Bài 1: Nhận diện các “rào cản” đối với kinh tế tư nhân

Đảng và Nhà nước ta chủ trương tạo điều kiện cho sự phát triển vượt bậc của KTTN, khích lệ phong trào khởi nghiệp trong toàn xã hội. Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển KTTN. Thế nhưng trên thực tế, KTTN còn gặp nhiều rào cản từ thể chế; thủ tục hành chính; cơ chế thanh tra, kiểm tra; khó tiếp cận các nguồn lực như vốn vay, đất đai; còn bị phân biệt đối xử cho tới sự hạn chế từ tầm nhìn, trách nhiệm của chính doanh nghiệp.

Sự phức tạp, thiếu ổn định của thể chế làm khó doanh nghiệp

Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Hiện nay, số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam là khoảng 612.000, trong đó phần lớn là doanh nghiệp tư nhân (DNTN), một số đã trở thành tập đoàn KTTN. Cả nước đang có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó 3,5 triệu hộ kinh doanh được cấp mã số thuế, 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ. KTTN đang chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) với khoảng 43,2%, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế. Như thế, tiềm năng của DNTN còn rất lớn.

Tuy nhiên, khu vực KTTN cũng còn tồn tại quá nhiều hạn chế. Đó là các DNTN chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa, nguồn lực tài chính, trình độ trang bị kỹ thuật, công nghệ, nhân lực và năng lực cạnh tranh còn yếu. Quy mô vốn của DNTN chỉ khoảng 24-25 tỷ đồng/doanh nghiệp, thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp Nhà nước (DNNN)...

leftcenterrightdel
Bãi tập kết container tại cảng Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: TTXVN 

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII của Đảng đặt mục tiêu phát triển mạnh khu vực KTTN, để đến năm 2030 cả nước sẽ có 2 triệu doanh nghiệp, chủ yếu là DNTN; KTTN chiếm khoảng 60-65% GDP.

Để làm được điều đó, phải gỡ nhiều “rào cản” cho KTTN mà đầu tiên là từ thể chế. Theo Báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới - Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện, trở ngại lớn nhất đối với khu vực KTTN ở Việt Nam vẫn là môi trường pháp lý chưa thực sự hoàn thiện theo nguyên tắc pháp quyền. Còn nhiều quy định chưa rõ ràng, thiếu nhất quán, phức tạp, chồng chéo hay thay đổi, dẫn tới tình trạng các cơ quan thừa hành và các doanh nghiệp lúng túng trong việc chấp hành luật; còn tình trạng giấy phép con gây khó cho doanh nghiệp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Cát Tường (tỉnh Bắc Ninh) cho biết, DNTN cũng không cần chính sách ưu đãi gì hơn các doanh nghiệp khác, chỉ cần chính sách ổn định, rõ ràng là đã có thể phát triển tốt.

Bà Nguyễn Thị Đông, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hoa Lan (Hưng Yên) phân tích: Doanh nghiệp FDI được nhiều địa phương “trải thảm đỏ” đón tiếp với không ít ưu ái. DNNN có nhiều lợi thế về vốn và đất đai. Còn DNTN lại chịu nhiều thiệt thòi và mặc cảm.  

Lấy ví dụ về những quy định ngoài luật đang gây khó cho doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, sau khi đã được cắt giảm rất nhiều, hiện nay còn có 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Thế nhưng, tương ứng mỗi ngành nghề kinh doanh này lại có một hệ thống hàng trăm các điều kiện “con cháu” khác, trong khi các tiêu chí để xác định điều kiện kinh doanh lại không rõ ràng, cấu trúc phức tạp.

Hình thức của điều kiện kinh doanh khá đa dạng, có thể bao gồm giấy phép, nhưng có những hình thức “tinh vi”, rất khó để nhận diện, như yêu cầu nộp đơn xin phép hay “thông báo cho cơ quan quản lý” (nhưng phải được chấp thuận thì mới được hoạt động)… Khi đã đủ điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp còn phải chứng minh bằng một loại giấy xác nhận mà muốn có giấy này, doanh nghiệp lại phải thực hiện hàng loạt các thủ tục hành chính. Chưa hết, doanh nghiệp còn bị “trói buộc” bởi thời gian kinh doanh (phổ biến 5-10 năm), sau thời gian đó lại phải tiếp tục xin lại. Vì thế, bộ máy quản lý nhà nước đối với hoạt động của khu vực KTTN còn nặng về cơ chế xin-cho.

Thủ tục phiền hà, chi phí đè nặng  

Vừa qua, Chính phủ đã mở cuộc “tổng tấn công” vào các hoạt động kiểm tra chuyên ngành bất hợp lý, gây nhiều phiền hà cho doanh nghiệp, làm tăng chi phí của nền kinh tế. Theo tính toán của CIEM, chỉ riêng các thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã làm các doanh nghiệp mất 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng chi phí. Có những mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành 100% lô hàng, trong khi tỷ lệ phát hiện vi phạm chỉ là 0,06%. Chính bởi việc kiểm tra chuyên ngành rất nhiêu khê khiến thời gian nằm cảng của các lô hàng xuất nhập khẩu tại Việt Nam hiện nay lên tới 10 ngày, cách rất xa tiêu chuẩn ASEAN 6. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho hay, thủ tục kiểm tra chuyên ngành phức tạp, thời gian hàng hóa chờ thông quan lâu nên chi phí cho kinh doanh của Việt Nam còn lớn. Chẳng hạn, một container đi từ Hải Phòng tới Yokohama (Nhật Bản) mất tới 1.000USD, trong khi từ Quảng Châu (Trung Quốc) đến Yokohama chỉ mất có 170USD.

leftcenterrightdel

Hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng Hải Phòng. Các thủ tục kiểm tra chuyên ngành bất hợp lý đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đang gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN 

Công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên cũng đang “hành” doanh nghiệp. Doanh nghiệp có quy mô càng lớn, gánh nặng về thanh tra, kiểm tra càng cao, kéo theo gánh nặng về chi phí. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thực tế này khiến nhiều cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ không dám và không muốn "lớn" và chuyển sang các hoạt động phi chính thức.

