản xuất, kinh doanh để DN có chỗ dựa, tiếp tục phát triển. Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, việc động viên, khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN là cần thiết nhưng phải bằng những chính sách hỗ trợ cụ thể. Đơn cử như trong vòng 1 đến 3 năm đầu sau chuyển đổi, Nhà nước có thể hỗ trợ giảm thuế thu nhập DN. Nhà nước cũng cần dành các quỹ hỗ trợ DN nhỏ và vừa để bảo lãnh tín dụng cho DN vay vốn, hỗ trợ DN trong hoạt động xúc tiến đầu tư…
Khu vực hộ kinh doanh cá thể chính là khu vực quan trọng nhất để hoàn thành mục tiêu mà Chính phủ đề ra là có 1 triệu DN hoạt động đến năm 2020. Tất cả ác hộ sản xuất, kinh doanh đều mong muốn việc làm ăn phát triển, mở rộng và lớn mạnh hơn, nhưng đồng thời, mối quan tâm hàng đầu của họ chính là liệu môi trường kinh doanh có thuận lợi không, có được cạnh tranh và đối xử bình đẳng hay không? Các chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành DN không nên chạy theo thành tích. Và để tránh tình trạng này, trước hết phải rà soát lại những chính sách, quy định đang cản trở, gây khó khăn cho quá trình chuyển đổi và tháo gỡ.
Phát triển KTTN thực chất nhằm khơi dậy mọi tiềm năng, thu hút mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển kinh tế của quốc gia. Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về phát triển KTTN được đánh số là Nghị quyết số 10-NQ/TW. Điều đó thể hiện mong muốn của lãnh đạo Đảng tạo ra một “Khoán 10” mới, tạo ra những đột phá về cơ chế, chính sách để KTTN phát triển, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Để những định hướng lớn trở thành những cơ chế chính sách cụ thể, được thực thi hiệu quả trên thực tế, mang lại sự phát triển mạnh mẽ của KTTN cần sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của tất cả các bộ, ngành, địa phương, từng hiệp hội ngành nghề, từng DN, từng hộ kinh doanh cùng tháo gỡ những vướng mắc, vì sự phát triển của đất nước.
NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ
(tiếp theo và hết)