Tháng 5-2017, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị mỗi năm không được kiểm tra thường xuyên doanh nghiệp quá một lần và tất cả các ngành phải phối hợp tổ chức thành một đoàn để tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp. Nhưng theo khảo sát của chúng tôi thì dường như quy định này của Thủ tướng chưa được thực hiện nghiêm. Ông Đào Đức Yêm, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Cái Rồng (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) cho chúng tôi biết, chỉ trong tháng 8-2017, công ty đã phải đón tiếp 8 đoàn kiểm tra, từ Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Quản lý thị trường đến phòng cháy-chữa cháy...

Trong một môi trường quản lý còn xuất hiện hành vi tham nhũng thì các khoản chi phí không chính thức đang là gánh nặng lớn mà các DNTN Việt Nam phải đối mặt. Có đến 65% doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và 62% doanh nghiệp vừa cho rằng, có “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp”. 

Còn bất bình đẳng trong cách ứng xử

Trong Đề án: "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tiếp tục đổi mới, cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chỉ ra hai rào cản lớn nhất đối với KTTN hiện nay là:

Thứ nhất, việc gia nhập thị trường, quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ. Môi trường kinh doanh chưa thực sự bảo đảm cạnh tranh công bằng, lành mạnh; việc gia nhập, hoạt động và rút khỏi thị trường còn nhiều rào cản. Ví dụ, việc quán cà phê “Xin chào” đã bị hình sự hóa quan hệ kinh doanh, đi kèm với đó là những biểu hiện gây khó dễ, ngăn cản quyền đăng ký kinh doanh và tổ chức kinh doanh đối với chủ doanh nghiệp này của các cơ quan chính quyền địa phương.

Thứ hai, việc tiếp cận thông tin và nguồn lực (vốn, đất đai) còn rất nhiều khó khăn. DNTN có quy mô nhỏ thường gặp khó khăn hơn trong tiếp cận thông tin so với các doanh nghiệp ngoài Nhà nước với quy mô lớn. Các DNTN cũng luôn gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh. Một tỷ lệ đáng kể doanh nghiệp chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong Báo cáo môi trường kinh doanh 2017 do Ngân hàng Thế giới đánh giá, các chỉ số cấp phép xây dựng, các thủ tục liên quan và tiếp cận tín dụng của Việt Nam đều giảm 3 bậc.

DNNN, ngoài ưu thế được sử dụng vốn, tài sản Nhà nước, vẫn được tạo điều kiện thuận lợi hơn nhiều so với DNTN trong việc tiếp nhận các nguồn vay từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng; có ưu thế lớn hơn nhiều trong việc tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam cũng được hưởng rất nhiều ưu đãi về cả yếu tố đầu ra (ưu đãi thuế quan) và yếu tố đầu vào (ưu đãi về đất đai, tiếp cận vốn...)..., những ưu đãi mà các DNTN Việt Nam phải mơ ước. Trong khi đó, khu vực KTTN trong nước lại chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ chính các doanh nghiệp nước ngoài ấy.

Văn hóa kinh doanh, tầm nhìn doanh nghiệp còn hạn hẹp

Một bộ phận không nhỏ khu vực KTTN của Việt Nam “ngại lớn” và chỉ muốn hoạt động không chính thức, không cần xây dựng thương hiệu để tránh chi phí. Ngoài yếu tố khách quan thì còn có yếu tố chủ quan của doanh nghiệp. Chủ nhiều DNTN nhỏ cho hay, doanh nghiệp của họ thường chỉ tồn tại khoảng 3 năm, sau đó giải thể để thành lập doanh nghiệp khác cũng hoạt động trong cùng ngành nghề. Nguyên nhân theo họ là trong 3 năm đầu khi doanh nghiệp mới thành lập thì sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, sau 3 năm thì không còn được ưu đãi mà lại bị kiểm tra nhiều hơn.

Thực tế trên cho thấy, tầm nhìn của DNTN Việt Nam còn rất hạn chế, chỉ hành động ngắn hạn, vì cái lợi trước mắt mà thiếu chiến lược kinh doanh dài hạn, vươn ra nước ngoài, việc am hiểu và ý thức tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước của một bộ phận DNTN còn hạn chế. Một số doanh nhân còn thiếu văn hóa kinh doanh và trách nhiệm với xã hội, vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, làm tăng thêm các tiêu cực xã hội.

Tính liên kết của doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu. Theo khảo sát của VCCI, 70% doanh nghiệp còn chưa tham gia hiệp hội, thấy không thật sự cần thiết phải tham gia do hiệp hội chưa làm tốt vai trò đại diện của mình, chưa bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, bảo vệ môi trường kinh doanh, quyền tự do kinh doanh, bảo vệ cạnh tranh, xúc tiến mậu dịch.

NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ

----------------

(còn nữa)